✴️ Những nguy cơ thường gặp trong thai kỳ

Tầm quan trọng của quản lý thai kì

  • Các số liệu của Tổ chức y tế thế giới cho thấy, việc chăm sóc thai kỳ tốt đã giảm gần 50% các ca tử vong ở mẹ và bé trong hai thập kỷ qua.
  • Tai biến sản khoa có thể phòng ngừa được nếu có quá trình quản lý thai kỳ tốt.

Các tai biến sản khoa thường gặp: Băng huyết sau sanh, tiền sản giật – sản giật, nhiễm trùng hậu sản, vỡ tử cung, uốn ván rốn sơ sinh.

Các tai biến sản khoa hiếm gặp nhưng nguy hiểm: Thuyên tắc ối, thuyên tắc phổi

Quản lý thai kỳ thế nào cho hiệu quả?

Một số thai phụ tỏ ra rất quan tâm đến việc siêu âm với mong muốn có cuộc sinh an toàn. Thực tế, siêu âm chỉ là một trong những kỹ thuật cận lâm sàng trong quá trình khám thai (2D, 3D, 4D, màu).

Ngoài ra, thai phụ cần thực hiện các xét nghiệm khác theo chỉ định BS nhằm phát hiện các nguy cơ bệnh lý khác có thể dẫn đến tai biến thai sản.

Trước khi quyết định mang thai khoảng 3 tháng, phụ nữ nên chủ động chích ngừa các bệnh Viêm gan B, Rubella và Thủy đậu

3 tháng đầu

  • Khám tổng quát, xét nghiệm máu để xác định nhóm máu, Rh, xem có thiếu máu. Kiểm tra đường huyết để có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Kiểm tra nước tiểu xem có bị nhiễm trùng đường niệu.
  • Khám sản phụ để kiểm tra có bất thường bẩm sinh hay bệnh đường sinh dục.
  • Siêu âm: xác định sinh tồn, số thai, dị tật thai
  • Đánh giá sinh hiệu chung, tình trạng tim phổi, sự tăng trưởng cân nặng, bề cao tử cung.
  • Xét nghiệm máu + một số tác nhân nhiễm thường gặp.

3 tháng giữa

  • Siêu âm (thông thường 3D-4D) + xét nghiệm để đánh giá bất thường ở thai.
  • Chú ý: dinh dưỡng – tăng cân cho mẹ.
  • Tham gia các lớp học tiền sản.

3 tháng cuối

  • Trong ba tháng cuối, thai phụ nên duy trì việc thăm khám thai vào các tuần thứ 32, 36, 38, 39 và 40 và đồng thời tiếp tục kiểm tra nước tiểu và công thức máu.
  • Khám mẹ và thai theo dõi tăng trưởng thai và sức khỏe mẹ. Đánh giá các khả năng ảnh hưởng “vượt cạn” (Khung chậu, viêm nhiễm…).
  • Siêu âm: tăng trưởng, ối, tuần hoàn mẹ – thai.
  • Đánh giá sức khỏe thai.

Quản lý thai kỳ thế nào cho hiệu quả

Nguyên nhân gây tử vong thai phụ tại Việt Nam

Phân bố các nguyên nhân gây tử vong thai phụ

Tăng cân theo tam cá nguyệt

  • Trong ba tháng đầu của thai kỳ, người mẹ nên tăng 1kg, ba tháng giữa tăng 5kg, ba tháng cuối tăng 6kg. Có nhiều bà mẹ ít tăng cân hoặc không tăng cân trong 3 tháng đầu thai kỳ vị bị nghén nhưng phần lớn vẫn tăng được 0,9-1,8kg.
  • Trong 3 tháng giữa và cuối thai kỳ nên tăng trung bình 0,3-0,5kg/tuần.
  • Khoảng tuần thứ 13 của thai kỳ, hàm lượng Estrogen bắt đầu tăng. Chất này tác động như một chất kích thích sự thèm ăn làm cho nhiều bà mẹ có cảm giác thèm một số loại thức ăn như đất, vữa tường, quả chua…

BMI = (trọng lượng cơ thể) kg / (chiều cao x chiều cao) m

  • Nếu bạn quá gầy và thiếu cân (BMI < 18), bạn cần tăng thêm 12-18kg trong suốt thai kỳ.
  • Nếu bạn có cân nặng bình thường (18 < BMI < 25), bạn cần tăng thêm 11-16kg trong suốt thai kỳ.
  • Nếu bạn đã thừa cân hoặc béo phì (BMI > 25), bạn chỉ cần tăng thêm 7-11kg, trong đó người béo phì chỉ nên tăng khoảng 7kg trong suốt thai kỳ.
  • Nếu bạn mang thai đôi, bạn cần tăng thêm 16-20kg trong suốt thai kỳ.

Bạn có bao giờ thắc mắc phần trọng lượng tăng thêm trong thai kỳ gồm những gì trong khi em bé ra đời chỉ nặng khoảng 3,5kg?

  •  Em bé: 2,7 – 3,6kg.
    • Nhau thai: 450 – 900g.
    • Trữ lượng chất lỏng tăng thêm: 0,9 – 1,3kg.
    • Trữ lượng máu tăng thêm: 1,3 – 1,8kg.
    • Nước ối: 900g.
    • Tử cung nở lớn: 900g.
    • Ngực nở lớn: 450 – 900g.
    • Dự trữ mỡ và đạm (quan trọng cho giai đoạn cho bú): 2,7 – 3,6kg.

Ăn kiêng

Bạn không nên kiêng khem một cách vô lý. Kiêng khem quá làm cơ thể thiếu chất dinh dưỡng gây thiếu máu, đẻ non, con nhẹ cân, thậm chí còn nhiều tai biến khác.

Tăng cân

Trong thời kỳ mang thai, bạn nên chú ý đến một số loại thực phẩm như các loại bánh kẹo, đường, khoai chiên ròn, bánh quy… vì chúng có thể gây tăng cân quá nhanh ở bạn, cũng là hiện tượng không tốt.

Bổ sung dưỡng chất

Acid folic

Acid folic còn được gọi là vitamin B9, rất cần thiết cho hiện tượng phân chia tế bào trong cơ thể, vì vậy ngoài việc tham gia vào quá trình tạo các tế bào hồng cầu, acid folic còn giữ vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa tình trạng khiếm khuyết ống thần kinh ở thai nhi như: thai vô sọ, thoát vị não – màng não, hở đốt sống, gai đôi cột sống,…

Việc hình thành và đóng ống thần kinh của thai nhi xảy ra rất sớm (trong 4 tuần đầu sau khi thụ thai), nên bổ sung acid folic ngay từ khi có ý định mang thai cho đến hết 3 tháng đầu thai kỳ.

Acid folic có nhiều trong các thực phẩm như: thịt bò, gan, giá sống, rau xanh, củ cải, bông cải, đậu nành… nhưng vì acid folic dễ bị hủy bởi nhiệt độ và ánh sáng mặt trời nên dễ bị mất trong quá trình chế biến và đun nấu, để nhận được đủ lượng acid folic hàng ngày, cần ăn phối hợp nhiều loại thực phẩm và tăng cường ăn rau quả tươi. Bổ sung acid folic 0,4mg mỗi ngày có thể giảm được từ 50 – 70% các dị tật do khiếm khuyết ống thần kinh.

Sắt

Do tỷ lệ thiếu máu thiếu sắt ở các thai phụ từ 30-50% và cũng vì những hậu quả không tốt của tình trạng thiếu máu này như: kết quả thai kỳ kém, trẻ sinh ra nhẹ cân, tỷ lệ mắc các bệnh lý nhiễm trùng và tỷ lệ tử vong cao ở cả mẹ lẫn con, nên sắt là vi chất duy nhất mà Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo nên bổ sung ở dạng thuốc cho tất cả các thai phụ trong suốt thai kỳ.

Sắt có nhiều trong các loại thịt, huyết, gan, tim, lòng đỏ trứng, các loại rau xanh đậm… bữa ăn giàu vitamin C (có nhiều rau, trái cây có vị chua) sẽ giúp ruột hấp thu tốt chất sắt.

Bổ sung thêm 30-60mg chất sắt hàng ngày ở dạng thuốc uống ngay khi biết có thai cho đến khi chấm dứt thai kỳ (suốt 8-9 tháng).

Để tránh tác dụng phụ của viên sắt nên uống sau bữa ăn 1-2h và giúp sắt hấp thu được tốt nên tăng sử dụng những thực phẩm chứa nhiều Vitamin C. Không uống sắt cùng với chè, cà phê vì chất tanin trong chè, cà phê sẽ giảm hấp thu sắt.

Can-xi

Thai phụ cần 1000-1200mg canxi mỗi ngày, cung cấp đủ canxi trong thai kỳ sẽ giúp tạo thành và phát triển bộ xương thai nhi mà vẫn đảm bảo toàn vẹn bộ xương bà mẹ.

Vì xương là mô sống nên hàng ngày canxi đều lắng đọng và thoát khỏi bộ xương nên rất cần canxi. Việc tích lũy canxi đều đặn là rất cần thiết, nó vừa thay thế cho phần canxi mất đi vừa tạo nguồn dự trữ canxi khi các thực phẩm cung cấp không đủ.

Một số thực phẩm có chứa oxalat và các loại hạt ngũ cốc chứa phytat, cả hai loại này gắn kết với canxi và sắt làm hạn chế một phần sự hấp thu của hai loại chất khoáng này. Vì thế, cũng như sắt thì nên uống canxi xa bữa ăn để tránh hiện tượng này.

Canxi có nhiều trong sữa, lá rau xanh đậm, tôm đồng, cá nhỏ ăn cả xương.

Đánh giá phân loại thai kỳ theo nguy cơ theo cho điểm

Bảng phân loại thai kỳ nguy cơ

  • Không có yếu tố nguy cơ: 0 điểm
  • Nguy có thấp: 1 – 2 điểm
  • Nguy cơ trung bình: 3 – 5 điểm
  • Nguy cơ cao: trên 6 điểm

Có thể bạn quan tâm: X-Quang với thai kỳ và những điều cần biết

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Bệnh viện Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top