Tác dụng chữa bệnh của các 'cây nhuộm màu thực phẩm'

Nội dung

Lá diễn

Cây lá diễn có nhiều ở vùng phía Bắc nước ta. Lá diễn cho chất màu để nhuộm thực phẩm như xôi nếp.

Trong y học cổ truyền, cây lá diễn được dùng chữa ho, ho nhiều đờm, ho ra máu, nôn ra máu, vết thương sưng tím bầm. Ngày dùng 30 - 60g cây tươi hoặc 15 - 30g cây khô, sắc nước uống. Dùng ngoài với liều thích hợp, vò nát đắp tại chỗ.

 

Lá dong

Lá dong được trồng ở khắp nơi, được dùng chủ yếu để gói bánh chưng. Bánh được gói lá dong, sau khi luộc có màu xanh lá cây nhạt và có một mùi thơm đặc biệt rất dễ chịu.

Trong y học cổ truyền, lá dong non được dùng làm thuốc giải độc, chữa say rượu, rắn cắn. Liều dùng: 100 - 200g lá tươi giã nát, vắt lấy nước uống, bã đắp.

 

Gấc

Quả gấc khi chín có màu đỏ đẹp. Khi nấu xôi gấc, bổ quả gấc lấy hạt với cả màng màu đỏ trộn đều với gạo nếp. Khi đồ chín, xôi gấc có màu đỏ đẹp.

Bộ phận dùng làm thuốc là dầu gấc được ép từ màng hạt, hạt đã bóc bỏ áo hạt và rễ thu hái vào mùa đông. Dầu gấc có hàm lượng beta-caroten (tiền vitamin A) rất cao. Dầu gấc được dùng trong những trường hợp cơ thể cần vitamin A như là trẻ con chậm lớn, phụ nữ mang thai, cho con bú, bệnh khô mắt, quáng gà, người kém ăn mệt mỏi. Dùng ngoài, bôi vào vết thương, vết bỏng làm mau lên da non, chóng lành.

Dầu gấc dùng kèm với một số thuốc kháng khuẩn đặc hiệu chữa bệnh trứng cá nang có nhân. Dầu gấc nhuận tràng dùng thích hợp cho người táo bón. Hạt gấc được dùng theo kinh nghiệm nhân dân chữa mụn nhọt, sưng vú, tắc tia sữa, trĩ, lòi dom, chủ yếu dùng ngoài. Rễ gấc chữa tê thấp, sưng chân, phù với liều 4g mỗi ngày.

 

Điều nhuộm

Điều nhuộm được trồng ở một số nước châu Á và ở Việt Nam chủ yếu để lấy chất màu đỏ trong quả làm chất màu nhuộm thực phẩm, xôi, bánh kẹo. Hạt điều nhuộm chứa thành phần chính là carotenoid.

Theo kinh nghiệm dân gian, lá điều nhuộm (20 - 30g) để tươi hoặc sao khô, sắc nước uống chữa cảm, sốt nóng, sốt rét, kiết lỵ, rắn cắn; kết hợp với việc dùng nước tắm nấu từ lá. Cơm quả điều nhuộm được dùng chữa kiết lỵ, táo bón.

 

Nghệ

Thành phần chính trong thân rễ nghệ là curcumin. Người ta dùng thân rễ nghệ giã nhỏ hoặc curcumin để nhuộm vàng thực phẩm.

Trong y học cổ truyền, thân rễ nghệ được dùng chữa kinh nguyệt không đều, bế kinh, ứ máu, vùng ngực bụng trướng đau tức, đau liên sườn dưới, khó thở, sau khi đẻ máu xấu không ra... Ngày dùng 2 - 6g dưới dạng bột hoặc thuốc sắc.

Dùng ngoài, nghệ tươi giã nhỏ, vắt lấy nước để bôi chữa vết thương lâu lên da, ung nhọt, viêm tấy lở loét ngoài da, bôi lên các mụn nhọt mới khỏi để đỡ sẹo. Kiêng kỵ: phụ nữ có thai không nên dùng.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top