Trong Y văn Việt Nam, Hải Thượng Lãn Ông, nhà y học có kiến thức sâu rộng về nhiều lĩnh vực ở thế kỷ XVIII cũng xác định được tầm quan trọng của vấn đề ăn uống cho thấy:
“Nên dùng các thứ thức ăn
Thay vào thuốc bổ có phần lợi hơn”
Hay
“Muốn cho phủ tạng được yên
Bớt ăn mấy miếng, nhịn thèm hơn đau”
Thực phẩm chứa các thành phần dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể: Protein, Lipid, Glucid, các vitamin, chất khoáng và nước. Thiếu một trong số những chất này có thể gây ra nhiều bệnh tật, thậm chí là đe doạ tính mạng. Ví dụ như thiếu vitamin A và các bệnh về mắt, thiếu máu do suy dinh dưỡng, bệnh scorbut do thiếu vitamin C, bệnh viêm da Pellagra do thiếu vitamin PP.
Trong tự nhiên Việt Nam, một số thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, giá rẻ như đậu phụ, vừng, lạc, cá đồng nhỏ… Đặc biệt đậu tương là loại thực phẩm có hàm lượng Protein rất cao (34%), chứa đầy đủ các acid amin cần thiết và ở hàm lượng cao như leusin, arginin, lysin, phenyalanin, threonin, methionin. Đậu tương còn chứa nhiều Lipid (18,4%), giàu các loại acid béo chưa no cần thiết: linoneic, linolenic. Ngoài ra đậu tương còn giàu vitamin PP, Biotin, chất khoáng.
Trong bữa ăn, nên phối hợp các loại lương thực như đậu tương, vừng, ngô trong khẩu phần ăn để bổ sung các acid amin cho nhau. Sự phối hợp lý các thực phẩm sẽ tạo ra hỗn hợp các các acid amin có BV – giá trị sinh học (Biological Value) cao hoặc PDCAAS – điểm số axit amin hiệu chỉnh theo khả năng tiêu hóa của protein (Protein Digestibility Corrected Amino Acid Score) cao. Bản thân một số thực phẩm có chỉ số PDCAAS cao trong tự nhiên là trứng (1), sữa bò (1), protein đậu nành (0.99) … nên sự có mặt của các thực phẩm này trong bữa ăn hàng ngày sẽ tạo ra nguồn dinh dưỡng hoàn chỉnh và có chất lượng.
5 nguyên tắc vàng để duy trì sức khoẻ qua chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hàng ngày là:
Lựa chọn thực phẩm rất quan trọng, nên chọn thực phẩm tự nhiên, mùa nào thức đấy. Không nên dùng thực phẩm chế biến sẵn. Luôn lưu sử dụng thực phẩm nguồn gốc thực vật trong bữa ăn hàng ngày, vừa rẻ và tốt cho sức khoẻ.
Cách sơ chế, chế biến cần đảm bảo dinh dưỡng và an toàn thực phẩm, Rau nên rửa sạch rồi mới thái, sơ chế xong nấu ngay, nấu chín, ăn nóng sốt để tránh oxy hóa làm hao hụt Protein và các chất dinh dưỡng, đặc biệt là các vitamin tan trong nước. Khi chế biến cần lưu ý để nước sôi mới thái rau và cho vào nấu. Khi nấu không nên mở vung và ăn ngay khi rau chín.
Duy trì thói quen ăn chín uống sôi, ăn nhiều đồ luộc, hạn chế thức ăn rán, xào. Không ăn đồ ăn cũ, chỉ nấu vừa đủ ăn cho số người trong một bữa. Thực hành tiết kiệm, hạn chế thải bỏ thực phẩm để bảo vệ môi trường.