✴️ Nhịn ăn gián đoạn – Kỳ 2: Các ứng dụng lâm sàng

Nội dung

Xem lại: Tổng quan về nhịn ăn gián đoạn

Béo phì và đái tháo đường

Ở các mô hình động vật, việc cho ăn gián đoạn làm tăng nhạy cảm insulin, ngăn ngừa bệnh béo phì gây ra bởi chế độ ăn giàu chất béo và cải thiện bệnh võng mạc đái tháo đường tăng sinh. Trên đảo Okinawa, người dân địa phương duy trì một chế độ nhịn ăn gián đoạn và có tỷ lệ béo phì và đái tháo đường thấp cũng như tuổi thọ rất cao. Họ thường dùng thức ăn ít calo nhưng giàu dinh dưỡng, điển hình là khoai lang Okinawa cùng các loại rau củ khác. Tương tự, các thành viên trong Hiệp hội Chủ trương giảm Calo (Calorie Restriction Society) gồm những người theo chế độ ăn CRON (giới hạn calo với dinh dưỡng tối ưu), có tỷ lệ đái tháo đường thấp, với nồng độ thấp cho yếu tố tăng trưởng giống insulin-1 (IGF-1), hormone tăng trưởng và các chỉ dấu viêm cũng như stress oxy hóa.

Một nghiên cứu đa trung tâm cho thấy việc giới hạn lượng calo nạp vào giúp cải thiện nhiều yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch chuyển hoá ở người không béo phì. Hơn nữa, sau khi thực hiện nghiên cứu ngắn hạn trên người trưởng thành thừa cân hay béo phì, kết quả ghi nhận rằng nhịn ăn gián đoạn đem lại lợi ích trong việc giảm cân tương tự các chế độ ăn tiêu chuẩn khác. Hai nghiên cứu gần đây cho thấy việc giới hạn lượng calo hàng ngày hoặc nhịn ăn gián đoạn 4:3 (nhịn 24 giờ ba lần mỗi tuần) làm đảo ngược tình trạng đề kháng insulin (là tình trạng nền tảng cho sự phát triển của bệnh đái tháo đường) ở bệnh nhân tiền đái tháo đường hoặc đái tháo đường type 2. Tuy vậy, một nghiên cứu 12 tháng khi so sánh nhóm nhịn ăn cách ngày, giới hạn calo hàng ngày với nhóm chứng đã cho thấy hai nhóm có can thiệp đều giảm cân nhưng không có cải thiện về nhạy cảm insulin, nồng độ lipid hay huyết áp so với nhóm chứng.


          nhịn ăn gián đoạn với bệnh nhân tiểu đường
 

Bệnh tim mạch

Nhịn ăn gián đoạn cải thiện nhiều chỉ số về sức khỏe tim mạch ở cả người và động vật, bao gồm huyết áp; nhịp tim nghỉ; nồng độ HDL và LDL, các triglyceride, glucose, insulin và giảm đề kháng insulin. Ngoài ra, nhịn ăn gián đoạn còn làm giảm các chỉ dấu của viêm toàn thân cũng như stress oxy hóa liên quan đến xơ vữa động mạch. Các phân tích kết quả điện tâm đồ cho thấy nhịn ăn gián đoạn làm giảm biến thiên nhịp tim bằng cách tăng cường trương lực phó giao cảm ở chuột và người. Nghiên cứu CALERIE (Comprehensive Assessment of Long-Term Effects of Reducing Intake of Energy) cho thấy việc giảm lượng calo nạp vào 12% trong vòng 2 năm giúp cải thiện nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch ở những người không béo phì. Varady và cộng sự (Đại học Illinois, Chicago, Hoa Kỳ) đã báo cáo rằng nhịn ăn cách ngày có tác dụng trong việc giảm cân và bảo vệ tim ở người trưởng thành cân nặng bình thường cũng như thừa cân. Các cải thiện trên chỉ số sức khỏe tim mạch thường được thấy rõ trong vòng 2 – 4 tuần sau khi bắt đầu nhịn ăn cách ngày, sau đó biến mất dần khi quay trở lại chế độ ăn bình thường vài tuần.

Ung thư

Hơn một thế kỷ trước, Moreschi (Phòng thí nghiệm của Paul Ehrlich, Frankfurt, Đức) và Rous (Viện Nghiên cứu Y học Rockfeller, New York, Hoa Kỳ) mô tả lợi ích của việc nhịn ăn và giới hạn calo trên khối u ở động vật. Từ đó, nhiều nghiên cứu trên động vật đã cho thấy việc giới hạn calo hàng ngày hoặc nhịn ăn cách ngày làm giảm rủi ro xuất hiện các khối u tự phát trong quá trình lão hoá tự nhiên ở chuột và ức chế sự phát triển của nhiều loại khối u hình thành do kích thích, đồng thời tăng cường độ nhạy cảm với hoá trị và xạ trị. Tương tự, nhịn ăn gián đoạn được cho là có thể gây suy yếu sự chuyển hóa của các tế bào ung thư, ức chế sự phát triển và làm cho các tế bào này dễ điều trị lâm sàng. Các cơ chế nằm sau điều này liên quan đến việc giảm truyền tín hiệu thông qua thụ thể insulin và hormone tăng trưởng (GH), kèm theo sự tăng cường các yếu tố dịch mã của nhóm protein FOXO, yếu tố NRF2. Việc xóa bỏ gene NRF2 và FOXO1 làm mất đi các tác động bảo vệ của nhịn ăn gián đoạn đối với việc hình thành ung thư cảm ứng (sử dụng các tác nhân gây ung thư) nhưng vẫn giữ tác động kéo dài tuổi thọ, trong khi nếu xoá FOXO3 sẽ giúp bảo tồn đặc tính bảo vệ kháng ung thư nhưng lại làm mất tác dụng kéo dài tuổi thọ. Việc kích hoạt yếu tố phiên mã và các đích tác động cùng hướng (downstream targets) thông qua nhịn ăn gián đoạn có thể bảo vệ khỏi sự hình thành khối u, đồng thời tăng cường đề kháng stress của các tế bào bình thường.
Đã có nhiều thử nghiệm lâm sàng được hoàn thành cũng như đang được thực hiện về nhịn ăn gián đoạn. Hầu hết các thử nghiệm ban đầu tập trung trên mức độ tuân thủ, tác dụng phụ và mô tả đặc tính các chỉ dấu sinh học. Ví dụ, một thử nghiệm của Demark-Wahnefried và cộng sự (Đại học Alabama, Birmingham, Hoa Kỳ) đã đánh giá tính khả thi của việc áp dụng các chế độ ăn giới hạn calo hàng ngày trước khi phẫu thuật ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới thừa cân hoặc béo phì. Kết quả cho thấy mức độ tuân thủ tuyệt vời (95%) cũng như không ghi nhận các phản ứng có hại nào trong suốt thời gian nghiên cứu (các phản ứng có hại được theo dõi tối thiểu hàng tuần). Ngoài ra, một vài nghiên cứu trên bệnh nhân u nguyên bào thần kinh đệm gợi ý rằng nhịn ăn gián đoạn có thể ức chế sự phát triển của khối u và kéo dài thời gian sống. Hiện nay, trên ClinicalTrials.gov, các thử nghiệm đang tiến hành trên nhịn ăn gián đoạn tập trung ở bệnh nhân ung thư vú, tử cung, tuyến tiền liệt, nội mạc tử cung và đại trực tràng. Các chế độ nhịn ăn gián đoạn cụ thể tuy thay đổi theo từng nghiên cứu nhưng đều liên quan đến việc áp dụng nhịn ăn gián đoạn trong quá trình hoá trị. Hiện vẫn chưa có nghiên cứu nào xác định rằng nhịn ăn gián đoạn tác động lên trường hợp ung thư tái phát trên người.

Các bệnh thoái hóa thần kinh

Dữ liệu dịch tễ học cho thấy việc nạp năng lượng quá mức, đặc biệt ở độ tuổi trung niên, sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ, bệnh Alzheimer và Parkinson. Có bằng chứng tiền lâm sàng mạnh mẽ cho thấy việc nhịn ăn cách ngày có thể trì hoãn quá trình khởi phát và tiến triển các quá trình của bệnh Alzheimer và Parkinson trên các mô hình động vật. Nhịn ăn gián đoạn giúp tăng cường đề kháng stress neuron thần kinh qua nhiều cơ chế, bao gồm tăng cường chức năng của ty thể và kích thích tự thực bào, sản sinh yếu tố dinh dưỡng thần kinh, hàng rào chống oxy hoá và sửa chữa DNA. Hơn nữa, nhịn ăn gián đoạn còn tăng cường các dẫn truyền thần kinh kiểu ức chế GABA (ví dụ: ức chế dẫn truyền thần kinh liên quan đến γ-amino-butyric acid). Điều này góp phần ngăn ngừa các cơn co giật và excitotoxicity (quá trình bệnh lý mà tế bào thần kinh bị hư hỏng và chết do kích thích quá mức của glutamate). Hiện còn thiếu dữ liệu từ các thử nghiệm có đối chứng trên nhịn ăn gián đoạn ở những người có nguy cơ hoặc bị ảnh hưởng bởi bệnh lý thoái hóa thần kinh. Lý tưởng nhất, một thử nghiệm can thiệp nên bắt đầu vào quá trình sớm của bệnh và tiếp tục đủ lâu để phát hiện tác động giảm nhẹ bệnh (disease-modifying) khi can thiệp (ví dụ: một nghiên cứu 1 năm).

Hen suyễn, xơ cứng rải rác và viêm khớp

Việc giảm cân sẽ làm giảm các triệu chứng hen suyễn ở những bệnh nhân béo phì. Theo một nghiên cứu, nếu người bệnh tuân thủ phác đồ nhịn ăn cách ngày có nồng độ thể ketone cao trong huyết tương vào các ngày giới hạn năng lượng và cân nặng giảm sau 2 tháng thì trong thời gian này, các triệu chứng hen suyễn và sức cản đường thở đều được giảm nhẹ. Việc giảm các triệu chứng cũng đi kèm với giảm đáng kể các chỉ dấu viêm và stress oxy hóa trong huyết tương. Xơ cứng rải rác là một bệnh tự miễn với đặc tính huỷ myelin sợi trục thần kinh trong hệ thần kinh trung ương. Nhịn ăn cách ngày hoặc các chu kỳ giới hạn calo trong 3 ngày liên tiếp làm giảm việc huỷ myelin thần kinh do tự miễn cũng như cải thiện kết quả vận động trên mô hình chuột bị xơ cứng rải rác (gây viêm não tuỷ trong phòng thí nghiệm). Hai nghiên cứu sơ bộ (pilot) gần đây cho thấy bệnh nhân mắc đa xơ cứng tuân thủ các chế độ nhịn ăn gián đoạn có triệu chứng thuyên giảm trong thời gian ít nhất từ 2 tháng. Vì tác động giảm viêm nên nhịn ăn gián đoạn được cho rằng có lợi ích đối với bệnh viêm khớp dạng thấp, và quả thật có bằng chứng ủng hộ việc áp dụng chế độ ăn này ở bệnh nhân viêm khớp.

Phẫu thuật và tổn thương mô do thiếu máu cục bộ

Các chế độ nhịn ăn gián đoạn làm giảm tổn thương mô và tăng kết quả vận động với tổn thương mô do chấn thương và do thiếu máu cục bộ trên các mô hình động vật. Việc nhịn ăn trước phẫu thuật giúp cải thiện kết cục của các ca mổ. Ở các mô hình động vật, việc nhịn ăn 3 ngày trước khi gây tổn thương mạch do phẫu thuật có thể làm giảm tổn thương do tái tưới máu ở gan và thận cũng như giảm tăng sản nội mạc động mạch cảnh. Theo một nghiên cứu ngẫu nhiên, đa trung tâm, việc giới hạn năng lượng hàng ngày trong 2 tuần trước phẫu thuật có thể cải thiện kết cục ở bệnh nhân đang trải qua phẫu thuật nối tắt dạ dày. Các phát hiện trên gợi ý rằng nhịn ăn gián đoạn trước phẫu thuật là một phương pháp an toàn để cải thiện kết cục phẫu thuật.

Một vài nghiên cứu đã cho thấy lợi ích của nhịn ăn gián đoạn trên các mô hình động vật với tổn thương do chấn thương đầu hoặc cột sống. Nhịn ăn gián đoạn sau tổn thương cũng có tác dụng trong việc cải thiện khiếm khuyết nhận thức ở một mô hình chuột bị tổn thương não do chấn thương. Khi bắt đầu nhịn ăn gián đoạn, dù trước hay sau khi tổn thương cột sống cổ hoặc ngực, đều làm giảm tổn thương mô và cải thiện chức năng vận động (functional outcome) trên chuột. Các chứng cứ gần đây gợi ý rằng nhịn ăn gián đoạn có khả năng cải thiện hiệu suất thể thao. Đây có thể là hướng tiếp cận thực dụng để làm giảm tỷ lệ mắc và tử vong liên quan đến tổn thương do chấn thương não và cột sống ở vận động viên (bạn đọc có thể xem lại phần tác động về thể chất của nhịn ăn gián đoạn). Các nghiên cứu trên động vật đã cho thấy nhịn ăn gián đoạn có thể bảo vệ não, tim, gan và thận trước tổn thương do thiếu máu cục bộ. Tuy nhiên, tiềm năng về lợi ích trị liệu của nhịn ăn gián đoạn ở bệnh nhân đột quỵ và nhồi máu cơ tim vẫn cần được kiểm chứng.

 

Xem tiếp: Một số nghiên cứu về nhịn ăn

Xem thêm: 7 chất cần bổ sung trong chế độ keto

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top