Tai biến mạch máu não lần 2 là tình trạng có thể xảy ra bất cứ khi nào nếu người bệnh không được điều trị và chăm sóc tốt. Điều đáng nói, tai biến lần 2 sẽ diễn ra với hậu quả nghiêm trọng hơn và việc điều trị cũng khó khăn hơn rất nhiều. Hãy cùng theo dõi bài viết sau đây để hiểu rõ hơn về những tác hại của cơn tai biến lần 2 tới sức khỏe người bệnh và biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
1. Cơn tai biến lần 2 nguy hiểm như thế nào?
Tai biến mạch máu não là tình trạng não bộ bị tổn thương do mạch máu ở não bị tắc hoặc vỡ. Khi đó, oxy và chất dinh dưỡng sẽ không đủ để cung cấp cho não, khiến các tế bào não dần hoại tử, mất khả năng kiểm soát hoạt động của cơ thể và gây ra những di chứng nặng nề như: méo miệng, nói ngọng, liệt nửa người…
Tai biến mạch máu não vốn là bệnh lý nguy hiểm bởi nguy cơ tử vong cao và những di chứng nặng nề để lại. Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng, tỷ lệ tái phát sau khi mắc tai biến mạch máu não chiếm khoảng 20% trong năm đầu tiên và 10 – 50% trong 5 năm tiếp theo.
Đáng chú ý, cơn tai biến lần 2 luôn nguy hiểm hơn so với lần đầu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt cuộc sống của người bệnh. Cụ thể đó là:
Sức khỏe và thể chất của người bệnh thường bị suy giảm đáng kể sau cơn tai biến lần 2 với các biểu hiện như sau:
– Mờ mắt, méo miệng, liệt nửa người.
– Người bệnh bị hạn chế vận động do sức khỏe giảm sút nghiêm trọng.
– Dễ bị té ngã do thường xuyên cảm thấy chóng mặt gây mất thăng bằng. Biểu hiện này thường gặp ở những người cao tuổi. Đặc biệt, hiện nay có không ít trường hợp phải nằm một chỗ và phụ thuộc hoàn toàn vào người chăm sóc vì không thể đi lại hoặc hoạt động sau tai biến tái phát.
– Việc nằm lâu một chỗ khiến cơ thể người bệnh dần trở nên suy nhược, luôn cảm thấy mệt mỏi, thiếu sức sống. Bên cạnh đó, nằm nhiều còn khiến người bệnh dễ có nguy cơ bị viêm, loét da.
– Người bênh thường xuyên bị ốm, cảm hay viêm phổi.
Các di chứng nặng nề của tai biến lần 2 cùng việc điều trị kéo dài thường khiến người bệnh thay đổi tâm lý, thường xuyên bứt rứt khó chịu, dễ cáu gắt. Đồng thời những người chăm sóc cũng trở nên căng thẳng, mệt mỏi. Bên cạnh đó, chi phí điều trị tốn kém và sự gián đoạn công việc có thể khiến người bệnh và người chăm sóc gặp khó khăn về vấn đề tài chính.
Không chỉ gặp những ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống hàng ngày, người bị tai biến mạch máu não còn chịu những tác động nhất định đến tâm lý. Họ dễ có nguy cơ bị trầm cảm, rối loạn lo âu. Thậm chí, nhiều người còn có suy nghĩ mình trở thành gánh nặng của cả gia đình và xã hội, không còn hứng thú với cuộc sống, luôn cảm thấy chán nản, buồn bã.
Khi người bệnh bị tai biến mạch máu não lần đầu đã được chữa khỏi và hồi phục được khoảng 1 năm mà không chú ý giữ gìn sức khỏe thì sẽ rất dễ tái phát tai biến lần 2. Tai biến lần 2 chắc chắn sẽ gây ra những triệu chứng ở mức độ nặng và dữ dội hơn, một vài triệu chứng điển hình đó là:
– Đau đầu dữ dội, đột ngột
– Không thể nói được
– Cứng tay chân, không thể cử động được các khớp
– Đột quỵ ngay tại chỗ
Sau khi mắc tai biến mạch máu não ở lần đầu, người bệnh có thể vẫn còn một số bệnh lý khác trong cơ thể và chưa được kiểm soát tối ưu. Đó cũng chính là nguyên nhân gây ra cơn tai biến lần 2. Một số bệnh lý có thể gây tái phát bệnh như:
– Bệnh về huyết áp: Huyết áp cao hay thấp đều khiến mạch máu bị suy yếu, lượng máu lưu thông bị hạn chế.
– Mỡ máu cao: Tai biến khiến dòng máu lưu thông chậm hơn, lâu dần sẽ tạo thành những mảng xơ vữa trong lòng mạch. Các mảng xơ vữa này rơi xuống dòng chảy gây hẹp lòng mạch, đồng thời gia tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.
– Tiểu đường: Bệnh tiểu đường sẽ gây nên những tổn thương sớm ở tế bào nội mạc, làm rối loạn chức năng nội mạc mạch máu. Khi đó, các phân tử mỡ sẽ dễ dàng đi qua lớp nội mạc, kết hợp với chức năng tăng khả năng kết dính và xuyên qua thành của tế bào bạch cầu vào trong lớp nội mạc, từ đó hình thành những mảng xơ vữa gây hẹp động mạch.
– Các bệnh về tim mạch: Các bệnh lý về tim như hẹp van tim, rung nhĩ, rối loạn nhịp tim… có thể làm giảm khả năng bơm máu của tim lên não. Khi máu không được bơm lên và đọng lại trong tim sẽ hình thành các cục máu đông và gây tai biến.
Những bệnh lý trên theo thời gian có thể gây xơ vữa mạch máu và là tác nhân chính hình thành cục máu đông, là, tăng nguy cơ tái phát cơn tai biến.
Tai biến xảy ra ở lần 2 thì cũng có thể có những lần tiếp theo. Số lần tái phát càng nhiều đồng nghĩa với nguy cơ tử vong càng cao và di chứng để lại càng nặng nề. Để phòng ngừa và cải thiện tình trạng này, bệnh nhân và người chăm sóc cần áp dụng một số biện pháp sau:
– Kiểm soát và điều trị triệt để các bệnh lý có thể là nguyên nhân gây tai biến như tăng huyết áp, tiểu đường, xơ vữa động mạch…
– Uống thuốc theo đúng theo đơn và thực hiện tái khám đúng thời hạn.
– Xây dựng chế độ ăn uống đủ chất và cân đối. Nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả, tránh chất béo, chất kích thích, thực phẩm nhiều muối, đường, dầu mỡ và chế biến thành các món mềm, dễ tiêu hóa như cháo, súp, sinh tố…
– Sau khi ra viện, bệnh nhân cần được luyện tập vận động tại nhà hoặc phòng tập để phục hồi chức năng, cải thiện sức khỏe và ngăn ngừa bệnh tái phát.
– Đặc biệt, người bệnh cần chú ý, khi thấy các triệu chứng của tai biến xuất hiện trở lại, dù nặng hay nhẹ cũng cần được đưa tới cơ sở y tế ngay lập tức.
Tai biến mạch máu não lần 2 để lại những hậu quả nghiêm trọng hơn gấp nhiều lần so với lần đầu. Do đó, để ngăn chặn cơn tai biến tái phát, nên kết hợp các biện pháp phòng ngừa trên nhằm tránh gặp phải tình trạng xấu nhất.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh