Lo âu là phản ứng sinh lý tự nhiên của cơ thể trước những mối đe dọa thực hoặc tiềm ẩn, tuy nhiên khi trạng thái lo âu kéo dài, quá mức hoặc không tương xứng với tình huống, gây ảnh hưởng đáng kể đến chức năng xã hội, nghề nghiệp và chất lượng cuộc sống, khi đó được xem là rối loạn lo âu (anxiety disorder) – một nhóm bệnh lý tâm thần phổ biến. Tại Hoa Kỳ, rối loạn lo âu chiếm tỷ lệ mắc khoảng 18% ở người trưởng thành mỗi năm.
Các triệu chứng của rối loạn lo âu đa dạng, có thể chia thành:
Thể chất: nhức đầu, rối loạn tiêu hóa (buồn nôn, tiêu chảy, táo bón), đau cơ, run tay, hồi hộp, đánh trống ngực, khó thở.
Thần kinh-cảm xúc: bồn chồn, dễ bị kích thích, mất ngủ, cảm giác sợ hãi dai dẳng, mất khả năng tập trung.
Hành vi: tránh né các tình huống lo âu, thói quen kiểm tra hoặc trấn an lặp đi lặp lại.
Các dạng rối loạn lo âu thường gặp bao gồm:
Rối loạn lo âu lan tỏa (Generalized Anxiety Disorder – GAD): lo âu kéo dài không đặc hiệu, ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh trong cuộc sống.
Rối loạn hoảng loạn (Panic Disorder): các cơn hoảng loạn dữ dội, xảy ra đột ngột và không thể dự đoán trước.
Ám ảnh xã hội (Social Anxiety Disorder): sợ hãi quá mức các tình huống giao tiếp xã hội.
Rối loạn lo âu phân ly (Separation Anxiety Disorder): thường gặp ở trẻ em khi bị tách khỏi người chăm sóc chính.
Ám ảnh sợ đặc hiệu (Specific Phobias): lo âu dữ dội khi tiếp xúc với một đối tượng/sự kiện cụ thể.
a. Tâm lý trị liệu
Liệu pháp nhận thức – hành vi (CBT) là lựa chọn điều trị hàng đầu, tập trung vào việc điều chỉnh lối tư duy và hành vi lệch lạc. Ngoài ra:
Liệu pháp hành vi biện chứng (DBT): thường được chỉ định cho các trường hợp có xu hướng tự làm hại hoặc triệu chứng nặng.
Liệu pháp tiếp xúc (Exposure Therapy): hiệu quả trong điều trị ám ảnh sợ và rối loạn stress sau sang chấn (PTSD), giúp người bệnh làm quen dần với tác nhân gây lo âu.
b. Dược lý trị liệu
Thuốc điều trị nền:
SSRIs (ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin): fluoxetine, sertraline – thường được sử dụng đầu tay.
SNRIs (ức chế tái hấp thu serotonin-norepinephrine): duloxetine, venlafaxine.
Thuốc chống trầm cảm ba vòng (TCA): amitriptyline, imipramine – ít dùng do tác dụng phụ nhiều.
Buspirone: an thần không gây nghiện, hiệu quả với GAD.
Thuốc điều trị triệu chứng cấp tính:
Benzodiazepines: alprazolam, lorazepam – hiệu quả nhanh nhưng dễ gây lệ thuộc, cần thận trọng.
Hydroxyzine: kháng histamin H1 có tác dụng an thần.
Thuốc chẹn beta: propranolol – kiểm soát triệu chứng thực thể (run tay, nhịp tim nhanh) trong ám ảnh xã hội.
Cảnh báo với nhóm ức chế monoamine oxidase (MAOIs): phenelzine, tranylcypromine có hiệu quả nhưng nguy cơ tương tác thuốc và phản ứng nghiêm trọng, chỉ dùng khi không đáp ứng với các thuốc khác.
Việc lựa chọn thuốc cần dựa trên:
Mức độ lo âu và ảnh hưởng đến chức năng.
Các bệnh lý đi kèm (gan, thận, tim mạch).
Tác dụng phụ có thể ảnh hưởng đến công việc (như gây buồn ngủ, chóng mặt).
Tương tác thuốc đang dùng.
Nên bắt đầu liều thấp – tăng liều dần và đánh giá đáp ứng sau 4-6 tuần.
Chế độ sinh hoạt: hạn chế caffeine, rượu; tăng cường dinh dưỡng.
Thể dục đều đặn: hoạt động ngoài trời giúp giải phóng endorphin và giảm lo âu.
Ngủ đủ giấc: ưu tiên cải thiện giấc ngủ bằng liệu pháp hành vi và môi trường ngủ tốt.
Thực hành chánh niệm (mindfulness): thiền, thở chậm, yoga – cải thiện kiểm soát cảm xúc.
Rối loạn lo âu có thể điều trị được, tuy nhiên quá trình điều trị cần cá thể hóa và liên tục.
Việc ngưng thuốc nên được thực hiện dưới sự giám sát y khoa, đặc biệt với các thuốc có nguy cơ lệ thuộc (benzodiazepines).
Kết hợp liệu pháp không dùng thuốc giúp giảm liều thuốc, cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm nguy cơ tái phát.