Sôcôla tốt cho người tiểu đường

Nội dung

Tiểu đường là một bệnh mạn tính được đặc trưng bởi lượng đường cao trong máu. Insulin – hormone tiết ra bởi tuyến tụy sẽ được sử dụng để chuyển glucose (đường) trong máu vào các tế bào để đốt cháy thành năng lượng. Khi bạn bị tiểu đường, cơ thể bạn sẽ sản xuất ra quá ít insulin, thậm chí là không sản xuất ra insulin hoặc không sử dụng insulin đúng cách. Tình trạng này dẫn đến việc tăng đường máu (tăng glucose trong máu) và có thể dẫn đến tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, suy giảm thị lực, tổn thương thận và bệnh động mạch ngoại vi.

Nhưng tin tốt là, sôcôla, đặc biệt là sôcôla đen đã được chứng minh là có thể cải thiện mức độ nhạy cảm insulin và làm giảm tình trạng kháng insulin. Một nghiên cứu xuất bản năm 2005 trên tạp chí American Journal of Clinical Nutrition chỉ ra rằng, sôcôla đen có thể cải thiện sự nhạy cảm insulin ở những người khỏe mạnh. Tình trạng kháng insulin sẽ khiến việc hấp thu glucose vào tế bào trở nên khó khăn hơn, do đó, khiến đường máu tăng cao. Vì vậy, cải thiện sự nhạy cảm insulin có thể giúp dự phòng bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, cần có thêm nhiều nghiên cứu nữa trên phạm vi lớn hơn để khẳng định kết quả nghiên cứu này.

 

 

Trong một nghiên cứu khác trên tạp chí Hypertension vào năm 2010, sôcôla đen đã được chứng minh là có thể làm giảm huyết áp – tình trạng bệnh ảnh hưởng đến khoảng 67% số người trưởng thành bị tiểu đường tại Mỹ. Tác giả nghiên cứu cho rằng, flavonoid có trong sôcôla đen có thể có tác dụng trong cả việc dự phòng và kiểm soát tăng huyết áp nếu được sử dụng với một lượng vừa phải. Ngoài ra, một tổng hợp 21 nghiên cứu tại một cuộc hội thảo của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ vào năm 2011 đã cho thấy, sôcôla đen có thể cải thiện chức năng mạch máu và lượng cholesterol tốt, cũng như giảm lượng cholesterol xấu trong cơ thể. Tác giả bài tổng hợp này nói rằng, những lợi ích này có thể sẽ giúp dự phòng được bệnh tiểu đường.

 

Tại sao lại như vậy?

Sôcôla đen rất giàu polyphenol, một hợp chất có nguồn gốc từ thực vật, hoạt động như một chất chống oxy hóa và có thể giúp dự phòng bệnh tim mạch và làm giảm lượng đường huyết. Flavanoid được nhắc đến trong các nghiên cứu trên chính là một nhóm nhỏ trong polyphenol. Ngoài tác dụng rất lớn lên việc giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, flavonoid còn được chứng minh có nhiều tác dụng khác như ngăn chặn ung thư và một số bệnh liên quan đến tình trạng viêm, cải thiện chức năng miễn dịch, giảm tiêu chảy.

Ngoài ra, sôcôla đen cũng không khiến đường huyết của bạn tăng vọt như nhiều loại đồ ăn vặt khác. Sôcôla đen, theo dữ liệu về chỉ số GI của trường đại học Sydney, có chỉ số GI là 23 và được xếp vào nhóm thực phẩm có chỉ số đường huyết rất thấp, thấp hơn nhiều so với một số loại trái cây (táo có chỉ số GI là 40 và chuối có chỉ số GI là 45). Kể cả sôcôla sữa cũng chỉ có chỉ số GI trong khoảng từ 34-49, vẫn thuộc nhóm GI thấp. Chỉ số đường huyết – glycemic index (hay GI) là một chỉ số dinh dưỡng có thể dùng để đánh giá chất lượng carbohydrate mà bạn ăn vào. Chỉ số này sẽ đo lường xem lượng carbohydrate trong một loại thực phẩm nhất định ảnh hưởng nhanh hay chậm đến lượng đường huyết trong cơ thể bạn, so sánh với glucose hoặc bánh mỳ trắng (là những loại thực phẩm được coi là có chỉ số GI là 100). Những thực phẩm có chỉ số GI dưới 55 được cho là sẽ không ảnh hưởng nhiều đến đường huyết hoặc chỉ làm tăng nhẹ đường huyết trong khi những thực phẩm có chỉ số GI trên 70 được coi là sẽ khiến đường huyết tăng vọt sau khi ăn.

 

 

Những điều phải cân nhắc

Khi bạn bị tiểu đường, thì việc ăn uống là một bài toán khó cần phải được tính toán rất kỹ. Kiểm soát khẩu phần chính là chìa khóa trong chế độ ăn của người bệnh tiểu đường, đặc biệt là với những món đồ ăn như sôcôla. Khi coi sôcôla đen là một loại thực phẩm có lợi, bạn rất dễ mắc phải sai lầm là ăn nhiều hơn lượng khuyến nghị. Mặc dù sôcôla đen có thể có lợi ích cho bệnh tiểu đường, nhưng ăn quá nhiều sôcôla đen có thể khiến bạn bị tăng cân- yếu tố nguy cơ sô 1 của bệnh tiểu đường typ 2. Sôcôla đen có chứa chất béo bão hòa và có thể làm tăng lượng cholesterol trong máu. Thêm một thanh sôcôla đen vào trong chế độ ăn mỗi ngày mà không giảm bớt lượng một loại thực phẩm khác sẽ khiến bạn nạp thêm 200 calo/ngày, 1400 calo/tuần. Trong một năm, bạn có thể tăng lên hơn 9kg bởi cứ 3.500 calo thừa sẽ khiến bạn tăng khoảng 0.5kg.

Bạn cũng nên ghi chép lại lượng carbohydrate bạn ăn hàng ngày để có thể kiểm soát được lượng đường huyết trong máu. Đa số lượng carbohydrate mà người bệnh tiểu đường nên ăn nên là carbohydrate tổng hợp, vì loại carbohydrate này có thể cân bằng được lượng đường huyết của bạn. Lượng đường có trong mỗi loại sôcôla sẽ khác nhau, 1 ounce sôcôla sữa (tương đương khoảng 30g) chứa 15g đường, 14.8 g đường với 1 ounce sôcôla trắng và khoảng 12.5g đường trên 1 ounce sôcôla đen. Bạn cũng đừng quên kiểm tra lượng đường huyết của mình trước và sau khi tiêu thụ sôcôla đen, cũng như các loại thực phẩm khác, để có thể biết được chính xác sôcôla đen tác dụng lên đường huyết của bản thân là như thế nào để có thể ăn với lượng phù hợp.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top