Cẩn thận khi sử dụng rượu ngâm củ ấu tàu tránh gây ngộ độc

Nội dung

Theo một bài báo cho biết, một người đàn ông 66 tuổi (Cao Bằng) nhập viện sau khi có biểu hiện vật vã, kích thích, tức ngực, khó thở do uống rượu ngâm củ ấu tẩu. Khi nhập viện, bệnh nhân mạch nhanh, rối loạn nhịp tim.

Các bác sỹ xét nghiệm, chẩn đoán ông bị ngộ độc do uống rượu ngâm củ ấu tẩu. Bệnh nhân được đặt nội khí quản, thở máy, dùng thuốc chống độc, chống loạn nhịp tim, vận mạch. Sau hai ngày, bệnh nhân cai máy thở, sức khỏe ổn định.

Các bác sĩ cho biết chất độc aconitin trong củ ấu tẩu được xếp vào danh sách thuốc độc bảng A. Tuy nhiên, nếu được bào chế cẩn thận, củ ấu tẩu là loại thuốc bổ, có thể ăn và uống được khi được chế biến kỹ đúng phương pháp như nấu cháo, rượu ngâm củ ấu tàu sao vàng. Rượu ngâm củ ấu tàu thường được dùng để làm thuốc xoa bóp chữa các chứng đau nhức chân tay, tê mỏi, sai khớp, bầm da.

Khi chế biến không đúng cách, củ ấu tàu vẫn còn độc tính. Khi ăn cháo hoặc uống rượu ngâm củ ấu tẩu có độc tính, các triệu chứng ngộ độc thường xuất hiện ngay, người bệnh có cảm giác tê bì quanh miệng, môi, lưỡi, nôn, rối loạn hệ thần kinh, co giật. Nặng hơn là các rối loạn tim mạch nguy hiểm đến tính mạng như rối loạn nhịp tim. Các rối loạn này có thể gây trụy mạch, tụt huyết áp dẫn đến tử vong nhanh chóng.

Vì củ ấu tàu rất độc, người dân phải sử dụng thận trọng theo hướng dẫn của thầy thuốc có kinh nghiệm như sau:

- Không tự chế biến củ ấu tẩu làm thức ăn nếu không biết cách chế biến để loại bỏ độc tố.

- Không được uống rượu ngâm củ ấu tàu, sẽ ngộ độc có thể dẫn đến tử vong.

- Các loại rượu ngâm củ ấu tẩu dùng để xoa bóp phải được dán nhãn rõ ràng, cất giữ cẩn thận, tránh xa tầm tay trẻ em.

- Khi có biểu hiện ngộ độc, bệnh nhân cần được nhanh chóng đưa đến bệnh viện để xử trí kịp thời.

Trong các buổi liên hoan tất niên, năm mới, người dân không nên lạm dụng các loại rượu thuốc ngâm dược liệu không rõ nguồn gốc vẫn xảy ra. Ngoài ra, người dân tuyệt đối không nên tự ý sưu tầm các loại rễ cây, hoa... để ngâm rượu nhằm tránh chọn nhầm loại cây có độc tính.

Để phòng ngừa ngộ độc rượu, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo, người dân cần thực hiện các nguyên tắc sau:

- Không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong.

- Không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày.

- Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân.

- Không uống rượu khi: không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.

- Trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu bia.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top