Men gan là một loại enzym nằm trong tế bào gan. Khi tế bào gan chết đi do quá trình lão hóa thì có một lượng men gan được phóng thích vào máu ở nồng độ dưới 40UI/L (chỉ số này gần như cố định ở người bình thường). Men gan bình thường có các chỉ số sau: AST: 20 – 40 UI/L, ALT: 20 – 40 UI/L, GGT: 20 – 40UI/L, phosphatas kiềm: 30 – 110 UI/L. Khi cao hơn các chỉ số này gọi là men gan cao.
Nguyên nhân
Có nhiều bệnh lý gây hại cho gan, với các cấp độ từ cấp tính đến mạn tính. Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu chủ yếu xảy ra do béo phì, bệnh tiểu đường. Đây là một bệnh mạn tính, thường gặp nhất ở những người trong độ tuổi trung niên. Theo nghiên cứu, thuốc hạ cholesterol cũng có thể khiến men gan tăng cao. Viêm gan A, ngộ độc thuốc hoặc dùng quá liều acetaminophen có thể khiến men gan tăng cao đột ngột, hơn gấp 10 lần so với bình thường.
Trong khi đó viêm gan B và viêm gan C mạn tính làm men gan tăng ở mức vừa phải, gấp 4 lần so với mức bình thường. Bệnh gan do rượu là nguyên nhân khiến chỉ số A AST / ALT hơn 1: 1. Ngoài ra các bệnh nhiễm trùng cấp tính như bạch cầu đơn nhân, nhiễm cytomegalovirus, rối loạn di truyền cũng có thể làm men gan tăng lên.
Dấu hiệu
Các bác sĩ trong quá trình thăm khám có thể quan sát các dấu hiệu của men gan tăng cao. Dấu hiệu này còn tùy thuộc vào bệnh lý tiềm ẩn gây tăng men gan nhưng nhìn chung bao gồm vàng da (da và tròng trắng của mắt chuyển màu vàng), nước tiểu sẫm màu, phân có màu đất sét, tích tụ dịch ở ổ bụng (còn gọi là cổ chướng), xuất huyết đường ruột, sốt thấp và sụt cân. Gan và lá lách có thể lớn hơn bình thường.
Triệu chứng
Những người bị tăng men gan trong trường hợp mắc bệnh gan không do rượu, bệnh gan do rượu ở giai đoạn sớm, viêm gan B hoặc viêm gan C mạn tính, có thể không gặp phải bất cứ triệu chứng nào. Nếu bệnh gan cấp tính là nguyên nhân khiến men gan tăng, các triệu chứng này có thể là mệt mỏi, buồn nôn, đau bụng trên bên phải, giảm ham muốn tình dục, ngứa…
Để phòng và điều trị men gan tăng cao, nên duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh, hợp lý, hạn chế sử dụng rượu bia, và các đồ uống có cồn, không hút thuốc lá, thuốc lào, không ăn da, mỡ động vật, các thực phẩm chứa nhiều đường, nhiều dầu mỡ, tránh các gia vị cay nóng. Bên cạnh đó nên dành thời gian tập thể dục thường xuyên, không nên thức quá khuya và không nên làm việc quá nặng nhọc.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh