Có một số nghiên cứu cho thấy tác dụng này của vitamin C, nhưng nhìn chung bằng chứng cho thấy vitamin C có thể ngăn ngừa cảm lạnh là rất yếu.
Ví dụ, một đánh giá tổng quan của Cochrane năm 2013 đi sâu vào các bằng chứng hiện có. Mục tiêu của các tác giả là “tìm hiểu xem liệu vitamin C có làm giảm tỷ lệ mắc, thời gian hoặc mức độ nghiêm trọng của cảm lạnh thông thường khi được sử dụng như một chất bổ sung thường xuyên liên tục mỗi ngày hoặc như một liệu pháp khi bắt đầu các triệu chứng cảm lạnh hay không”.
Các nhà khoa học phát hiện ra rằng việc bổ sung vitamin C không ngăn ngừa được cảm lạnh thông thường ở người nói chung. Tuy nhiên, họ đã kết luận rằng vitamin C làm giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và thời gian của cảm lạnh. Họ cũng kết luận rằng vitamin C "có thể hữu ích cho những người có các hoạt động vận động mạnh trong thời gian ngắn", chẳng hạn như vận động viên chạy marathon.
Các nhà khoa học đã thực hiện một số lượng lớn các nghiên cứu để điều tra xem liệu vitamin D có thể giúp giảm hoặc điều trị ung thư hay không. Mặc dù có rất nhiều nghiên cứu, tuy nhiên vẫn chưa có “sự đồng thuận về việc liệu vitamin D có tác dụng chống ung thư có lợi hay không”.
Vào năm 2018, một nghiên cứu ngẫu nhiên có đối chứng với nhóm giả dược bao gồm 25.871 người tham gia đã điều tra về chất bổ sung vitamin D và nguy cơ ung thư. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng việc bổ sung vitamin D “không giúp tỷ lệ mắc các biến chứng về tim mạch hoặc ung thư xâm lấn thấp hơn so với nhóm giả dược”.
Trong những năm gần đây, rất nhiều các sản phẩm được cho là cải thiện sức khỏe đường ruột và vô số các tình trạng sức khỏe khác đã xuất hiện một cách chóng mặt, đặc biệt là sự lên ngôi của men vi sinh và prebiotics.
Probiotics là thực phẩm hoặc chất bổ sung có chứa vi sinh vật, trong khi prebiotics là thực phẩm hoặc chất bổ sung có chứa các hợp chất được thiết kế để giúp tăng cường sự phát triển của vi khuẩn đường ruột.
Vi khuẩn đường ruột rất quan trọng để có một sức khỏe tốt. Hiện nay, khoa học về hệ vi sinh vật vẫn còn tương đối non trẻ nhưng rất nhiều bằng chứng cho thấy vấn đề này có liên quan đến các tình trạng khác nhau như tăng huyết áp, tiểu đường và trầm cảm. Hiện vẫn còn những khoảng cách lớn trong hiểu biết của chúng ta về mối quan hệ giữa hệ vi sinh vật và sức khỏe tổng thể.
Các nhà khoa học đã chứng minh rằng men vi sinh có thể giúp giải quyết một số vấn đề về sức khỏe như giảm tiêu chảy liên quan đến việc dùng một số loại thuốc kháng sinh và làm dịu các triệu chứng nhất định của hội chứng ruột kích thích (IBS). Tuy nhiên, bên ngoài một số điều kiện cụ thể, có rất ít bằng chứng cho thấy probiotics hoặc prebiotics có thể có lợi cho sức khỏe.
Tất nhiên, điều này có thể thay đổi khi các nhà khoa học tiến hành nhiều nghiên cứu hơn. Tuy nhiên, hiện tại hoạt động tiếp thị thúc đẩy việc bán probiotics và prebiotics, sử dụng các thuật ngữ mơ hồ như “sức khỏe đường ruột” và “sức khỏe tiêu hóa”.
Theo Trung tâm Quốc gia về Sức khỏe Bổ sung và Tích hợp Hoa Kỳ (NCCIH):
“Trong hầu hết các trường hợp, chúng tôi vẫn chưa xác định được loại men vi sinh nào hữu ích và loại nào không. Chúng tôi cũng không biết một người sẽ phải dùng bao nhiêu probiotic hoặc đối tượng nào có nhiều khả năng được hưởng lợi nhất. Ngay cả đối với những điều kiện đã được nghiên cứu nhiều nhất, các nhà khoa học vẫn cần thực hiện nhiều nghiên cứu nữa để tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi này ”.
Quá trình oxy hóa là một phản ứng hóa học xảy ra như một phần của nhiều quá trình trong cơ thể con người. Quá trình oxy hóa tạo ra các gốc tự do – có phản ứng hóa học cao và có thể làm tổn thương tế bào và các thành phần của chúng.
Chất chống oxy hóa là các hợp chất ngăn chặn quá trình oxy hóa bao gồm vitamin C, vitamin E, selen và carotenoid, chẳng hạn như beta carotene.
Nói chung, trái cây và rau quả rất giàu chất chống oxy hóa. Vì những thực phẩm này rất cần thiết đối với sức khỏe, vì vậy có vẻ như một giả định rằng chất chống oxy hóa là một trong những lý do tại sao chúng rất tốt cho chúng ta.
Tuy nhiên, điều này không nhất thiết phải đúng như NCCIH giải thích:
“Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người ăn nhiều rau và trái cây có nguy cơ mắc một số bệnh thấp hơn; tuy nhiên, không rõ liệu những kết quả này có liên quan đến lượng chất chống oxy hóa trong rau và trái cây, do các thành phần khác của những thực phẩm, do các yếu tố khác trong chế độ ăn của mọi người hay với các lựa chọn lối sống khác hay không.
NCCIH cũng lưu ý rằng các nghiên cứu lớn đã xem xét liệu chất bổ sung chất chống oxy hóa có thể giúp ngăn ngừa các bệnh mãn tính, bao gồm ung thư, bệnh tim mạch và đục thủy tinh thể hay không, nhưng “hầu hết các trường hợp, chất chống oxy hóa không làm giảm nguy cơ phát triển các bệnh này”.
Ngoài một chế độ ăn uống lành mạnh, chúng ta nghe có vẻ hợp lý khi bổ sung chất chống oxy hóa có thể làm giảm quá trình oxy hóa hơn nữa và do đó, giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong. Tuy nhiên, đối với hầu hết mọi thứ trong khoa học y tế, sự thật phức tạp hơn một chút.
Có một số bằng chứng cho thấy việc bổ sung chất chống oxy hóa có thể làm giảm tuổi thọ. Để điều tra vấn đề này, Cochrane đã tiến hành một cuộc đánh giá lớn. Họ kết hợp kết quả của 78 thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, bao gồm tổng cộng 296.707 người tham gia.
Khi các nhà nghiên cứu chỉ phân tích các nghiên cứu có nguy cơ sai lệch thấp nhất, những người tham gia bổ sung chất chống oxy hóa có nguy cơ tử vong cao gấp 1,04 lần so với những người không dùng thực phẩm bổ sung hoặc dùng giả dược.
Nhìn chung, nhóm Cochrane kết luận rằng “Bằng chứng hiện tại không ủng hộ việc sử dụng các chất bổ sung chống oxy hóa trong dân số nói chung hoặc ở những người mắc các bệnh khác nhau."
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh