Rối loạn tiền đình là một căn bệnh rất nguy hiểm với nguy cơ đột quỵ rất cao. Bệnh có 2 loại tiền đình trung ương và tiền đình ngoại biên với các biểu hiện khác nhau. Cùng tìm hiểu các triệu chứng nhận biết và cách điều trị bệnh rối loạn tiền đình qua bài viết dưới đây.
Tiền đình là một bộ phận thuộc hệ thống thần kinh nằm phía trong tai, sau ốc tai. Chức năng chủ yếu của bộ phận tiền đình là giữ thăng bằng cho cơ thể, duy trì tư thế, điều khiển sự phối hợp cử động giữa các bộ phận cử động như thân mình, mắt, tay, chân,…
Rối loạn tiền đình là tình trạng rối loạn hoặc tắc nghẽn trong ở tiền đình khiến bộ phận này không thực hiện đúng những chức năng nhiệm vụ của mình.
Do vậy, người mắc bệnh này thường có biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, ù tai, buồn nôn rất điển hình.
Dựa vào nguồn gốc tổn thương mà người ta chia bệnh này thành 2 dạng: rối loạn tiền đình ngoại biên và rối loạn tiền đình trung ương
Rối loạn tiền đình ngoại biên là rối loạn do tổn thương hệ tiền đình ngay tại vùng tai. Đa số mọi người hay mắc nhóm bệnh này với các triệu chứng rất rõ nét. Đó là hoa mắt, chóng mặt dữ dội đặc biệt khi thay đổi tư thế, đứng lên ngồi xuống một cách đột ngột hoặc khi vừa ngủ dậy
Tùy từng trường hợp, người bệnh có thể xuất hiện thêm các biểu hiện:
– Buồn nôn, nôn ói kéo dài
– Ù tai, giảm thính lực
– Nặng đầu, khó tập trung
– Mất ngủ
– Hạ đường huyết
Nguyên nhân gây rối loạn tiền đình ngoại biên bao gồm:
– Virus zona thần kinh, thủy đậu, quai bị gây liệt dây thần kinh tiền đình
– Các bệnh lý do rối loạn chuyển hóa như tiểu đường, suy giáp,…
– Hội chứng phù nề vùng tai trong (Meniere)
– Viêm tai giữa
– Chấn thương, dị dạng tai trong
– U, tắc nghẽn dây thần kinh số 8
– Tác dụng phụ của thuốc
– Say tàu xe
– Chứng song thị (nhìn đôi)
Rối loạn tiền đình dạng này gây rất nhiều khó chịu cho cuộc sống của người bệnh nhưng không nguy hiểm đến tính mạng.
Rối loạn tiền đình không chỉ gây ra bởi những tổn thương trong tai mà còn có nguồn gốc từ các tổn thương nhân tiền đình ở thân não, tiểu não, gọi là rối loạn tiền đình trung ương.
Nhóm bệnh này ít gặp hơn và các triệu chứng không rầm rộ. Nhưng đây lại là nhóm bệnh có tính chất nguy hiểm và khó chữa hơn so nhóm bệnh tiền đình có nguồn gốc ngoại biên.
Các biểu hiện thường gặp của bệnh:
– Đi lại khó khăn, không vững
– Choáng váng khi thay đổi tư thế
– Chóng mặt nhẹ như say sóng
– Không thể làm chính xác động tác đơn giản
– Thay đổi giọng nói
Nguyên nhân gây rối loại tiền đình ngoại biên thường là:
– Thiểu năng tuần hoàn máu
– Nhồi máu tiểu não
– Hạ huyết áp
– Hội chứng Wallenberg
– Xơ vữa động mạch
– Thoái hóa cột sống
– U tiểu não…
– Đau đầu Migraine
– Bệnh Parkinson
– Giang mai thần kinh
Bệnh tiền đình gây rất nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống của bệnh nhân, gây ra tình trạng:
– Mệt mỏi, suy nhược cơ thể, lười vận động
– Tâm lý bực tức, dễ cáu gắt, nóng giận
– Mất tập trung, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc
– Dễ gặp tai nạn khi tham gia giao thông
– Nguy cơ biến chứng: mất thính lực, tai biến mạch máu não,…
Đặc biệt, nếu không được điều trị kịp thời, rối loạn tiền đình có thể gây đột quỵ, đe dọa tính mạng của người bệnh.
Bệnh có thể xảy ra ở mọi đối tượng, phổ biến hơn ở những người trên tuổi 65. Đáng nói, bệnh có xu hướng ngày càng trẻ hóa với những biểu hiện phức tạp. Do vậy, việc phát hiện kịp thời, điều trị sớm và phòng chống căn bệnh này là một điều vô cùng quan trọng.
Rối loạn tiền đình là một tổn thương liên quan đến hoạt động của hệ thống thần kinh, ảnh hưởng đến hoạt động của mắt, tai và nhiều bộ phận trên cơ thể. Hơn nữa các triệu chứng của rối loạn tiền đình rất dễ nhầm lẫn với thiếu máu não, tăng huyết áp,… Vì thế bệnh nhân cần làm những xét nghiệm và thăm dò chức năng hiện đại mới có thể chẩn đoán chính xác hoạt động.
Các chẩn đoán đó bao gồm: Điện não đồ, Chụp X quang, Chụp cắt lớp vi tính CT Scanner, Chụp cộng hưởng từ (MRI)
Trong đó, chụp cộng hưởng MRI là phương pháp hiện đại nhất hiện nay. Phương pháp sử dụng từ trường và sóng radio để tạo ra hình ảnh cắt ngang các mô cơ thể được quét. Qua đó phát hiện các khối u, đột quỵ và các bất thường liên quan đến mô mềm khác.
Điều trị rối loạn tiền đình nhằm làm giảm tần suất và mức độ các cơn chóng mặt, đau đầu ở người bệnh.
Có nhiều phương pháp điều trị bệnh, trong đó phổ biến nhất là điều trị nội khoa.
Người bệnh có thể được các bác sĩ chỉ định một số loại thuốc làm giảm triệu chứng đau. Bên cạnh đó là các loại thuốc nhằm điều trị nguyên nhân gây bệnh, như thuốc chống viêm để điều trị viêm tai giữa, thuốc cải thiện tuần hoàn máu não,…
Người bệnh cần tuân thủ nghiêm túc chỉ định của bác sĩ về liều lượng, thời gian sử dụng thuốc. Không tự ý mua thuốc điều trị khi chưa rõ nguyên nhân của bệnh.
Các phương pháp điều trị không cần dùng thuốc như vật lý trị liệu, xoa bóp bấm huyệt, tập yoga,…có thể được áp dụng giúp hỗ trợ giảm đau, cải thiện tuần hoàn não.
Để phòng ngừa rối loạn tiền đình, ngăn ngừa tác động của bệnh đến sức khỏe, người bệnh nên:
– Từ bỏ các thói quen không tốt như ngồi quá lâu trước máy vi tính
– Tập thể dục thể thao vừa sức hàng ngày, đặc biệt là các bài tập vận động vùng đầu, cổ gáy
– Uống nước đầy đủ, thường xuyên, khoảng 2 lít/ngày
– Ăn uống lành mạnh: Ăn đủ các nhóm chất, cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể. Bổ sung các loại rau, củ, quả; hạn chế các đồ ăn chiên xào, đồ ăn nhiều dầu mỡ…
– Tránh xa môi trường, công việc phải tiếp xúc với tiếng ồn lớn để tránh gây ảnh hưởng đến tai
– Cần giảm căng thẳng, lo âu
Hi vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn có thêm hiểu biết và khả năng nhận biết bệnh rối loạn tiền đình. Hãy nhớ rằng điều trị càng sớm thì càng hạn chế được những mệt mỏi, khó chịu và hạn chế được biến chứng. Khi có dấu hiệu như hoa mắt, chóng mặt thường xuyên kèm theo các triệu chứng khác, hãy đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám sớm. Qua đó xác định chính xác nguyên nhân và điều trị kịp thời và hiệu quả.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh