Khái niệm: Polyp túi mật là một tổn thương dạng u hoặc giả u phát triển trên bề mặt niêm mạc túi mật do đó còn gọi là u nhú niêm mạc tuyến túi mật.
Polyp túi mật gặp ở mọi lứa tuổi, giới tính tuy nhiên với người trưởng thành có nguy cơ mắc cao hơn so với trẻ em.
Bản chất khác nhau trong hình thái tổ chức u nhú mà polyp túi mật có thể là lành tính hoặc không lành tính. Theo khảo sát, 92% các trường hợp polyp đều lành tính. Trong đó gồm có hai loại u tuyến là u cơ (adenoma, leiomyoma) và u mỡ ( lipoma). Và 8% còn lại là polyp túi mật ác tính gồm có ung thư tuyến (adenocarcinoma), u hắc tố (melanoma), di căn ung thư… Với những bệnh nhận trên 50 tuổi, Polyp túi mật sẽ có nguy cơ ác tính cao hơn.
Polyp phát triển nhanh về số lượng, kích thước sau vài tháng có hình thái bất thường: chân lan rộng, hình dáng xù xì. Polyp túi mật mắc kèm với sỏi mật và đa polyp.
– Hình dạng: Polyp với hình dạng có cuống và không có cuống. Nguy cơ ác tính có khả năng bị mắc cao hơn ở các polyps không có cuống
– Số lượng: Polyp ác tính thường hình thành đơn lẻ, các polyp lành tính hầu hết là đa polyp. Tuy nhiên, nhận định đưa ra là chủ quan.
Các polyp túi mật thường không có biểu hiện triệu chứng cụ thể như những căn bệnh khác. Chúng chỉ được phát hiện tình cờ khi đi khám sức khỏe định kỳ hay khám vì nghi ngờ bản thân mắc một căn bệnh nào đó.
Đồng thời ít có triệu chứng cấp tính ở polyp túi mật như sỏi mật hoặc viêm đường mật. (Không có các biểu hiện như đau, sốt, vàng da).
Polyp túi mật, sỏi đường mật, sỏi túi mật mạn tính hay các bệnh lý về dạ dày – tá tràng có các triệu chứng khá giống nhau. Khoảng 6 – 7% bệnh nhân polyp túi mật có biểu hiện triệu chứng. Đó là:
– Các triệu chứng có thể gặp nhất là đau tức dưới sườn phải hay đau khoảng trên rốn
– Có trường hợp biểu hiện buồn nôn, nôn ói, ăn chậm tiêu và co cứng nhẹ vùng dưới sườn phải. Biểu hiện càng rõ hơn khi ăn thức ăn chiên xào, nhiều dầu mỡ.
– Người bệnh sẽ cảm thấy cơ thể mệt mỏi, chán ăn và thường xuyên đau bụng hơn. Đặc biệt khi polyp tăng kích thước, chiếm vị trí lớn trong túi mật.
Vì khó xác định triệu chứng, polyp túi mật thường được chẩn đoán chính xác qua:
– Siêu âm: Đây là phương pháp được dùng để chẩn đoán hầu hết các căn bệnh. Siêu âm giúp xác định được polyp túi mật nằm ở vị trí nào, kích thước và hình dạng là đơn hay đa. Từ đó theo dõi tiến triển để đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.
– Chụp CT bụng: CT có bơm thuốc cản quang giúp chẩn đoán chính xác gần 90% trong các trường hợp polyp to có nguy có ác tính.
– Chụp cộng hưởng từ (MRI): Phương pháp chẩn đoán này được chỉ định khi tổn thương polyp nghi ngờ ác tính.
Polyp túi mật 95% có bản chất lành tính (không ung thư). Do vậy người bệnh không cần đến sự can thiệp điều trị cắt bỏ túi mật và hoàn toàn có thể chung sống hòa bình với polyp túi mật.
Tuy vậy, người bệnh cần đi khám bệnh theo định kỳ để theo dõi tình trạng của polyp. Tiến triển về kích thước ra sao, chân lan rộng tới mức độ nào. Từ đó tuân thủ chỉ định của bác sĩ có nên cắt bỏ hay không, bởi vì nếu không loại bỏ có thể thành u ác tính (ung thư).
Việc phẫu thuật cắt polyp hay không phụ thuộc vào kích thước polyp. Với những polyp kích thước lớn hơn 10mm, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật cắt bỏ túi mật để ngăn ngừa nguy cơ ung thư.
– Polyp lành tính là những u có kích thước nhỏ hơn hoặc bằng 10mm. Loại polyp này không cần tiến hành phẫu thuật. Người bệnh hoàn toàn có thể sống chung với polyp an toàn và chỉ cần theo dõi định kỳ. Theo dõi sẽ qua siêu âm để quan sát kích thước polyp và hình dạng polyp phát triển tới mức độ nào.
– Polyp lành tính nhưng có thể chuyển thành ác tính. Đó là khi kích thước hạt u lớn hơn 10mm, tăng mạnh về kích thước, có các biểu hiện bất thường.
– Đường kính polyp lên tới 20 mm hoặc hơn sẽ gây kích ứng hoặc có nguy cơ ác tính cao. Thường có chỉ định phẫu thuật.
Các căn bệnh về đường ruột và trong ổ bụng chủ yếu do thói quen ăn uống không đúng khoa học, áp lực tinh thần trong công việc hay trong cuộc sống. Do đó cần xây dựng một lối sống lành mạnh, cần nhận định những thực phẩm nên ăn và nên tránh:
Các thực phẩm nên ăn:
– Hoa quả tươi chứa vitamin (B, C, D, E) và khoáng chất giúp tăng cường sức khỏe gan mật, tránh những nguy cơ hình thành và phát triển polyp.
– Thực phẩm giàu chất xơ có ở rau xanh, củ quả giúp hạn chế sự hấp thu chất béo ở ruột, ngăn ngừa các triệu chứng như khó tiêu, chướng bụng, đầy hơi.
– Hình thành thói quen sử dụng chất béo có nguồn gốc thực vật như dầu oliu, hạnh nhân, hướng dương hay bơ để chiên rán thay thế cho mỡ động.
Thực phẩm nên tránh:
– Chất béo bão hòa có trong mỡ động vật, đồ ăn vặt, thức ăn chiên xào, rán.
– Thực phẩm có hàm lượng cholesterol cao như lòng đỏ trứng, nội tạng động vật, pho mai…
– Các món ăn tinh bột đã tinh chế, đồ uống nhiều đường hóa học.
Để có những chẩn đoán chính xác về Polyp túi mật, cần tiến hành siêu âm định kỳ. Polyp sẽ được phát hiện và điều trị bệnh ngay từ ban đầu. Từ đó việc xác định phương án điều trị cũng đơn giản và hiệu quả hơn nhiều.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh