1. Những đối tượng nào cần thực hiện xét nghiệm dịch khớp gối
Chọc hút dịch khớp gối là thủ thuật đơn giản, thông thường được chỉ định trong trường hợp bệnh nhân bị tràn dịch khớp gối.
Bác sĩ chuyên khoa sử dụng một đầu kim nhỏ để thực hiện chọc hút dịch. Sau khi hút dịch ta tiến hành xét nghiệm dịch khớp gối để phân tích đánh giá cũng như phát hiện ra các bệnh lý về khớp.
Một số đối tượng nên thực hiện xét nghiệm này:
- Bị các bệnh liên quan đến tràn dịch khớp như tràn dịch khớp theo chu kỳ, tràn dịch khớp sau chấn thương,...
- Các bệnh về viêm khớp gối: Viêm khớp vảy nến, viêm khớp dạng thấp,...
- Các bệnh về viêm màng hoạt dịch khớp khối: Bệnh nhân bị nghi ngờ nhiễm khuẩn lao, chưa xác định rõ nguyên nhân gây ra tình trạng viêm,...
Những đối tượng không nên thực hiện xét nghiệm dịch khớp gối:
- Bệnh nhân đang mắc các bệnh xuất huyết chảy máu nhiều.
- Đang sử dụng thuốc chống đông cầm máu trong điều trị bệnh.
- Bị vết thương hở hoặc da đang bị nhiễm trùng ở khu vực định chọc hút dịch khớp.
Ưu điểm và nhược điểm của chọc hút dịch khớp gối:
Biện pháp an toàn, ít gây tai biến nếu thực hiện kỹ thuật chính xác trong điều kiện vô trùng.
Ngoài tiến hành chọc hút dịch người ta còn có thể sử dụng phương pháp tiêm nội khớp ngay sau khi hút dịch nếu đánh giá dịch khớp là dịch thoái hóa.
2. Cần chuẩn bị những gì trước khi thực hiện chọc hút dịch khớp gối?
2.1. Cán bộ thực hiện chọc hút dịch khớp gối
Bác sĩ thực hiện chọc hút dịch khớp gối phải là bác sĩ chuyên khoa có trình độ tay nghề cao. Được đào tạo một cách bài bản về chuyên ngành xương khớp và được cấp chứng chỉ tiêm khớp.
2.2. Dụng cụ sử dụng trong chọc hút dịch khớp gối
- Loại kim chọc hút tiêu chuẩn 18 Gauche hoặc 20 Gauche
- Bơm kim tiêm có dung tích 10ml hoặc 20ml.
- Bông băng gạc vô trùng.
- Thuốc gây tê Lidocain có nồng độ 2%.
- Ống nghiệm vô trùng có chứa chất chống đông.
2.3. Bệnh nhân trước khi thực hiện chọc hút dịch khớp gối
- Được bác sĩ phổ biến qua các thao tác chọc hút dịch khớp gối để bệnh nhân chuẩn bị tâm lý.
- Bác sĩ kiểm tra bệnh án, thăm khám người bệnh trước khi chọc hút dịch khớp.
- Bệnh nhân cần nằm đúng tư thế theo hướng dẫn của bác sĩ để thực hiện chọc hút dịch khớp gối được tốt nhất.
3. Thao tác thực hiện chọc dịch khớp gối
Thao tác thực hiện
- Xác định vị trí để chọc dịch sau đó sát trùng bằng dung dịch cồn i-ốt loãng 1%.
- Sử dụng loại kim tiêm vô trùng đã chuẩn bị từ trước để chọc hút dịch.
- Tùy vào mức độ chẩn đoán tổn thương mà ta hút một lượng vừa phải, thông thường dịch khớp gối sẽ lấy một lượng khoảng 2 đến 4ml để làm xét nghiệm. Trong trường khớp dịch khớp gối nhiều bác sĩ sẽ hút dịch tối đa để giảm triệu chứng sưng đau khớp cho bệnh nhân.
- Băng bó bằng băng gạc vô trùng vị trí vừa tiến hành chọc hút.
- Cố định khớp gối tạm thời.
Những biến chứng cần đề phòng
Sau khi thực hiện chọc dịch khớp gối bệnh nhân sẽ bị đau trong khoảng 1 đến 2 ngày. Đây là biểu hiện hết sức bình thường, nhưng nếu có những điều bất thường do chúng tôi liệt kê ra đây thì bạn phải tiến hành tái khám để kiểm tra tình trạng của mình:
- Vị trí chọc hút dịch sưng nề đỏ, chảy dịch, mổ, chảy máu,...
- Sau khi sử dụng thuốc chống viêm nhưng tình trạng không thuyên giảm mà còn đau nặng hơn.
4. Kết quả xét nghiệm dịch khớp gối có ý nghĩa gì?
Xét nghiệm dịch khớp gối cho biết các thông tin sau:
Tính chất vật lý của dịch
Nếu dịch khớp gối hút ra là bình thường và không có vấn đề gì thì bằng mắt thường ta có thể quan sát được như sau:
- Dịch khớp gối có màu vàng nhạt hoặc trắng, dịch lỏng trong suốt không đục.
- Dịch có độ nhớt vừa phải.
Khi các tính chất vật lý của dịch khớp gối thay đổi thì có thể chẩn đoán được các triệu chứng liên quan như sau:
- Dịch khớp gối có độ nhớt thấp gợi ý bệnh lý khớp viêm.
- Dịch đục có thể do sự xuất hiện của các bạch cầu hoặc vi sinh vật.
- Dịch khớp có màu đỏ cỏ thế do chảy máu khớp gối.
Lưu ý, sau khi chọc hút khớp gối bệnh nhân nên:
- Sử dụng các loại thuốc chống viêm giảm đau theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Giữ vị trí chọc dịch khô sạch, không đắp cao, đắp lá trong vòng 24 giờ sau chọc dịch khớp.
- Hạn chế vận động mạnh trong vòng 2 ngày kể từ khi thực hiện chọc hút dịch.
Xem thêm: Viêm bao hoạt dịch khớp gối
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp