Đừng nghĩ rằng ớt chỉ có một tác dụng đó là làm miệng của bạn bốc cháy. Theo GS - tiến sỹ Jun Ly thuộc Trung tâm khoa học sức khỏe Đại học Peking (Bắc Kinh, Trung Quốc), “các loại gia vị cay và các thành phần có hoạt tính sinh học của chúng như capsaicin có thể có tác dụng chống béo phì, chống oxy hóa, kháng viêm, chống ung thư và chống tăng huyết áp.”
Những tác dụng trên có thể giúp bảo vệ bạn khỏi một số bệnh như ung thư, tim mạch, và bệnh đường hô hấp. Những hoạt chất trong những thực phẩm này cũng có thể làm thay đổi hệ vi sinh đường ruột của bạn theo một cách tích cực.
Nghiên cứu trên tạp chí BMJ này – dựa trên các dữ liệu từ hơn một nửa triệu người trưởng thành tại Trung Quốc – định nghĩa “thực phẩm cay” bao gồm ớt quả, dầu ớt hay tất cả những thành phần có nguồn gốc từ trái ớt. Tuy nhiên những loại gia vị cay khác cũng có thể mang lại lợi ích cho sức khỏe. Theo tác giả của nghiên cứu, những người ăn nhiều ớt cũng có xu hướng sử dụng nhiều gia vị cay khác như ớt bột paprika, nghệ và hạt tiêu đen khi nấu ăn. Mỗi loại gia vị kể trên đều có những lợi ích cho sức khỏe khác nhau.
Đây không phải là nghiên cứu đầu tiên chỉ ra lợi ích cho sức khỏe của thực phẩm cay nóng. Một nghiên cứu trước kia thuộc Đại học Purdue đã chỉ ra rằng thực phẩm cay có thể giúp kiểm soát vị giác và kích thích quá trình chuyển hóa. Một số nghiên cứu sơ bộ trên động vật cũng cho thấy rằng capsaicin – một trong những thành phần tạo vị cay trong ớt – cũng có khả năng kích hoạt những tế bào mỡ nâu trong cơ thể làm nhiệm vụ đốt cháy calo.
Do vậy, nếu bạn yêu thích những đồ ăn cay thì cũng cứ tiếp tục sở thích của mình nhé. Ngoài ra hãy ăn những thực phẩm tươi nếu có thể; nghiên cứu đã chứng minh rằng ớt tươi có tác dụng bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật hiệu quả hơn là ớt khô, dầu ớt hay tương ớt.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh