Tình trạng suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi thường xảy ra do nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như tuổi tác, bệnh lý, lịch sử dùng thuốc, lối sống và môi trường. Cụ thể:
- Tuổi tác: Tiến trình lão hóa tự nhiên có thể làm suy giảm suy giảm số lượng của các tế bào não cũng như số lượng của các kết nối thần kinh giữa chúng, từ đó gây suy giảm trí nhớ;
- Lối sống: Thường xuyên tiêu thụ rượu bia, caffeine, hút thuốc lá, đường aspartame và chất béo chuyển hóa có thể làm tăng nguy cơ bị suy giảm trí nhớ dài hạn;
- Môi trường sống: Bao gồm sự thiếu hụt dinh dưỡng, ít hoạt động thể chất và căng thẳng kéo dài;
- Bệnh lý: Các bệnh lý như Alzheimer, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, bệnh tim mạch, tiểu đường và các rối loạn thần kinh khác cũng góp phần làm suy giảm trí nhớ;
- Lịch sử dùng thuốc: Việc lạm dụng một số loại thuốc như thuốc chống trầm cảm, thuốc chống động kinh, thuốc giảm đau chứa opioid, thuốc ngủ, thuốc trị tiểu mất tự chủ, thuốc kháng histamin,… có thể khiến người cao tuổi bị suy giảm trí nhớ.
Dinh dưỡng đúng cho người cao tuổi để trí nhớ tốt
Để tăng cường trí nhớ, người cao tuổi cần ưu tiên tiêu thụ thực phẩm giàu omega-3 (DHA, EPA), choline, vitamin D, vitamin nhóm B và các chất chống oxy hóa. Nguyên nhân là vì:
- Omega-3 (DHA và EPA): Các axit béo này giúp duy trì cấu trúc tế bào não, giảm viêm và hỗ trợ chức năng nhận thức. DHA và EPA cũng góp phần giảm nguy cơ mắc bệnh sa sút trí nhớ do tuổi tác (Alzheimer);
- Choline: Chất này cần thiết cho việc sản xuất acetylcholine, một chất dẫn truyền thần kinh quan trọng cho khả năng ghi nhớ và học tập;
- Vitamin D: Ngoài vai trò duy trì sức khỏe xương, vitamin D còn có vai trò quan trọng đối với chức năng não bộ và hệ thống miễn dịch. Thiếu hụt vitamin D được chứng minh có thể gây suy giảm nhận thức và tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer;
- Vitamin nhóm B: Đặc biệt là vitamin B12, B6 và B9 (axit folic), đóng vai trò trong việc giảm hàm lượng homocysteine trong máu, một yếu tố nguy cơ của bệnh tim và suy giảm nhận thức. Chúng cũng cần thiết cho quá trình sản xuất năng lượng và sửa chữa DNA ở các tế bào thần kinh;
- Chất chống oxy hóa: Các chất chống oxy hóa như vitamin C, E, K và các hóa chất thực vật như flavonoids, polyphenols, carotenoids,… giúp bảo vệ tế bào não khỏi tổn thương do gốc tự do, qua đó làm giảm nguy cơ suy giảm nhận thức và các bệnh thoái hóa thần kinh do tuổi tác gây ra.