Folate là gì?

Khi cơ thể không có đủ folate sẽ dẫn tới thiếu máu. Các triệu chứng bao gồm mệt mỏi, yếu ớt và da nhợt nhạt. Chúng ta có thể bổ sung folate hằng ngày bằng cách ăn các thực phẩm giàu folate hoặc bổ sung vitamin.

Bài viết này sẽ điểm qua các nguyên nhân, triệu chứng và biến chứng liên quan đến thiếu máu do thiếu folate cũng như đưa ra cách phòng ngừa và điều trị tình trạng này.

 

Khái niệm

Folate là thành phần không thể thiếu trong quá trình hình thành tế bào hồng cầu, loại tế bào mang oxi đến các mô trong cơ thể.

Thiếu folate dẫn tới tình trạng thiếu máu, tình trạng khi cơ thể không tạo ra đủ số lượng hồng cầu. Thiếu máu do thiếu folate là một trong nhiều loại thiếu máu khác nhau.

Khi cơ thể không có đủ hồng cầu, các cơ quan và mô sẽ không nhận đủ oxy và cơ thể sẽ không thể hoạt động hiệu quả. Hệ quả là, các triệu chứng thiếu máu cổ điển bắt đầu xuất hiện, chẳn hạn như mệt mỏi, yếu cơ và da nhợt nhạt.

Bổ sung folate đầy đủ thông qua chế độ ăn uống và thực phẩm bổ sung là cách tốt nhất để ngăn ngừa thiếu máu do thiếu folate. Dạng tổng hợp của folate là acid folic. Acid folic có trong nhiều trong các loại vitamin dành cho phụ nữ mang thai, vitamin tổng hợp, vitamin B tổng hợp hoặc là một thực phẩm bổ sung riêng biệt.

 

Nguyên nhân gây thiếu folate

Thiếu folate có thể xảy ra khi không ăn đủ các loại thực phẩm có chứa folate. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn có thể xảy ra ở cả những người có chế độ ăn cân bằng và lành mạnh.

Nguyên nhân gây ra thiếu máu do thiếu folate bao gồm:

  • Không ăn đủ thực phẩm giàu folate

  • Mắc các chứng hoặc bệnh gây ảnh hưởng tới khả năng hấp thụ vitamin của cơ thể, ví dụ như bệnh Celiac (không dung nạp gluten) hoặc bệnh viêm ruột (IBD)

  • Rối loạn sử dụng đồ uống có cồn, do cồn cản trở sự hấp thu folate và khiến cơ thể loại bỏ folate quá nhanh.

  • Mang thai, do nhu cầu folate của cơ thể tăng khi mang thai

  • Dùng các loại thuốc cản trở sự hấp thụ folate hoặc làm giảm nồng độ folate

  • Cơ thể có mang biến thể gen Methylenetetrahyrofolate reductase (MTHFR). Điều này cản trở khả năng chuyển đổi folate thành dạng hoạt hóa mà cơ thể có thể sử dụng

Giống như các loại vitamin B, folate cũng tan trong nước. Điều này có nghĩa là thận sẽ bài tiết folate dư thừa qua nước tiểu chứ không lưu trữ trong cơ thể.

Do đó, tình trạng thiếu folate có thể xảy ra rất nhanh chỉ trong vài tuần nếu chế độ ăn uống không cung cấp đủ folate hoặc mắc các tình trạng cản trở sự hấp thụ folate.

Mọi người cần phải dung nạp lượng folate khuyến nghị mỗi ngày vì folate không được lưu trữ lại. Điều này đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ đã hoặc đang chuẩn bị mang thai.

Các tổ chức y tế lớn khuyến nghị phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên bổ sung acid folic mỗi ngày vì nồng độ folate thấp làm tăng nguy cơ dị tật nghiêm trọng về não và tủy sống của thai nhi.

 

Triệu chứng

Lúc đầu, cơ thể không có triệu chứng thiếu máu rõ ràng nhưng khi nó trở nên nghiêm trọng hơn, có biểu hiện sau:

  • Yếu

  • Cảm giác lâng lâng, váng đầu

  • Mệt mỏi rã rời

  • Khó tập trung

  • Cáu gắt

  • Đau đầu

  • Đau lưỡi

  • Nhiệt trong miệng hoặc trên lưỡi

  • Ở phụ nữ mang thai, có con bị dị tật ống thần kinh

 

Triệu chứng khi mang thai

Phụ nữ cần lượng folate cao hơn trong thai kì do folate cần thiết cho sự hình thành DNA khi thai nhi phát triển. Thiếu folate cản trở quá trình phân chia và phát triển tế bào của thai nhi và nhau thai, dẫn đến các bất thường khi sinh.

Nếu phụ nữ mang thai không dung nap đủ folate trước và trong khi mang thai, thai nhi có thể bị dị tật ống thần kinh, gây ra những vấn đề nghiêm trọng về não và tủy sống.

Khiếm khuyết ống thần kinh bao gồm:

  • Não phẳng anencephanly: Là tình trạng thai nhi bị thiếu các phần của bộ não và hộp sọ.

  • Tật nứt đốt sống: Dẫn đến các bất thường về cột sống, dây thần kinh hoặc cả hai

Thiếu folate cũng gây ra tình trạng nhẹ cân của trẻ được sinh ra. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kì (CDC) khuyến cáo rằng mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên bổ sung 400microgam (mcg) acid folic bên cạnh việc ăn các thực phẩm giàu folate.

Ngay cả những phụ nữ không có kế hoạch mang thai cũng nên bổ sung acid folic vì:

  • Gần một nửa số trường hợp mang thai ở Hoa Kì là không có kế hoạch/ngoài kế hoạch.

  • Các bất thường thường khi sinh do thiếu folate xảy ra rất sớm trong thai kì, thường là trước khi người phụ nữ biết rằng mình đang mang thai

  • Khó đáp ứng đủ lượng folate khuyến nghị chỉ bằng việc bổ sung folate qua chế độ ăn

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp 

return to top