Người bệnh tiểu đường nên dùng thức uống nào?

Hiệp hội Tiểu đường Hoa kỳ (ADA) khuyến nghị người bị tiểu đường nên uống các loại đồ uống không chứa calo (zero – calorie) hoặc chứa ít calo (low – calorie) để tránh bị tăng đường huyết. Lựa chọn đúng loại đồ uống có thể giúp bạn tránh được những ảnh hưởng không mong muốn, kểm soát triệu chứng và duy trì cân nặng khỏe mạnh.

 

5 loại đồ uống tốt nhất cho người bệnh tiểu đường

Nước lọc

Nước lọc luôn là lựa chọn tốt nhất cho người bệnh tiểu đường, vì nước lọc không làm tăng lượng đường huyết. Đường huyết tăng cao có thể dẫn đến mất nước. Uống đủ nước có thể giúp cơ thể đào thải lượng glucose thừa thông qua nước tiểu. Trung bình mỗi người cần uống khoảng 2-3 lít/ngày tuỳ theo điều kiện thời tiết, công việc. Nếu bạn không muốn uống nước lọc nhạt nhẽo, bạn có thể:

  • Thêm một vài lát chanh hoặc cam
  • Thêm các loại thảo mộc có hương vị, ví dụ như bạc hà, húng quế hoặc dầu chanh
  • Thêm một vài trái mâm xôi vào nước lọc

Trà

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trà xanh có tác động tích cực lên sức khỏe nói chung. Trà xanh có tác dụng giảm huyết áp và làm hạ cholesterol trong máu. Một số nghiên cứu còn cho thấy, uống 6 cốc trà xanh một ngày có thể làm giảm nguy cơ mắc tiểu đường typ 2. Tuy nhiên, cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để xác nhận kết quả này. Và cho dù bạn chọn trà xanh, trà đen hay trà thảo mộc, luôn nhớ tránh sử dụng các chất tạo ngọt. Để tăng thêm hương vị cho trà, bạn có thể tự làm trà sử dụng trà thơm ướp lạnh, thêm một vài lát chanh, trà xanh hoa nhài, đều là những lựa chọn tuyệt vời.

 

Cà phê

Một nghiên cứu năm 2012 chỉ ra rằng, uống cà phê có thể làm giảm nguy cơ mắc tiểu đường typ 2. Các nhà nghiên cứu thấy rằng, nguy cơ mắc bệnh sẽ giảm xuống thấp hơn ở những người uống trên 4 ly cà phê một ngày. Kết quả này có thể được áp dụng cho cả cà phê có caffein và cà phê đã tách caffein (decaf). Và cũng như trà, điều quan trọng nhất là cà phê bạn uống phải không ngọt. Tránh thêm sữa, kem hoặc đường vào cà phê để không làm tăng tổng lượng calo bạn nạp vào vì tăng calo có thể sẽ ảnh hưởng đến lượng đường huyết của bạn.

 

Nước ép trái cây và rau củ

Bạn có thể lựa chọn các loại nước ép trái cây tươi 100% và không chứa đường. Nếu bạn đang tuân thủ một chế độ ăn nghiêm ngặt, hãy nhớ tính cả lượng calo mà các loại nước ép mang lại cho bạn. Trung bình, một ly nước trái cây 120ml sẽ cung cấp cho bạn khoảng 15g carbohydrate và khoảng 60 calo. Bạn cũng có thể thay thế nước ép trái cây bằng nước ép rau củ. Có thể trộn hỗn hợp rau có lá xanh, cần tây hoặc dưa chuột với một vài loại trái thuộc họ dâu để tăng hương vị và bổ sung thêm vitamin, chất khoáng cho cơ thể.

Sữa ít béo

Các chế phẩm từ sữa có chứa những chất khoáng có lợi cho cơ thể, nhưng những sản phẩm này cũng sẽ tăng thêm lượng carbohydrate vào chế độ ăn của bạn. Luôn nhớ lựa chọn các sản phẩm không ngọt, ít béo hoặc tách béo. Bạn cũng nên hạn chế không uống quá 2 ly sữa một ngày. Bạn cũng có thể thử uống các loại sữa khác, không đường, ví dụ như sữa dừa, hoặc sữa từ các loại hạt. Bạn cũng nên chú ý rằng, sữa đậu nành và sữa gạo cũng có chứa carbohydrate.

 

5 loại đồ uống mà người bị tiểu đường nên tránh

Soda/nước ngọt

Soda là loại nước uống những người bị tiểu đường nên tránh. Trung bình, một lon soda có thể chứa khoảng 40g carbohydrate và 150 calo. Loại nước uống ngọt này còn có liên quan đến việc tăng cân và sâu răng, do vậy, tốt nhất bạn nên tránh soda càng xa càng tốt. Thay vào đó, hãy uống các loại nước làm từ trái cây hoặc uống trà.

 

Đồ uống năng lượng

Đồ uống năng lượng vừa chứa lượng caffein cao vừa chứa lượng carbohydrate cao không kém. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng, đồ uống năng lượng không chỉ làm đường huyết của bạn tăng vọt mà còn gây ra tình trạng kháng insulin. Và việc này sẽ làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường typ 2 của bạn. Quá nhiều caffein sẽ gây ra tình trạng căng thẳng, tăng huyết áp và dẫn đến mất ngủ. Tất cả những yếu tố này có thể ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe nói chung của bạn.

 

Soda ăn kiêng

Các chất tạo ngọt nhân tạo, ví dụ như những chất tạo ngọt có trong soda ăn kiêng, có thể có những ảnh hưởng không tốt đến hệ vi khuẩn đường ruột của bạn. Ngoài ra, nó cũng làm tăng khả năng kháng insulin, và làm tệ hơn tình trạng tiểu đường của bạn. Một nghiên cứu đã chỉ ra mối liên quan giữa soda ăn kiêng và nguy cơ mắc các hội chứng chuyển hóa. Hội chứng chuyển hóa là một nhóm các bệnh, bao gồm:

  • Tăng huyết áp
  • Tăng cholesterol
  • Tăng lượng tryglyceride
  • Tăng cân
  • Tăng đường huyết

 

Nước ép trái cây ngọt

Mặc dù bạn có thể uống nước ép trái cây với một lượng vừa phải, nhưng các loại nước ép trái cây ngọt sẽ thêm một lượng lớn carbohydrate vào chế độ ăn của bạn. Nước trái cây ngọt sẽ làm lượng đường huyết của bạn tăng vọt và làm tăng nguy cơ thừa cân. Nếu bạn thèm nước trái cây và không thể chịu được, hãy đảm bảo rằng bạn uống nước trái cây  được làm từ 100% trái cây tự nhiên và không thêm đường.

 

Đồ uống có cồn

Nếu bạn bị tăng huyết áp hoặc bị tổn thương thần kinh do bệnh tiểu đường, thì sử dụng đồ uống có cồn có thể sẽ làm tình trạng bệnh của bạn nặng hơn. Bạn nên hỏi ý kiến bác sỹ về việc loại đồ uống có cồn nào là an toàn cho bạn. Một nghiên cứu năm 2012 chỉ ra rằng, nam giới sử dụng đồ uống có cồn sẽ làm tăng nguy cơ bị tiểu đường typ 2. Nhưng phụ nữ uống rượu vang đỏ sẽ làm giảm nguy cơ bị tiểu đường typ 2. Cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để hiểu rõ hơn về mối liên quan giữa bệnh tiểu đường và sử dụng đồ uống có cồn.

 

Kết luận

Khi nghĩ đến các loại đồ uống, hãy lựa chọn đơn giản. Uống nước lọc bất cứ khi nào có thể. Trà không ngọt và sữa tách béo cũng là một lựa chọn tốt. Các loại nước ép tự nhiên cũng có thể được uống với một lượng vừa phải. Nếu bạn thèm uống một thứ gì đó có vị ngọt, hãy thêm vào đồ uống của bạn một vài loại thảo mộc thơm, một vài lát trái cây họ cam chanh hay một vài quả thuộc họ dâu đã được nghiền nát.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top