✴️ Chế độ ăn khi đái tháo đường thai kỳ

Nội dung

Trong thời kỳ mang thai, cơ thể người mẹ có sự thay đổi về nội tiết tố, tăng các hóc môn làm tăng đường máu, từ đó xảy ra tình trạng kháng Insulin và gây ra đái tháo đường.

 

Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ năm 2012 (ADA 2012), chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ khi có 1 trong 3 chỉ số vượt quá ngưỡng sau nghiệm pháp uống 75 gram đường.

Đường máu đói ≥ 5,1 mmol/l

Đường máu 1 giờ sau uống nước đường ≥ 10,0 mmol/l.

Đường máu 2 giờ sau uống nước đường ≥ 8,5 mmol/l.

Trong khi đó mục tiêu cần đạt khi can thiệp là:

Đường máu lúc đói < 5,3 mmol/l

Đường máu 1 giờ sau ăn < 7,8 mmol/l

Đường máu 2 giờ sau ăn < 6,7 mmol/l

Đối với đái tháo đường thai kỳ, điều chỉnh chế độ ăn và thay đổi lối sống là phương pháp điều trị quan trọng nhất. Mẹ bầu cần có chế độ ăn hợp lý, đảm bảo đủ năng lượng, dinh dưỡng cân bằng, đường máu kiểm soát tốt và không bị tăng ceton trong máu.

Mẹ bầu mắc đái tháo đường thai kỳ cần lưu ý theo khẩu phần ăn. Trong các bữa ăn cần có carbohydrat các loại: 33-40%; Lipid: 35-40%; Protein: 20%. Năng lượng nên được phân phối đều, nên chia nhỏ bữa thành 3 bữa chính và 2-3 bữa phụ. Bữa chính không nên ăn quá no sẽ làm tăng đường máu. Và quan trọng là không được bỏ bữa vì nhu cầu dinh dưỡng của thai phụ tăng lên để cung cấp cho thai nhi.

- Bữa ăn chính chia làm 4 phần: 1/4 là chất đạm (thịt nạc, trứng, cá, phô mai, đậu, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt); 1/4 là tinh bột (cơm, ngũ cốc và rau có chứa tinh bột: khoai tây, ngô, đậu Hà Lan); 1/2 là thực phẩm không chứa tinh bột như rau xanh, cà chua, bí, cải bắp, súp lơ.

Bữa sáng: Đường máu buổi sáng có thể khó kiểm soát do sự dao động của hóc môn và khó dung nạp với sữa, trái cây. Bữa sáng nên có thành phần là tinh bột và đạm nhưng ít hơn bữa trưa và tối. Ví dụ: 1 bát nhỏ phở bò, bún bò kèm giá đỗ hoặc 1 bát cháo yến mạch thịt băm hoặc 1 lát bánh mỳ kèm 1 quả trứng ốp lết hoặc một đĩa xa lát mỳ ống nhiều rau.

Bữa trưa và bữa tối: Phần tinh bột khoảng 1 bát cơm (gạo lứt tốt hơn gạo trắng) hoặc 2 lát bánh mỳ; Phần chất đạm khoảng 1 lạng thịt nạc, cá, thịt gà (bỏ phần da) hoặc 1 quả trứng hoặc 200 gram đậu; Phần rau xanh khoảng 350 gram lá rau xanh như rau muống, cải, củ thập cẩm, súp lơ.

Lưu ý: Nên ăn rau trước để giảm hấp thu đường, sau đó ăn tinh bột và chất đạm.

- Bữa phụ ăn sau bữa chính 2 giờ: Bà bầu nên ăn hoa quả có hàm lượng đường thấp như dưa chuột, việt quất, ổi, bơ, bưởi, quả mâm xôi, dâu tây, táo, lê. Ví dụ: khoảng 2-3 múi bưởi, 1/2 quả táo, 1/2 quả ổi, 1/2 quả cam, quýt, 200 ml sữa tươi không đường/ngày hoặc 1 cốc sữa chua không đường/ngày (Sữa là 1 dạng carbohydrat lỏng, uống nhiều 1 lúc có thể làm tăng đường máu do đó có thể chia nhỏ).

Nên làm: Cần thường xuyên kiểm tra cân nặng, tăng cân vừa phải, không được để giảm cân trong quá trình thực hiện chế độ ăn; Uống vitamin, can xi, acid forlic, sắt theo chỉ định; Tập thể dục ít nhất 30 mỗi ngày để cải thiện tình trạng kháng Insulin nếu không có chống chỉ định về sản khoa.

Nên tránh: Đồ ăn nhanh, xôi nếp, bánh chưng, rượu bia, đồ uống có đường, bánh kẹo, nước ép hoa quả và những hoa quả đó hàm lượng đường cao: dưa hấu, vải, xoài.

Thai phụ đái tháo đường thai kỳ nếu điều chỉnh chế độ ăn 02 tuần mà đường máu không đạt mục tiêu sẽ được chỉ định tiêm Insulin.

Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định đường huyết trong thai kỳ. Thông qua đó làm hạn chế các ảnh hưởng không tốt do tình trạng tiểu đường thai kỳ có thể gây ra với sức khỏe của mẹ cũng như sự phát triển của em bé trong bụng mẹ và sau khi chào đời. Vì vậy, mẹ bầu cần có chế độ ăn hợp lý trong giai đoạn này để bảo vệ bản thân và thiên thần nhỏ của mình.

Xem thêm: Xét nghiệm đường huyết trong thai kỳ

Tìm hiểu thêm: Những nguy cơ thường gặp trong thai kỳ

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Bệnh viện Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top