Túi mật có Polyp là một thuật ngữ trong chuyên môn y học. Thuật ngữ này dùng để nói về tình trạng tổn thương thương dạng u hoặc giả u trên bề mặt niêm mạc túi mật. Bên cạnh đó polyp túi mật còn được gọi với tên khác là u nhú niêm mạc tuyến túi mật.
Túi mật có Polyp là một hình thái tổ chức được xuất phát từ thành túi mật sau đó phát triển to lồi vào trong lòng của túi mật. Các hình thái tổ chức này có bản chất cấu trúc tạo bệnh không giống nhau. Có thể là Polyp túi mật lành tính hoặc Polyp túi mật không lành tính. Có đến 92% các trường hợp là Polyp lành tính (không bị ung thư) gồm có 2 loại: u thật như u tuyến, u cơ, u mỡ,… hay u giả như: u cholesterol, u cơ tuyến, viêm giả u… Còn lại 8% chính là các trường hợp Polyp ác tính ( bị ung thư) gồm có: ung thư tuyến, u sắc tố, di căn ung thư,…
Hiện nay, vẫn chưa thể tìm ra được nguyên nhân cụ thể gây nên bệnh túi mật có Polyp. Đa phần các ca bệnh Polyp túi mật đều được xuất phát từ một số yếu tố như: quá trình chuyển hóa cholesterol không bình thường hoặc bị dư thừa cholesterol, các chức năng của gan bị kém, mỡ máu, thừa cân, béo phì, các chế độ ăn uống không hợp lý,…
Ngoài ra những yếu tố sau đây có nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh túi mật có Polyp là:
– Những người có tiền sử mắc bệnh sỏi mật, viêm đường mật nguyên phát.
– Những người béo phì, thừa cân, đường máu cao, chỉ số mỡ máu cao cũng nên chú ý.
– Những người ngoài 60 tuổi và có mắc các bệnh lý liên quan đến gan.
– Chế độ ăn uống không khoa học, thường xuyên nạp vào cơ thể một lượng lớn chất béo, cholesterol.
Căn cứ vào nguyên nhân và tính chất của Polyp, người ta chia Polyp túi mật ra làm các loại sau:
– Polyp cholesterol: Đây được coi là dạng Polyp khá phổ biến, nó chiếm khoảng trên 50% các trường hợp mắc bệnh túi mật có Polyp. Dạng Polyp này thường lành tính, không có nguy cơ chuyển thành Polyp ác tính. Loại này thường có đường kính nhỏ khoảng 2 – 10 mm. Polyp cholesterol thường có biểu hiện là niêm mạc đỏ tươi với các đốm vàng trên mặt niêm mạc túi mật.
– Polyp cơ tuyến túi mật (Adenomyomatosis): Loại này cũng là dạng Polyp phổ biến chỉ sau Polyp cholesterol. Nó chiếm tới 25% trường hợp bị bệnh túi mật có Polyp. Mặc dù dạng này không phải dạng Polyp ác tính nhưng nó có nguy cơ phát triển thành ung thư cao hơn các dạng khác. Polyp ở dạng này cũng có kích thước lớn hơn các dạng khác (khoảng từ 10 – 20 mm).
– Polyp viêm: chiếm khoảng 10% trường hợp túi mật có polyp. Dạng Polyp này là những u nhú đơn và có kích thước dưới 10mm.
– U tuyến túi mật: Dạng này thì hiếm gặp hơn, chỉ chiếm khoảng 5% trường hợp mắc bệnh. Đây là dạng Polyp lành tính nhưng vẫn có nguy cơ tiền ác tính và có kích thước khoảng từ 5 – 20mm.
– Một số dạng Polyp khác: u xơ, u mỡ, các mô dị hình,…
Đa phần các trường hợp mắc bệnh túi mật có Polyp đều không có các triệu chứng cụ thể nào. Vì các Polyp này thường lành tính và không gây biến đổi các bệnh lý cho người mắc. Mọi người thường phát hiện bệnh Polyp túi mật thông qua việc đi khám sức khỏe định kỳ. Ngoài ra, có một số trường hợp khi mắc bệnh sẽ cảm thấy đau sườn bên phải hoặc vùng trên rốn, đau sau khi ăn, một số ít có biểu hiện buồn nôn, khó tiêu, đầy hơi,…
Có rất nhiều người hiểu nhầm và băn khoăn rằng Polyp túi mật liệu có phải là sỏi mật hay không thì câu trả lời là không. Trên thực tế, hai bệnh lý này hoàn toàn khác nhau. Sỏi mật là do các thành phần dịch mật tích tụ lại tại túi mật, đường dẫn mật trong và ngoài gân, còn Polyp túi mật là một dạng u nhú bên trong túi mật.
Theo các nghiên cứu khoa học cho thấy thì khoảng 92% các trường hợp đều là Polyp lành tính, ít gây nguy hiểm cho người bệnh. Tuy nhiên, vẫn có số ít các trường hợp là có nguy cơ tiến triển thành ung thư.
Dưới đây là những yếu tố có thể dự đoán được Polyp ác tính:
– Những người bệnh trên 50 tuổi, những người hay bị đau sườn bên phải, buồn nôn, đầy bụng, khó tiêu,…
– Những Polyp túi mật mà có kích thước lớn từ 1 – 1,5 cm trở lên thì tỷ lệ phát triển thành ung thư là rất cao.
– Các Polyp có hình dạng xù xì, chân không có cuống.
Vậy làm thế nào có thể chẩn đoán được rằng mình đang bị mắc Polyp túi mật? Chúng ta cùng tham khảo các phương pháp chẩn đoán bệnh ở bên dưới như:
– Siêu âm ổ bụng
– Nội soi
– Chụp CT bụng
– Chụp cộng hưởng từ
Có nhiều trường hợp khi mắc bệnh túi mật có Polyp mà chưa cần thiết phải phẫu thuật cắt bỏ thì mọi người có thể lựa chọn phương pháp siêu âm theo dõi sự phát triển của Polyp.
– Những Polyp có kích thước dưới 6mm: tái khám sức khỏe định kỳ từ 6 – 9 tháng/ lần
– Những Polyp có kích thước từ 9mm trở nên: tái khám sức khỏe định kỳ khoảng 3 tháng/ lần.
Đối với những bệnh nhân mà trong quá trình theo dõi bệnh thấy có những biểu hiện bất thường như buồn nôn, đau sườn bên phải,… cần đi tái khám định kỳ sớm và kịp thời.
Nếu những trường hợp Polyp túi mật có kích thước lớn hơn bình thường, kích thước tăng lên rất nhanh, chân polyp rộng, các polyp có nguy cơ trở thành ác tính … bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật cắt bỏ túi mật.
– Ăn nhiều hoa quả và trái cây tươi giàu vitamin, khoáng chất
– Ăn nhiều rau xanh, củ quả có nhiều chất xơ như su hào, cải bắp, cà rốt, rau cải,…
– Nên ăn các loại thịt như thịt bò, thịt lợn, thịt gà bỏ da,… Ngoài ra mọi người cũng nên ăn lòng trắng trứng gà nhưng hạn chế ăn lòng đỏ trứng.
– Ăn những thực phẩm nhiều tinh bột và nhiều chất đạm
– Ăn các chất béo từ thực vật như dầu oliu, dầu đậu nành, lạc, hạnh nhân, quả bơ …
– Uống các loại sữa không đường, ít chất béo
– Những thực phẩm chứa nhiều đường hóa học như bánh kẹo, bánh ngọt, … không tốt cho sức khỏe người bệnh.
– Những thực phẩm có chứa nhiều hàm lượng cholesterol như lòng đỏ trứng, nội tạng động vật,…
– Các loại đồ uống có chứa cồn, ga và các chất kích thích.
– Người bệnh cũng không nên uống quá nhiều sữa và các thực phẩm có lượng chất béo cao.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh