Trong quá khứ, hầu hết các xét nghiệm bệnh tăng nhãn áp bao gồm khám thị trường, kiểm tra nhãn áp và khám thần kinh thị giác. Tiêu chuẩn hiện nay là kiểm tra nhiều hơn bao gồm khám thị trường, kiểm tra nhãn áp, khám thần kinh thị giác, đo độ dày giác mạc, kiểm tra đáy mắt và huyết áp. Tuy nhiên, liệu chúng ta có nên kiểm tra tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân không?
Yếu tố nguy cơ lớn nhất cho sự phát triển của bệnh tăng nhãn áp là tăng áp lực mắt hoặc áp lực nội nhãn. Theo định nghĩa, bệnh tăng nhãn áp là một bệnh của dây thần kinh thị giác, trong đó các sợi thần kinh hoại tử do áp lực trong mắt quá cao. Theo thời gian, nếu không được điều trị, những người mắc bệnh tăng nhãn áp sẽ bị mất thị lực. Trong hầu hết các trường hợp, mất thị lực bắt đầu ở vùng ngoại vi của thị trường và sau đó xâm lấn vào thị trường trung tâm nếu không được kiểm soát.
Một khía cạnh của bệnh tăng nhãn áp gây nhầm lẫn cho bác sĩ là hầu hết những người có nhãn áp cao hơn bình thường dường như không bao giờ thực sự phát triển các triệu chứng của bệnh tăng nhãn áp. Câu hỏi đặt ra là điều gì làm cho một số người phát triển bệnh tăng nhãn áp với áp lực mắt cao trong khi một số người có thể có áp lực mắt khá cao và không bao giờ phát triển bệnh tăng nhãn áp? Rõ ràng, mối quan hệ giữa áp lực nội nhãn cao và tăng nhãn áp không phải là tuyến tính.
Điều hòa rối loạn mạch máu và stress oxy hóa là hai cơ chế có thể dẫn đến nguy cơ phát triển bệnh tăng nhãn áp cao hơn. Các nhà nghiên cứu cảm thấy rằng dinh dưỡng có thể có tác dụng thay đổi hai cơ chế này để giảm nguy cơ phát triển bệnh tăng nhãn áp.
Rối loạn mạch máu – Những rối loạn mạch máu khá phức tạp. Nói ngắn gọn, đó chính là huyết áp và áp lực cần thiết để cung cấp máu và oxy cho dây thần kinh thị giác. Một nghiên cứu chỉ ra rằng lưu lượng máu thấp hơn đáng kể trong các mạch máu phía sau mắt ở bệnh nhân gốc Phi. Gốc châu Phi là một yếu tố nguy cơ phát triển bệnh tăng nhãn áp.
Stress oxy hóa - Các tế bào trong võng mạc đòi hỏi rất nhiều năng lượng. Do yêu cầu năng lượng cao như vậy nên có rất nhiều sản phẩm phụ có thể gây hại cho các tế bào của chúng ta. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều có enzyme đối kháng với các sản phẩm phụ có hại này. Bệnh nhân không có các enzym này có nguy cơ phát triển bệnh tăng nhãn áp cao hơn. Như vậy việc tăng cường các chất chống oxy hóa vừa tốt cho sức khỏe vừa làm giảm nguy cơ phát triển bệnh tăng nhãn áp.
Một số bổ sung dinh dưỡng đang được nghiên cứu có thể nhắm mục tiêu cả rối loạn chức năng mạch máu và stress oxy hóa.
Ginkgo biloba - Một nghiên cứu cho thấy rằng sử dụng ginkgo biloba 40 mg x3 lần/ngày là đủ để cải thiện lưu lượng máu đến dây thần kinh thị giác. Ginkgo biloba cho thấy hứa hẹn bởi vì nó được hấp thụ dễ dàng cho phép nó hoạt động trên các nhà máy tạo năng lượng trong các tế bào nơi mà stress oxy hóa dễ gây ra các tổn thương. Nên thận trọng khi dùng gingko biloba vì có thể làm tăng chảy máu và tăng huyết áp ở một số người.
Anthocyanins– chất bổ sung này đã được chứng minh là giảm áp lực nội nhãn và cũng làm tăng lưu lượng máu đến dây thần kinh thị giác.
Mirtogenol - Mirtogenol là một chiết xuất từ quả việt quất và chiết xuất vỏ cây được chứng minh rằng có thể làm giảm áp lực mắt và tăng lưu lượng máu. Nó cũng có tác dụng hiệp đồng khi dùng với latanoprost, một loại thuốc điều trị tăng nhãn áp thường gặp. Mirtogenol không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nào mà chúng ta biết lúc này.
Mangan - Mức độ mangan trong máu cao được cho là làm giảm nguy cơ bệnh tăng nhãn áp.
Thậm chí cà phê đang được nghiên cứu như là một thực phẩm bổ sung hữu ích cho những người bị bệnh tăng nhãn áp vì tính chất chống oxy hóa tuyệt vời của nó. Mặc dù nó chưa phải là tiêu chuẩn đo lường chăm sóc,nhưng trong tương lai, xét nghiệm bệnh tăng nhãn áp có thể bao gồm xét nghiệm máu để kiểm tra các mức chất dinh dưỡng nhất định trong cơ thể. Hiện tại, những người trong chúng ta có tiền sử gia đình mắc bệnh tăng nhãn áp nên chú ý đến dinh dưỡng.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh