Dưới đây là những thực phẩm bạn nên tránh để ngăn ngừa tiêu chảy trong ngày Tết:
Những người mắc phải chứng không dung nạp lactose có thể bị tiêu chảy sau khi uống sữa, sử dụng các sản phẩm chế biến từ sữa. Chứng không dung nạp lactose là tình trạng cơ thể không có đủ lactase, một enzyme trong ruột non có khả năng hấp thụ đường lactose có trong sữa và các sản phẩm từ sữa. Đường lactose không phân hủy được sẽ di chuyển xuống ruột già, các vi khuẩn sẽ phân hủy lactose thành chất lỏng và khí gây ra triệu chứng đầy hơi, tiêu chảy.
Các chất thay thế đường, bao gồm sorbitol, mannitol, xylitol và erythritol thường được sử dụng để làm ngọt trong các loại thực phẩm dán nhãn “không thêm đường”. Trên thực tế, các chất thay thế đường này không được hấp thụ tốt và có thể gây tiêu chảy ở một số người, đặc biệt nếu bổ sung với số lượng lớn.
Chất ngọt nhân tạo được tìm thấy nhiều ở sản phẩm không đường bao gồm kẹo cao su, thuốc ho, đồ uống thể thao, mứt,…
Những loại gia vị cay nóng có thể gây kích ứng màng lót dạ dày khi tiêu hóa chúng. Tình trạng này gây chứng đầy hơi, chướng, nóng bụng và trong rất nhiều trường hợp sẽ gây tiêu chảy.
FODMAP là viết tắt của một nhóm carbohydrate bao gồm: Oligosaccharide, disaccharide, monosaccharide và polyol có thể lên men. Trong chế độ dinh dưỡng của người phương Tây, thực phẩm thuộc nhóm FODMAP khá phổ biến. Nghiên cứu cho thấy, thực phẩm có hàm lượng FODMAP cao có thể gây tiêu chảy.
Có một số loại FODMAP đã được đề cập ở trên, như fructose, lactose và chất thay thế đường. Danh sách thực phẩm có hàm lượng FODMAP rất phong phú: Atisô, đậu, tỏi, hành, các loại đậu, trái cây,... Chế độ ăn ít FODMAP có thể là một thử thách khó thực hiện do một số lượng lớn thực phẩm bị hạn chế. Nếu bạn nghĩ rằng thực phẩm chứa FODMAP là nguyên nhân gây tiêu chảy, hãy tham khảo ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng.
Thực phẩm chiên rán, chứa nhiều chất béo gây hại cho dạ dày, dẫn đến trào ngược acid và ợ nóng. Thức ăn chứa nhiều chất béo cũng có thể dẫn đến phân nhạt màu - chứng phân mỡ, về cơ bản là chất béo thừa trong phân.
Rất nhiều người bị hội chứng ruột kích thích cần phải tránh xa các thực phẩm chứa chất béo, bao gồm cả bơ và kem vì chúng có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa như tiêu chảy.
Rượu, bia là những loại thức uống gây kích thích và rối loạn cho hệ tiêu hóa. Hàm lượng cồn trong rượu, bia sẽ khiến ruột hoạt động co bóp nhanh hơn. Từ đó, chúng cản trở việc chuyển hóa và hấp thu nước từ thức ăn, gây tiêu chảy.
Ngoài ra, lượng chất carbohydrate có trong những loại thức uống này sẽ tạo nên quá trình lên men trong đường ruột và dẫn đến triệu chứng đi ngoài phân lỏng. Trong những trường hợp này, bạn nên bổ sung thêm nước cho cơ thể để tránh tình trạng mất nước.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh