Phụ thuộc vào chức năng thận và kế hoạch điều trị, bạn cần tuân thủ chặt chẽ một số những điều hạn chế trong ăn uống. Khi thận không hoạt động hết khả năng, thận sẽ gặp khó khăn trong việc loại bỏ các chất dinh dưỡng, độc tố và dịch thừa trong máu. Trong suốt thời gian này, việc tuân theo một kế hoạch ăn uống lành mạnh là rất quan trọng.
Hầu hết thời gian những người ở giai đoạn tiến triển của bệnh thận sẽ được giới thiệu đến chuyên gia dinh dưỡng về các bệnh thận. Chế độ ăn phù hợp cho bệnh thận được chú trọng nhằm mục đích hỗ trợ điều trị và phục hồi sức khỏe. Nếu bạn mắc tiểu đường tuýp 2 và bệnh thận, bạn sẽ gặp khó khăn trong việc cân bằng cân bằng dinh dưỡng cùng lúc phải tuân theo những hạn chế trong chế độ ăn, nhưng điều này hoàn toàn có thể thực hiện được. Có những chất dinh dưỡng chính cần được chú trọng:
Natri
Mặc dù natri là cần thiết cho cơ thể hoạt động tốt, nó có thể tích tụ khi thận bắt đầu có vấn đề. Tăng natri trong cơ thể có thể dẫn đến tích tụ dịch ở mô dẫn đến phù. Phù thường ở mặt, tay và chi dưới.
Chế độ ăn ít natri thường là hàng rào bảo vệ đầu tiên khi chức năng thận bắt đầu giảm. Hầu hết các tổ chức khuyến cáo hạn chế natri xuống còn 1500-2300 mg/ngày.
Cách tốt nhất để giảm natri trong chế độ ăn là cắt giảm thực phẩm chế biến sẵn. Đọc kỹ nhãn mác thực phẩm sẽ giúp bạn giảm lượng natri trong chế độ ăn.
Hạn chế các loại thức ăn chứa nhiều muối như thịt hun khói, hamburger, thịt nguội, sốt đóng hộp, đồ ăn đóng hộp, bơ, hạt tẩm muối, khoai tây chiên,…
Kali
Kali là một khoáng chất quan trọng cho chức năng của cơ xương và tim. Khi thận không thể lọc được kali, kali thừa có thể sẽ đi vào vòng tuần hoàn máu. Tăng kali huyết có thể nguy hiểm do có thể dẫn đến loạn nhịp tim và tim ngừng hoạt động. Hạn chế thức ăn chứa nhiều kali có thể ngăn ngừa điều này xảy ra.
Xét nghiệm máu thường xuyên sẽ giúp bạn theo dõi lượng kali huyết cũng như giúp bác sĩ biết những vấn đề tiềm ẩn. Bác sĩ sẽ cho bạn biết bạn cần giảm tiêu thụ những thức ăn chứa nhiều kali hay tăng cường bổ sung kali. Nếu bạn phải giảm lượng kali, hầu hết mọi người cần giảm lượng tiêu thụ xuống 2000 mg/ngày. Nếu bạn mắc tiểu đường và thường xuyên hạ đường máu, bạn sẽ cần tránh sử dụng nước cam mà thay vào đó, sử dụng viên uống có chứa glucose.
Một số đồ ăn giàu kali như mơ, đậu nướng, chuối, củ cải đường, bông cải xanh, bí, sôcôla, rau xanh, nấm, quả hạch, cam, bơ đậu phộng, khoai tây, trái cây sấy khô, nho khô và cà chua.
Phosphor
Tăng phosphor máu không phổ biến cho đến giai đoạn 4 của bệnh thận mạn. Khi thận bắt đầu suy, phosphor bắt đầu tích tụ trong cơ thể. Điều này tạo nên sự mất cân bằng với canxi, thúc đẩy cơ thể sử dụng canxi từ xương. Điều quan trọng là giữ lượng phosphor ở mức bình thường để ngăn ngừa loãng xương. Giảm lượng thức ăn chứa nhiều phosphor bạn ăn là một cách để giảm lượng phosphor. Bác sĩ sẽ cho bạn biết nếu bạn phải giảm lượng phosphor. Nếu bạn phải hạn chế phosphor, hầu hết mọi người thu được lợi ích khi hạn chế phosphor còn 800-1000mg/ngày. Một cách quan trọng để giảm lượng phosphor là giảm lượng phosphate. Ví dụ tránh các loại thực phẩm chứa thành phần như acid natri pyrophosphate hoặc monocanxi phosphate. Hỏi chuyên gia dinh dưỡng để có thêm thông tin.
Thực phẩm khác chứa nhiều phosphorus bao gồm: bia, ngũ cốc, caramen, bơ, dừa, đậu sấy khô, kem, gan, sữa và sản phẩm từ sữa, quả hạch, bơ đậu phộng.
Carbohydrate
Nếu bạn mắc tiểu đường bạn thường nghĩ về kiểm soát lượng carb tiêu thụ, do đây là loại thức ăn ảnh hưởng nhiều nhất đến đường máu. Nếu bạn mắc tiểu đường và bệnh thận bạn vẫn cần nguồn carb từ rau củ, hoa quả và ngũ cốc. Bạn cũng nên tránh thêm đường và đồ uống có lượng đường lớn như fructose và sucrose. Nếu bạn có bệnh thận tiến triển bạn nên giảm nguồn carb chứa nhiều kali và phosphorus.
Protein
Quá nhiều protein có thể ảnh hưởng xấu đến thận nếu bạn mắc bệnh thận. Tham khảo nhu cầu của bạn với chuyên gia dinh dưỡng vì nó thay đổi phụ thuộc vào kế hoạch điều trị của bạn. Khi chọn protein, chọn thịt gà trắng, cá, gà tây và thịt lợn nạc.
Chất béo
Lượng chất béo bạn cần mỗi ngày khác nhau giữa mỗi người. Tập trung kết hợp chất béo có lợi trong bữa ăn như dầu cá và tránh chất béo bão hòa và chất béo dạng trans, thịt chế biến sẵn, bơ, và đồ tráng miệng.
Hỗ trợ thực đơn với bệnh thận
Khi thận bắt đầu suy, đây là thời điểm để tìm các chuyên gia để điều chỉnh chế độ ăn, điều trị và thuốc. Chuyên gia sẽ đưa ra các hướng dẫn y khoa, thay đổi chế độ ăn, những triệu chứng có thể làm giảm nhẹ và làm chậm sự tiến triển của bệnh.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh