Vì sao hiện giờ chúng ta gọi là ĐIỀU DƯỠNG chứ không phải là Y tá ?

Trong ngành y tế có một nghề vừa rất cũ, lại vừa rất mới, đó là nghề Y tá - Điều dưỡng. Cũ là vì khi nói đến ngành Y, không ai không nghĩ đến người Y tá. Người Y tá đã trở nên một hình ảnh rất thân quen trong các cơ sở y tế từ trung ương đến tận thôn xóm, bản làng. Nhưng mới vì gần đây ở một số nơi, từ Điều dưỡng bắt đầu xuất hiện. Nhiều người tưởng rằng Điều dưỡng là một nghề mới của ngành Y. Thực ra Y tá và Điều dưỡng chỉ là hai tên gọi khác nhau của một nghề.

Vậy tại sao lại có sự thay đổi tên gọi như thế? Nghề Y tá - Điều dưỡng có gì mới? Họ đóng vai trò gì trong ngành Y tế? Đội ngũ đông đảo này được đào tạo, sử dụng ra sao? Cuộc sống của họ thế nào? Triển vọng của nghề nghiệp này ra sao? Đó là một vấn đề mà chúng tôi muốn đề cập.

Trước hết chúng ta hãy xem xét tại sao có sự thay đổi tên như vậy. Như mọi người đều biết, từ sau cách mạng tháng Tám, để bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà non trẻ đã tiến hành đào tạo rất nhiều cán Bộ Y tế, trong đó đông đảo nhất là đội ngũ Y tá. Họ có mặt khắp nơi, cả trong và ngoài quân đội. Họ sơ cứu, chăm sóc thương bệnh binh; họ làm công tác phòng bệnh, chăm sóc cho nhân dân lúc khoẻ mạnh cũng như khi đau ốm, cả trong bệnh viện cũng như trong thôn xóm, bản làng.

Tóm lại người Y tá đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ của nhân dân. Họ trở thành một hình ảnh quen thân đối với mỗi người dân trong cả nước. Vai trò chính của họ là trợ giúp y, bác sĩ. Ở bệnh viện, họ giúp việc y, bác sĩ, thực hiện các y lệnh trong điều trị, chăm sóc bệnh nhân. Ở cơ sở, họ chủ động phòng bệnh, sơ cứu ban đầu và chăm sóc sức khoẻ nhân dân, nhất là bà mẹ, trẻ em. Họ được đào tạo chuyên môn riêng. Y tá thực sự là một nghề nghiệp. Trong bức thư gửi nam nữ học viên Trường Y tá Liên khu I tháng 2 năm 1949, Bác Hồ viết: "Y tá chẳng những là một nghề nghiệp, mà là một nghĩa vụ. Người Y tá chẳng những giúp chữa bệnh mà còn phải phổ biến vệ sinh. Việc giữ gìn và bồi dưỡng sức khoẻ của dân tộc, người Y tá phải gánh một phần quan trọng. Vì vậy, Y tá là chiến sĩ đánh giặc ốm, để bảo vệ sự khang kiện của giống nòi. Những chiến sĩ Y tá phải có chí chịu khổ, chịu khó. Phải giàu lòng bác ái, hy sinh"(1). Đội ngũ Y tá đã luôn luôn thực hiện lời dạy của Bác Hồ. Họ cũng luôn luôn được nhân dân tin yêu, quý mến.

Sau thống nhất đất nước 1975, từ Điều dưỡng bắt đầu xuất hiện. Đó là vì ở miền Nam trước đây, người ta không gọi Y tá mà gọi là Điều dưỡng (tuy rằng cả từ Y tá và từ Điều dưỡng đều đồng nghĩa với Nurse tiếng Anh, hay Infirmière tiếng Pháp).

Vào tháng 10 năm 1990, Hội Y tá - Điều dưỡng được thành lập. Hội đề nghị với Bộ Y tế đổi tên từ Y tá thành Điều dưỡng. Việc đề nghị đổi tên có lý do chính đáng. Là vì Y tá trước đây thường là sơ cấp, họ chỉ được đào tạo thời gian từ 9 đến 18 tháng. Nhiệm vụ chủ yếu của họ là giúp việc cho y, bác sĩ trong chăm sóc điều trị bệnh nhân, nghĩa là thực hiện y lệnh một cách thụ động. Nhưng xu thế ở trong nước và trên thế giới đã khác. Mọi việc đã đổi thay. Y tá - Điều dưỡng đã trở thành một nghề độc lập một cách tương đối.

Ngày nay, ngành y tế chia làm hai hệ: hệ khám chữa bệnh do y bác sĩ làm và hệ chăm sóc, phục vụ do Y tá - Điều dưỡng đảm nhiệm. Người Y tá - Điều dưỡng không phải chỉ là người có trình độ văn hoá lớp 4, lớp 5 rồi được đào tạo từ 9 tháng đến 18 tháng như ngày xưa mà họ là những "Tú tài" tốt nghiệp phổ thông trung học, được đào tạo hai năm rưỡi hay bốn năm để trở thành Y tá - Điều dưỡng trung học hay cử nhân Y tá - Điều dưỡng. Nhưng họ cũng không dừng lại ở đó. Họ có thể tiếp tục học lên Đại học, Cao học và Tiến sĩ.

Về chức năng, họ không phụ thuộc vào y bác sĩ mà chủ động phối hợp với y, bác sĩ cùng bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng cho nhân dân. Người Y tá - Điều Dưỡng ngày nay không chỉ tinh thông nghề nghiệp y tế đơn thuần, mà còn hiểu biết sâu rộng về nhiều lĩnh vực khoa học thuộc xã hội, nhân văn (như Triết học, khoa học Hành vi, Tâm lý, Nhân học y học, Nghệ thuật giao tiếp, Giáo dục y học...), bởi vì công việc hàng ngày đòi hỏi họ phải tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân - những người có kiến thức tiên tiến của thời đại tin học chứ không phải những nông dân chân lấm tay bùn cả đời chỉ biết làm bạn với cái cầy, cái cuốc như ngày xưa nữa; đồng thời họ cũng phải có kiến thức toàn diện về khoa học tự nhiên (như Vật lý, Hoá học, Sinh học, Cơ khí, Tin học...), họ phải sử dụng nhiều máy móc hiện đại... Nghĩa là về "chất" thì người Y tá ngày nay không như người Y tá ngày xưa và "nghề Y tá" ngày nay cũng khác "nghề Y tá" ngày xưa. Như vậy không chỉ đơn thuần là tên gọi, mà chính là sự thay đổi về khái niệm, kiến thức, tri thức, chức năng nhiệm vụ và vị trí của một nghề nghiệp. Nghĩa là đã thay đổi hoàn toàn về chất.

Tuy nhiên, do từ Y tá là một hình ảnh đẹp, nó đã ăn sâu vào tâm khảm của mỗi người Việt Nam, từ lãnh tụ đến người dân, nên cán bộ, nhân dân, nghĩa là phần lớn người ngoài ngành, không muốn thay đổi nó. Ngược lại, những người trong nghề lại muốn có một cách nhìn mới đối với người làm công việc trong hệ chăm sóc và phục vụ này lại muốn thay từ Y tá bằng từ Điều dưỡng.

Một bên cố giữ lại tên cũ, một bên muốn thay tên mới, nên... một tên kép Y tá - Điều dưỡng đã ra đời! Cùng với đội ngũ Y tá - Điều dưỡng là một đội ngũ đông đảo khác cũng có cùng đặc điểm, đó là đội ngũ kỹ thuật viên Y học và chị em Nữ hộ sinh. Cho nên, khi nói đến đội ngũ Y tá - Điều dưỡng là chúng ta hiểu ngầm bao gồm có cả đội ngũ nữ hộ sinh và kỹ thuật viên Y học.

Như vậy, về mặt nghề nghiệp y tế, hiện nay trên thế giới và trong nước, người ta chia ra thành hai hệ: Hệ khám chữa bệnh, có Y sĩ, Bác sĩ, Thạc sĩ Y học, Tiến sĩ y học đảm nhiệm. Còn hệ chăm sóc, phục vụ có Y tá, Nữ hộ sinh, Kỹ thuật viên Y học, Cử nhân Điều dưỡng, Cử nhân kỹ thuật Y học, Thạc sĩ Y học và Tiến sĩ Y học đảm nhiệm. Rõ ràng, nhìn về bằng cấp ta cũng có thể dễ dàng nhận ra về vị trí xã hội và chế độ đãi ngộ hai hệ này hoàn toàn như nhau, khác chăng chỉ là chức năng, nhiệm vụ mà thôi.

return to top