Lá trầu không có vị cay, thơm, nồng, tính ấm, tác dụng tiêu viêm, sát khuẩn, khu phong tán hàn,… Dược liệu này được sử dụng để làm giảm ngứa do các tình trạng da liễu và đau nhức xương khớp do phong thấp.
Lá trầu không có vị cay, thơm, nồng, tính ấm, tác dụng tiêu viêm, sát khuẩn, khu phong,…
Tên khác: Trầu cay, lá trầu, trầu
Tên khoa học: Piper betle
Họ: Hồ tiêu (danh pháp khoa học: Piperaceae)
Phân nhóm: Trầu quế và trầu mỡ
Mô tả dược liệu
1. Đặc điểm thực vật
Trầu không là thực vật dây leo, thường mọc bám vào tường và các cây khác. Lá trầu không có hình xoan/ tim, gân rõ nổi rõ, lá rộng từ 4.5 – 9cm và dài từ 10 – 13cm, có cuống bẹ, chiều dài cuống khoảng 1.5 – 3.5mm. Quả mọng, tròn có lông mềm. Toàn cây chứa tinh dầu và có mùi thơm đặc trưng.
2. Bộ phận dùng
Lá, thân và quả của cây trầu không được dùng để làm thuốc.
3. Phân bố
Có nguồn gốc từ Malaysia. Ban đầu được sử dụng để nhai sống nhằm giúp diệt khuẩn và bảo vệ sức khỏe răng miệng. Hiện nay, cây trầu không đã được di thực vào Việt Nam và được sử dụng rộng rãi.
4. Thu hái – sơ chế
Có thể thu hái quanh năm. Dùng trực tiếp hoặc phơi khô/ tán bột.
5. Bảo quản
Nơi khô thoáng, tránh ẩm và ánh sáng trực tiếp.
6. Thành phần hóa học
Cây trầu không có chứa thành phần hóa học đa dạng, bao gồm:
Tinh dầu thơm
Betel-phenol
Chavicol
Eugenol
Methyl eugenol
Allylcatechol
Cadinen
Tanin
Axit amin
Vitamin
p-cymen
Chavibetol
Vị thuốc trầu không
1. Tính vị
Vị cay, nồng, tính ấm.
2. Qui kinh
Qui vào kinh Phế, Vị, Tỳ.
3. Tác dụng dược lý và chủ trị
Theo y học hiện đại:
Tác dụng kháng khuẩn và diệt virus tốt.
Chiết xuất từ lá trầu có khả năng tiêu diệt khối u trong thực nghiệm trên động vật.
Tác dụng kháng sinh mạnh đối với trực trùng coli, tụ cầu khuẩn, song cầu khuẩn, liên cầu khuẩn và vi khuẩn subtillis.
Thành phần Chavicol (một dạng phenol) có tác dụng khử trùng tốt.
Theo Đông y:
Tác dụng khu phong tán hàn, chống ngứa, trung hành khí, hóa đàm và tiêu thũng chỉ thống.
Tính năng hạ khí, tiêu viêm, sát khuẩn, kích thích tiêu hóa, trừ phòng thấp.
Chủ trị:
Phòng sốt rét và bệnh lỵ
Các bệnh về phổi, đau đầu, suy nhược thần kinh, viêm nhiễm
Đau nhức lưng
Giảm mẩn ngứa do côn trùng cắn, chàm,…
Tắc sữa
4. Liều lượng – cách dùng
Có thể dùng lá trầu không nhai sống, dùng ngoài hoặc sắc uống. Không có quy định về liều lượng khuyến cáo. Khi sử dụng, cần liên hệ với bác sĩ để biết thêm thông tin.
Một số bài thuốc chữa bệnh từ lá trầu không
Trầu không thường được dùng để giảm ngứa do các bệnh da liễu và đau nhức xương khớp
1. Bài thuốc trị đái rắt
Chuẩn bị: Lá trầu, sữa, đường
Thực hiện: Đem rửa lá trầu, sau đó giã nát và vắt lấy nước cốt. Đem nước cốt pha với sữa và đường, uống đều đặn sẽ chưa được chứng đái rắt.
2. Bài thuốc chữa đau đầu
Chuẩn bị: 1 nắm lá trầu không tươi.
Thực hiện: Đem lá trầu rửa sạch, giã nát và xoa vào thái dương/ đỉnh đầu sẽ làm giảm tình trạng nhức đầu.
3. Bài thuốc chữa suy nhược thần kinh
Chuẩn bị: 1 vài lá trầu và mật ong.
Thực hiện: Dùng lá trầu rửa sạch, giã và vắt lấy nước cốt. Pha thêm 1 thìa mật ong, chia thành 2 lần dùng và uống hết trong ngày.
4. Bài thuốc chữa các bệnh về phổi
Chuẩn bị: Lá trầu không và dầu mù tạt.
Thực hiện: Đem lá trầu không tẩm dầu mù tạt, hơ ấm và đặt lên ngực.
5. Bài thuốc làm lành vết thương
Chuẩn bị: Vài lá trầu không.
Thực hiện: Đem rửa lá trầu, sau đó vắt lấy nước cốt đem rửa vết thương. Dùng lá trầu không sạch băng kín vết thương để tránh nhiễm trùng.
6. Bài thuốc làm giảm đau nhức lưng
Chuẩn bị: Lá trầu và dầu dừa.
Thực hiện: Đem lá trầu giã và vắt lấy nước, sau đó trộn với dầu dừa và đắp vào thắt lưng.
7. Bài thuốc chữa ho suyễn
Chuẩn bị: Lá trầu 4 – 8g.
Thực hiện: Ép lấy nước uống đều đặn.
8. Bài thuốc chữa phong thấp gây đau nhức chân tay
Chuẩn bị: Rễ lá lốt 12g, lá và rễ cây trinh nữ 12g, lá trầu không 12g.
Thực hiện: Đem sắc uống liên tục trong 1 tuần sẽ làm giảm cơn đau nhức.
Lưu ý: Tránh để hạt cây trinh nữ lẫn vào dược liệu vì hạt của loại cây này rất độc.
9. Bài thuốc chữa sữa bị tắc
Chuẩn bị: Dầu gió và lá trầu.
Thực hiện: Dùng lá trầu tẩm một ít dầu gió và đắp lên bầu ngực.
Lưu ý: Không nên áp dụng quá nhiều lần vì có thể gây viêm lợi và khó tiêu ở trẻ bú mẹ.
10. Bài thuốc chữa rát họng
Chuẩn bị: Lá bạc hà, húng quế, lá trầu không, mật ong và gừng.
Thực hiện: Đem các thảo dược rửa sạch và ép lấy nước. Sau đó trộn đều với mật ong và ngậm.
11. Bài thuốc chữa nấc cụt ở trẻ nhỏ
Chuẩn bị: 1 mẩu lá trầu không (nên lấy đầu nhọn).
Thực hiện: Nhấm cho lá mềm rồi dán vào trán trẻ, để đầu nhọn hướng xuống.
12. Bài thuốc chữa viêm kết mạc và đau mắt đỏ
Chuẩn bị: 1 nắm lá trầu không
Thực hiện: Đem nấu với nước, sau đó xông mắt cho đỡ đau.
13. Bài thuốc chữa chấn thương gây đau nhức
Chuẩn bị: Lá trầu và 1 ít giấm.
Thực hiện: Đem lá trầu giã nhuyễn, sau đó thêm ít giấm và đắp lên vùng sưng đau.
14. Bài thuốc chữa các bệnh ngoài da như lở loét, côn trùng cắn, rôm sảy, chàm và hắc lào
Chuẩn bị: 1 nắm lá trầu không.
Thực hiện: Rửa sạch nguyên liệu, sau đó giã nát lá trầu và hòa với nước sôi để nguội. Dùng nước để rửa và đắp vào vùng da bị tổn thương.
15. Bài thuốc chữa vết thương nhiễm khuẩn
Chuẩn bị: 4g phèn chua, 1 lít nước và 1 nắm lá trầu.
Thực hiện: Đem lá trầu rửa sạch rồi nấu sôi với phèn chua và nước. Dùng nước rửa lên vết thương nhiễm khuẩn.
16. Bài thuốc chữa nám da mặt
Chuẩn bị: Dùng 8 – 10 lá trầu không và 300ml nước.
Thực hiện: Đem trầu không đun sôi với nước và xông mặt mỗi ngày.
Lưu ý khi dùng lá trầu không chữa bệnh
Khi áp dụng cách chữa từ lá trầu không, bạn cần lưu ý những điều sau:
Đắp lá trầu không lên đầu ngực có thể làm cạn sữa.
Dùng đồng thời với hạt tiêu đen có nguy cơ vô sinh ở nữ giới.
Trước khi áp dụng các cách chữa bệnh từ lá trầu không, bạn nên tham vấn bác sĩ chuyên khoa để tránh những rủi ro không đáng có. Bên cạnh đó, cần hạn chế tình trạng phụ thuộc vào các cách chữa dân gian. Để bệnh tình có tiến triển tốt, bạn nên phối hợp với các biện pháp điều trị chuyên sâu được bác sĩ chỉ định.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh