Có khá nhiều nguyên nhân khác nhau gây đau lưng ở nữ giới, trong đó có sự liên quan về cấu trúc khung xương chậu, hormone sinh dục và nghề nghiệp của nữ giới.
- Hội chứng tiền kinh nguyệt: Hội chứng này xảy ra ở một số phụ nữ đang trong lứa tuổi có kinh nguyệt mắc phải vài ngày trước khi kỳ kinh xuất hiện như đau bụng dưới (đa số là âm ỉ) một số chị em đau bụng dưới dữ dội, quằn quại, đầy hơi kèm theo có thể váng đầu hoặc đau đầu và cảm thấy rất mệt mỏi và đau thắt lưng. Cơn đau bụng kinh thường kéo dài từ 1 - 3 ngày khi bắt đầu xuất hiện kinh nguyệt.
- Mặt khác, một số phụ nữ thời kỳ tiền mãn kinh hay là mãn kinh đều có thể bi đau lưng, điều này có thể do loãng xương sinh lý (tức là nôi tiết tố nữ bị suy giảm gây loãng xương). Do lượng can xi trong xương hao hụt theo thời gian, dễ dẫn đến giòn xương, xốp xương và dễ gãy ảnh hưởng đến thắt lưng ở nữ giới, gây ra các cơn đau lưng đột ngột.
- Ngoài ra, đau lưng nhất là đau vùng thắt lưng ở phụ nữ còn có thể do hoạt động hoặc nằm sai tư thế trong một thời gian dài.
- Một số phụ nữ đau lưng do mang thai bởi sự thay đổi của các hormone sinh dục nữ và sự tăng cân của thai phụ làm giãn dây chằng để chuẩn bị sinh em bé. Đối với hầu hết thai phụ, đau lưng xảy ra giữa tháng thứ năm và thứ bảy của thai kỳ. Tuy vậy, một số trường hợp bà bầu có thể xuất hiện đau lưng bắt đầu sớm hơn. Vị trí đau lưng ở bà bầu phổ biến là nằm ngay dưới thắt lưng và trên xương cùng cụt hoặc ở giữa lưng, quanh eo. Cơn đau có thể lan xuống chân.
- Đau lưng ở nữ giới có thể do bệnh đau dây thần kinh toạ bởi sự chèn ép hoặc tổn thương của dây thần kinh tọa do thoái hóa cột sống thắt lưng gây thoát vị đĩa đệm do thoái hóa đĩa đệm (hầu hết phụ nữ bị thoái hóa đĩa đệm sau tuổi 40).
Mặc dù không phải tất cả phụ nữ đều bị đau lưng khi thoái hóa đĩa đệm nhưng có một số phụ nữ bị đau dữ dội, cơn đau có thể chạy dài đến mông và đùi. Lý do là, khi các đĩa đệm trong cột sống bắt đầu bị mòn gây thoái hóa bởi tác động lâu dài của các lực đè lên cột sống thắt lưng nhất là phụ nữ phải đứng nhiều (công nhân đứng máy, phụ nữ nấu bếp, bán hàng siêu thị…), đặc biệt là phụ nữ mang vác sai tư thế.
- Ngồi lâu, sai tư thế đối với một số phụ nữ do đặc thù nghề nghiệp (công tác văn phòng như đánh máy, đọc, viêt tài liệu…) cũng có thể gây đau lưng. Lý do là, khi một số chị em thường xuyên làm công việc nặng nhọc trong một thời gian dài, sẽ làm cho vòng eo sẽ bị kéo căng, một số động tác phải cúi người thường xuyên sẽ làm cản trở quá trình lưu thông máu của vùng thắt lưng và cột sống thắt lưng sẽ bị chèn ép đến một mức độ nhất định nào đó sẽ dẫn đến đau thắt lưng, thoái hóa cột sống thắt lưng, hậu quả là bị đau dây thần kinh tọa do thoái hóa chèn ép dây thần kinh, nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng có thể dẫn đến teo cơ, vận động rất khó khăn, thậm chí gây liệt chân .
Đau lưng có thể gặp phải ở bất kỳ người phụ nữ nào trong độ tuổi trung niên và người cao tuổi. Nhưng thời gian gần đây, bệnh đau lưng ở phụ nữ trẻ ngày càng xuất hiện nhiều hơn.
Tuy vậy, có những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh đau lưng như phụ nữ đang mang thai, nhân viên văn phòng phải ngồi liên tục nhiều giờ trong ngày và kéo dài nhiều tháng, nhiều năm, người lao động chân tay, nhất là mang vác nặng, người béo phì, phụ nữ bị bệnh lý về phụ khoa, bệnh xương khớp hoặc phụ nữ thường xuyên đi dày, guốc cao gót…
- Đau lưng ở phụ nữ do bất kỳ nguyên nhân gì cũng đều ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của chị em, đặc biệt đau lưng có thể gây ra nhiều hậu quả xấu, thậm chí nguy hiểm nếu như để tình trạng bệnh kéo dài. Trong khi đó đau lưng ở nữ giới rất đa dạng và nhiều nguyên nhân khác nhau, vì vậy, khi bị đau lưng kéo dài nên được thăm khám một cách đầy đủ, đặc biệt là nên được khám chuyên khoa xương, khớp để được chỉ định điều trị đúng, sớm.
- Chị em khi bị đau lưng không nên tự chẩn đoán, tự mua thuốc điều trị nhất là các loại thuốc không rõ nguồn gốc, ví dụ, có thể gặp phải loại thuốc nam trộn lẫn thuốc tây y trôi nổi trên thị trường sẽ rất nguy hại cho sức khỏe người sử dụng.
- Ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ khám bệnh, chị em nên có chế độ sinh hoạt hàng ngày hợp lý (không ngồi quá lâu một tư thế, nên vận động cơ thể giữa giờ làm việc, không ngồi làm việc sai tư thế…).
- Phụ nữ ngoài 40 tuổi nên kiểm tra can xi máu định kỳ để phát hiện sớm hiện tượng thiếu can xi và nếu có sẽ được bác sĩ khám bệnh cho chỉ định dùng thuốc bù đắp kịp thời và sẽ có lời khuyên có chế độ sinh hoạt hợp lý tránh để lâu sẽ bị loãng xương gây đau nhức và thoái hóa xương khớp.
- Phụ nữ nên lưu ý chế độ dinh dưỡng hàng ngày, làm thế nào để có đủ lượng can xi thích hợp trong chế độ ăn hàng ngày, ví dụ, trong bữa ăn mỗi tuần vài ba lần nên có thêm tôm, cua, tép… Ngoài ra, phụ nữ nên vận động cơ thể hàng ngày một cách nhẹ nhàng như tập thể dục buổi sáng, tập thở hoặc đi bộ, lắc vòng…
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh