✴️ X-Quang với thai kỳ và những điều cần biết

Nội dung

Khái niệm tia X: Là một dạng của sóng điện từ. hầu hết tia X có dải bước sóng trong khoảng từ 0,01 đến 10 nano mét. Các photon tia X khi mang đủ năng lượng có thể ion hóa nguyên tử và phá vỡ liên kết phân tử. Điều này làm cho nó trở thành một loại bức xạ ion hoá, do đó gây hại cho mô sống cơ thể. Liều tác dụng trên người bệnh được đo bằng đơn vị Gray (Gy) và rem, hoặc một đơn vị thông dụng hơn gọi là Rad.

Nguy cơ: Hấp thụ Tia X quá liều có thể kèm với nguy cơ ung thư, bệnh bạch cầu cấp và một số dị tật bẩm sinh cho thai nhi, tuy nhiên nguy cơ này rất nhỏ. Trong y tế, khi dùng tia X để chẩn đoán, liều bức xạ được dùng thấp hơn nhiều lần so với liều gây hại cho thai.

Bức xạ có ở đâu?

Bức xạ có ở khắp mọi nơi. Mức độ cao hay thấp phụ thuộc vào vị trí địa lý, thổ nhưỡng, môi trường sống. Một số hoạt động làm tăng sự hấp thụ bức xạ như: lặn biển, đào hầm, đi máy bay… Vì vậy, ngẫu nhiên thai nhi sẽ hấp thụ một lượng bức xạ từ môi trường xung quanh.

Liều tia X trong y tế

  • Liều cộng dồn của tia X trong thời kỳ có thai tối đa cho phép là 5 Rad và thực tế không có một phương pháp chẩn đoán nào vượt được ngưỡng trên. Ví dụ mỗi lần chụp X quang phổi cho mẹ, thai nhi sẽ nhận một liều tia X là 0,00007 Rad.
  • Thời kỳ nhạy cảm nhất của thai với tia X là khi phát triển hệ thần kinh trung ương, tương ứng với 10 – 17 tuần tuổi. Nếu thai phụ không trong tình trạng cấp cứu bắt buộc phải chụp X quang thì không nên chụp ở tuổi thai này.
  • Các kỹ thuật chẩn đoán thường gặp dùng tia X là CT (Computed Tomography - cắt lớp vi tính) và chụp X-quang.
  • Tổng liều nhiễm xạ tự nhiên cho thai trong vòng 9 tháng có thể nhiều hơn 10 lần chụp CT-Scan ngực trên máy 1 lát cắt. Vì vậy đừng nghiêm trọng quá quá mức về nhiễm xạ y tế khi chẩn đoán.
  • Với các máy chụp cắt lớp đa lát cắt (CT-Scan 64 - 128 - 256 lát...) như hiện nay thì liều nhiễm xạ sẽ thấp hơn nhiều so với chụp trên máy thế hệ cũ (01 lát cắt).

Lời khuyên từ các chuyên gia

  • Nếu không thể trì hoãn thì bác sĩ sẽ quyết định chọn loại kỹ thuật có mức bức xạ thấp nhất, chùm tia X thu hẹp để vùng phơi nhiễm nhỏ, và chụp trong  thời gian càng ngắn càng tốt.
  • Mẹ khoẻ mạnh thì thai mới khoẻ mạnh. Thực tế thì vấn đề sức khoẻ của mẹ nếu không được chẩn đoán và can thiệp đủ sớm có thể gây hại cho thai hơn là một vài lần chụp X-quang!
  • Không nên quá lo lắng vì lượng xạ mà con bạn nhiễm vì hầu hết chúng nằm trong giới hạn an toàn. Khi chụp, nhớ nhắc bác sĩ hay kĩ thuật viên là bạn đang có thai để luôn được che chắn cẩn thận. 
  • Hơn nữa, các loại máy X–quang dùng trong chẩn đoán y khoa thường không phát tia X vượt quá liều an toàn. Nếu đã lỡ chụp X– quang trong thời kỳ mang thai- không nên vội vã bỏ thai - hãy thông báo cho bác sĩ để được tư vấn đồng thời có những theo dõi kỹ hơn trong quá trình mang thai.

(Bài tham khảo từ nhiều nguồn trên Internet)

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top