Những loại nước ép dành cho người bệnh đái tháo đường

Nước ép cà chua

Tác dụng

Người bệnh đái tháo đường thường có nguy cơ cao bị đông máu, dẫn tới nhiều biến chứng tim mạch nguy hiểm. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, uống 1 cốc nước ép cà chua mỗi ngày có thể giúp làm giảm nguy cơ này. Tuy nhiên, bạn nên đảm bảo mình uống nước ép cà chua nguyên chất, không cho thêm đường.

Cách pha chế

Cho cà chua vào máy xay, xay nhuyễn tới khi được hỗn hợp mịn, sau đó dùng rây lọc lấy phần nước ép và thưởng thức.

 

Nước ép mướp đắng

Tác dụng

Nước ép mướp đắng là một trong những thức uống tốt cho người bệnh đái tháo đường do mướp đắng có thể giúp điều hòa lượng đường huyết. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, mướp đắng có chứa nhiều hoạt chất có đặc tính chống đái tháo đường, một trong số đó là charantin - một chất có khả năng hạ đường huyết.

Ngoài ra, mướp đắng còn chứa polypeptide-p hoặc p-insulin, một hợp chất giống insulin có tác dụng kiểm soát bệnh đái tháo đường một cách tự nhiên.

Cách pha chế

- Lấy 1 quả mướp đắng, rửa sạch và ngâm trong nước muối khoảng 10 phút để làm sạch hoàn toàn.

- Mướp đắng đem cắt lát, xay nhuyễn cùng 1 chút nước cốt chanh và nước lọc.

- Hỗn hợp trên đem lọc qua rây, lấy nước ép là có thể uống được.

Lưu ý khi sử dụng

Nhiều người thích cho thêm mật ong để giảm vị đắng của mướp đắng. Tuy nhiên, người bệnh đái tháo đường nên tránh dùng quá nhiều mật ong vì chúng cũng có thể làm tăng đường huyết.

 

Nước ép rau chân vịt và táo

Tác dụng

Rau chân vịt rất giàu folate, chất xơ, vitamin A, B, C, E và K. Theo đó, chất xơ có thể giúp làm chậm quá trình tiêu hóa, giữ cho đường không được chuyển hóa quá nhanh và làm tăng đường huyết sau ăn. Táo (đặc biệt là táo xanh) có chứa nhiều acid malic có thể giúp làm hạ đường huyết.

Cách pha chế

- Rau chân vịt nhặt, rửa sạch.

- Quả táo rửa sạch, bổ thành miếng nhỏ, bỏ hạt.

- Cho rau chân vịt và táo vào máy xay, thêm chút nước và xay nhuyễn.

- Lọc hỗn hợp lấy phần nước ép và thưởng thức.

 

Hỗn hợp nước ép cần tây, rau bồ công anh

Tác dụng

Rau bồ công anh đã được chứng minh có khả năng chống đái tháo đường type 2. Trong khi đó, cần tây có khả năng hạ huyết áp, giúp chống viêm mạnh mẽ. Điều này sẽ giúp bảo vệ người bệnh đái tháo đường khỏi tình trạng viêm trong cơ thể, phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm trên mạch máu, hệ thần kinh…

Cách pha chế

- Nhặt và rửa sạch rau bồ công anh, cần tây.

- Táo và chanh rửa sạch, gọt vỏ.

- Cho các nguyên liệu vào máy xay, xay nhuyễn rồi lọc lấy nước uống.

 

Nước ép lựu

Tác dụng

Dù lựu là một loại quả có vị ngọt, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng đường trong quả lựu ít gây tăng đường huyết. Chưa kể, nước ép lựu cũng chứa nhiều chất chống oxy hóa, tốt cho người bệnh đái tháo đường trong việc kiểm soát và phòng ngừa biến chứng.

Cách pha chế

Bạn chỉ cần cho lựu và một chút nước vào máy xay, xay nhuyễn sau đó lọc lấy phần nước uống.

 

Nước ép cam tươi

Tác dụng

Người bệnh đái tháo đường không nên uống các loại nước ép cam đóng hộp vì chúng thường chứa nhiều đường. Tuy nhiên, bạn có thể tự pha nước ép cam tại nhà vì cam rất giàu chất xơ, các chất chống oxy hóa, đồng thời chỉ số chuyển hóa đường huyết (chỉ số GI) của cam cũng rất thấp.

Cách pha chế

Bạn chỉ cần vắt cam lấy nước, bỏ hạt. Người bệnh đái tháo đường nên uống nước ép cam nguyên chất, không thêm đường để tránh làm đường huyết tăng cao.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top