Carbohydrate hay carb là một trong 3 thành phần dinh dưỡng chính có trong thức ăn của con người, cùng với protein (chất đạm) và lipid (chất béo). Cơ thể coi carbohydrate là một trong những nguồn năng lượng chính cho hoạt động của cơ bắp.
Có 3 dạng carbohydrate phổ biến gồm:
Đường: Đường là dạng carbohydrate đơn giản nhất. Đường tự nhiên có trong trái cây, rau, sữa và các sản phẩm từ sữa. Ngoài ra, đường là phụ gia không thể thiếu trong vô vàn thực phẩm đóng gói sẵn, đồ uống khác.
Tinh bột: Tinh bột là carbohydrate phức tạp, có trong một số loại rau củ (cà rốt, khoai…), ngũ cốc, các hạt họ đậu.
Chất xơ: Đây cũng là carbohydrate phức tạp, xuất hiện tự nhiên trong trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu.
Như vậy, khi thực hiện chế độ ăn low-carb, bạn sẽ phải hạn chế ăn khá nhiều thực phẩm trong các nhóm trên. Các chế độ ăn low-carb phổ biến như Keto, Atkins… đều yêu cầu bạn nạp vào không quá 130gr carbohydrate mỗi ngày. Thậm chí, lượng carb trong thực phẩm không được chiếm quá 5-10% tổng lượng calorie nạp vào.
Táo bón
Bất cứ thay đổi đột ngột nào trong chế độ ăn uống cũng ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa của bạn. Táo bón là triệu chứng khá phổ biến ở những người thực hiện chế độ low-carb như Keto.
Nguyên nhân chính là do chế độ low-carb đòi hỏi bạn cắt giảm những thực phẩm giàu tinh bột như đậu, ngũ cốc. Trong khi đây là nguồn chất xơ dồi dào, cần thiết cho nhu động ruột và hệ tiêu hóa.
Tình trạng này sẽ tự cải thiện khi cơ thể bạn thích ứng với chế độ ăn. Lời khuyên dành cho người ăn kiêng low-carb là hãy uống nhiều nước; Ăn nhiều rau lá xanh, hạt hạch, hạt chia…
Mệt mỏi
Carbohydrate là nguồn năng lượng mà cơ thể ưa thích sử dụng. Do đó, khi mới bắt đầu chế độ ăn low-carb, cơ thể sẽ dễ trở nên mệt mỏi, uể oải. Hãy cân đối hợp lý khẩu phần ăn để có đủ năng lượng hoạt động, làm việc hàng ngày.
Đau đầu
Với những người “hảo ngọt”, việc cắt giảm đột ngột những thực phẩm giàu carb như bánh ngọt có thể dẫn tới tình trạng đau đầu.
Đường có thể giải phóng các chất dẫn truyền thần kinh có khả năng gây nghiện như dopamine trong não. Khi đột ngột giảm lượng đường nạp vào cơ thể, não sẽ “thèm” dopamine, dẫn đến các triệu chứng khó chịu như đau đầu, chóng mặt và dễ cáu gắt.
Chuột rút
Nhiều người giảm lượng carb trong chế độ ăn bằng cách kiêng trái cây có vị ngọt hoặc ngũ cốc. Trong khi đó, đây là nguồn thực phẩm cung cấp vi chất quan trọng như kali, magne, natri… Việc thiếu hụt các chất điện giải trên sẽ gây ra tình trạng chuột rút cơ bắp.
Hôi miệng
Không ít người thực hiện chế độ ăn low-carb gặp phải tình trạng hơi thở có mùi, có vị lạ trong miệng. Nguyên nhân là khi bạn cắt giảm tinh bột, cơ thể sẽ sử dụng chất béo làm nguồn năng lượng chính.
Các acid béo sau đó được chuyển đổi thành ketone, sau đó được giải phóng khỏi cơ thể thông qua hơi thở ra và nước tiểu. Nhiều người mô tả ketone có mùi hắc như nước tẩy sơn móng tay. Bạn nên uống nhiều nước để thúc đẩy quá trình đào thải ketone qua đường tiểu.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh