✴️ Thực phẩm chức năng trong phòng bệnh và tăng cường sức khỏe

Nội dung

Câu nói nổi tiếng: “Làm sao để thuốc là thực phẩm và thực phẩm cũng là thuốc” mà Hippocrates đưa ra gần 2.500 năm trước đang nhận được sự quan tâm trở lại. Đặc biệt là sự bùng nổ quan tâm của người tiêu dùng đối với vai trò tăng cường sức khỏe của các loại thực phẩm đặc biệt hoặc các thành phần thực phẩm có hoạt tính sinh học được gọi là thực phẩm chức năng (Hasler, 1998). Rõ ràng là tất cả các loại thực phẩm đều có chức năng như cung cấp hương vị hoặc giá trị dinh dưỡng. Tuy nhiên trong vòng một thập kỷ qua, thuật ngữ chức năng được áp dụng vào thực phẩm theo một nghĩa rộng khác, đó là cung cấp một lợi ích sinh học bổ sung ngoài việc đáp ứng các nhu cầu dinh dưỡng cơ bản.

 

Định nghĩa thực phẩm chức năng

Thuật ngữ thực phẩm chức năng lần đầu tiên được giới thiệu tại Nhật Bản vào giữa những năm 1980 và đề cập đến các loại thực phẩm chế biến có chứa các thành phần hỗ trợ chức năng cơ thể nhất định ngoài các giá trị dinh dưỡng. Cho đến nay, Nhật Bản là quốc gia duy nhất đã xây dựng một quy trình phê duyệt quy định cụ thể đối với các loại thực phẩm chức năng. Được biết đến như là “Thực phẩm cho điều kiện sức khoẻ đặc biệt” (FOSHU), những thực phẩm này có đủ điều kiện để mang con dấu chấp thuận của Bộ Y tế và Phúc lợi Nhật Bản (Arai, 1996). Hiện nay tại Nhật Bản 100 sản phẩm được cấp phép là thực phẩm FOSHU. Tại Hoa Kỳ, các loại thực phẩm chức năng không được công nhận về mặt pháp lý. Bất chấp điều đó, nhiều tổ chức vẫn đề xuất định nghĩa cho lĩnh vực thực phẩm và dinh dưỡng mới và đang nổi lên này. Hội đồng Dinh dưỡng và Thực phẩm của Viện Y học (IOM / FNB, 1994) định nghĩa thực phẩm chức năng là “bất kỳ thực phẩm hoặc thành phần thực phẩm cung cấp các lợi ích cho sức khoẻ ngoài các lợi ích dinh dưỡng cơ bản”.

Các thế hệ sinh ra trong thời kỳ bùng nổ dân số với nhận thức về sức khỏe đã làm thực phẩm chức năng trở thành xu hướng hàng đầu trong ngành công nghiệp thực phẩm của Mỹ (Meyer, 1998). Tuy nhiên việc đánh giá tầm quan trọng của thị trường này thay đổi đáng kể do không có sự thống nhất về thành phần cấu thành thực phẩm chức năng. Công ty Decision Resources (Waltham, 1998) ước tính giá trị thị trường của thực phẩm chức năng là 28,9 tỉ USD. Có lẽ ý nghĩa hơn cả là tiềm năng của thực phẩm chức năng để giảm bệnh tật, tăng cường sức khỏe và giảm chi phí chăm sóc sức khỏe.

Thực phẩm chức năng có nguồn gốc thực vật

Có rất nhiều bằng chứng từ dữ liệu thử nghiệm dịch tễ, in vivo, in vitro và thử nghiệm lâm sàng chỉ ra rằng, một chế độ dinh dưỡng dựa vào thực vật có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh mãn tính, đặc biệt là ung thư. Vào năm 1992 một đánh giá từ 200 nghiên cứu dịch tễ (Block cùng đồng sự, 1992) chỉ ra rằng nguy cơ ung thư ở những người áp dụng chế độ ăn nhiều trái cây và rau quả là chỉ bằng một nửa so với những người tiêu thụ ít loại thực phẩm này. Rõ ràng rằng có những thành phần trong chế độ ăn dựa vào thực vật, ngoài các dưỡng chất truyền thống, có thể làm giảm nguy cơ ung thư. Steinmetz và Potter (1991a) đã xác định được hơn một tá nhóm hóa chất thực vật có hoạt tính sinh học mà ngày nay được gọi là “các hóa chất thực vật (phytochemical).”

Luật Giáo dục và Dán nhãn hàng dinh dưỡng (NLEA) năm 1990 (NLEA) giúp các chuyên gia y tế dần dần nhận ra vai trò của các hóa chất thực vật  trong việc nâng cao sức khỏe (ADA, 1995; Howard và Kritcheveky, 1997). Luật NLEA đã yêu cầu dán nhãn dinh dưỡng cho hầu hết các loại thực phẩm và cho phép các thông điệp liên quan đến bệnh tật hoặc sức khỏe trên nhãn thực phẩm.

Yến mạch

Các sản phẩm từ yến mạch đã được nghiên cứu là một nguồn dinh dưỡng giàu chất xơ hòa tan beta-glucan có tác dụng làm giảm cholesterol. Hiện nay có nhiều nghiên cứu khoa học quan trọng tán thành việc tiêu thụ thức ăn thực vật đặc biệt này có thể làm giảm cholesterol tổng và cholesterol lipoprotein mật độ thấp (LDL), do đó làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành (CHD).  Để phản hồi kiến nghị của Công ty Quaker Oats (Chicago, Ill.) về việc này, tháng giêng năm 1997 Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) đã đưa ra công bố sức khỏe đầu tiên nhờ vào thực phẩm (DHHS / FDA, 1997).

Trong kiến nghị công bố sức khỏe của mình, Công ty Quaker Oats đã tóm tắt 37 thử nghiệm lâm sàng trên người được tiến hành giữa những năm 1980 và 1995. Phần lớn những nghiên cứu thống kê cho thấy sự giảm đáng kể cholesterol tổng và cholesterol LDL trên các đối tượng mắc bệnh dư cholesterol huyết (hypercholesterolemia) khi tiêu thụ một trong hai chế độ ăn: chế độ điển hình của Mỹ hoặc chế độ ít chất béo. Lượng cám hoặc bột yến mạch tiêu thụ hàng ngày trong các nghiên cứu trên dao động từ 34 g đến 123 g. Quaker Oats xác định rằng cần 3 g beta-glucan (tương đương với khoảng 60 g bột yến mạch hoặc 40 g cám yến mạch (trọng lượng khô)) để giảm được 5% cholesterol trong máu. Như vậy, một thực phẩm muốn được ghi nhãn với công bố sức khỏe thì cần phải chứa 13 g cám yến mạch hoặc 20 g bột yến mạch và cung cấp ít nhất là 1,0 g beta-glucan/một khẩu phần mà không cần bổ sung vi chất. Vào tháng hai năm 1998, công bố sức khỏe về chất xơ hòa tan đã được mở rộng thêm gồm cả chất xơ psyllium.

Đậu nành

Đậu nành đã được chú ý trong những năm 1990. Theo đánh giá  bằng phương pháp “Chỉ số tiêu hóa protein (Protein Digestibility Corrected Amino Acid Score)” của FDA, đậu nành không chỉ có protein chất lượng cao, mà hiện nay còn được xem xét trong vai trò phòng ngừa và điều trị các bệnh tim mạch (CVD), ung thư, loãng xương và giảm các triệu chứng mãn kinh.

Các tác dụng làm giảm cholesterol của đậu nành là hiệu quả sinh học được dẫn chứng bằng tư liệu tốt nhất. Năm 1995 phân tích tổng hợp của 38 nghiên cứu riêng rẽ với sự tham gia của 743 đối tượng phát hiện ra rằng việc tiêu thụ protein đậu nành làm giảm đáng kể cholesterol tổng (9,3%), cholesterol LDL (12,9%) và triglyceride (10,5%) kèm theo đó còn tăng một lượng nhỏ không đáng kể cholesterol liporotein nồng độ cao (HDL) (2,4%) (Anderson cùng đồng sự, 1995). Phân tích hồi quy tuyến tính chỉ ra ngưỡng đậu nành tiêu thụ để đem lại hiệu quả đáng kể trên mỡ máu là 25 g. Chú ý gần đây về thành phần đặc biệt của đậu nành có hiệu quả làm giảm cholesterol được tập trung vào các isoflavone (Potter, 1998). Tuy nhiên isoflavone đã không có hiệu quả trong việc làm giảm cholesterol trong hai nghiên cứu mới đây (Hodgson cùng đồng sự, 1998;. Nestle cùng đồng sự, 1997). Do đó cơ chế chính xác mà đậu nành dùng để giảm cholesterol vẫn chưa được làm sáng tỏ hoàn toàn.

Ngày 4 tháng 5 năm 1998, Protein Technologies International (PTI, St. Louis, Missouri) đã kiến nghị lên FDA cho công bố sức khỏe của các sản phẩm có chứa protein đậu nành liên quan đến việc làm giảm nguy cơ bệnh mạch vành. Dựa trên một lượng ăn hàng ngày có hiệu quả của protein đậu nành là 25 g, PTI đã đề xuất rằng, lượng protein đậu nành cần thiết đủ tiêu chuẩn cho từng loại thực phẩm được ghi dãn kèm theo công bố sức khỏe là 6,25 g với tối thiểu là 12,5 mg isoflavone tổng (dạng aglycone) trên mỗi lượng tiêu thụ thông thường tham khảo. Ngày 12 tháng 8, FDA chấp nhận đơn kiến nghị của PTI và đang trong quá trình xây dựng một quy tắc được đề xuất.

Một số nhóm chất chống ung thư (anticarcinogenic) đã được phát hiện trong đậu nành gồm có các chất ức chế protease (enzyme phân giải protein), phytosterol, saponin, axit phenolic, axit phytic và isoflavone (Messina và Barnes, 1991). Trong số này đặc biệt đáng chú ý là isoflavone (genistein và daidzein) vì đậu nành là nguồn dinh dưỡng duy nhất có chứa hàm lượng đáng kể của các hợp chất này. Isoflavone là phenol dị vòng có cấu trúc tương tự như các steroid estrogen. Là steroid estrogen yếu nên isoflavone có thể hoạt động như chất chống estrogen (antigestrogen) bằng cách cạnh tranh với các estrogen nội sinh tự nhiên có tính chất mạnh hơn (ví dụ như là 17b-estradiol) trong việc liên kết với các estrogen receptor. Điều này có thể giải thích tại sao những dân cư tiêu thụ nhiều đậu nành (ví dụ như là khu vực Đông Nam Á) có nguy cơ ung thư do estrogen thấp. Tuy nhiên, dữ liệu dịch tễ học về việc tiêu thụ đậu nành và nguy cơ mắc ung thư vẫn mâu thuẫn ở thời điểm hiện tại (Messina cùng đồng sự, 1997). Cho đến nay không có công bố về thử nghiệm lâm sàng nghiên cứu vai trò của đậu nành trong việc làm giảm nguy cơ mắc ung thư.

Đậu nành cũng có thể có lợi cho sức khỏe xương (Anderson và Garner, 1997). Một nghiên cứu lâm sàng gần đây có sự tham gia của 66 phụ nữ sau mãn kinh được tiến hành tại Đại học Illinois (Erdman và Potter, 1997), cho thấy rằng tiêu thụ 40 g chiết xuất protein đậu nành (ISP) mỗi ngày (có chứa 90 mg tổng isoflavone) làm tăng lên đáng kể (khoảng 2%) cả hàm lượng và mật độ khoáng xương trong xương sống lưng sau 6 tháng. Lý thuyết cho rằng đậu nành có thể làm giảm bớt các triệu chứng mãn kinh khi xem xét các báo cáo về phụ nữ Châu Á có mức độ cơn nóng bừng và đổ mồ hôi ban đêm thấp hơn đáng kể so với phụ nữ phương Tây. Gần đây nhất, nghiên cứu cho thấy 60 gram ISP mỗi ngày trong 3 tháng làm giảm 45% cơn nóng bừng trong số 104 phụ nữ sau mãn kinh (Albertazzi cùng đồng sự, 1998). Mặc dù những quan sát này khá thú vị và có hiệu ứng trấn an đáng kể trong các nghiên cứu, nhưng còn quá sớm để kết luận rằng đậu nành có thể thay thế cho việc điều trị bằng hormone thay thế.

Hạt lanh

Trong số các loại dầu hạt chính, dầu hạt lanh có chứa nhiều axit béo omega-3 và axit linolenic nhất (57%). Tuy nhiên nghiên cứu gần đây tập trung cụ thể hơn vào các hợp chất xơ được gọi là lignan. Hai lignan chính của động vật có vú là enterodiol và sản phẩm oxy hóa của nó (enterolactone) được hình thành trong đường ruột nhờ hoạt động của vi khuẩn trên tiền chất lignan thực vật (Setchell cùng đồng sự, 1981). Hạt lanh là một nguồn giàu tiền chất lignan của động vật có vú (Thompson cùng đồng sự, 1991). Bởi vì enterodiol và enterolactone có cấu trúc tương tự như estrogen tự nhiên cũng như tổng hợp, chúng có hoạt tính estrogen và antiestrogen yếu, có thể đóng vai trò trong việc phòng chống ung thư do estrogen. Tuy nhiên, không có dữ liệu dịch tễ học và tương đối ít các nghiên cứu trên động vật củng cố cho giả thuyết này.

Hạt lanh được chứng minh là làm giảm khối u đại tràng và tuyến vú (Thompson, 1995) cũng như phổi (Yan cùng đồng sự, 1998) ở các loài gặm nhấm. Có rất ít nghiên cứu đánh giá những ảnh hưởng việc ăn hạt lanh tới điều trị nguy cơ ung thư ở người. Phipps cùng đồng sự (1993) đã chứng minh rằng ăn 10 g hạt lanh mỗi ngày sinh ra một số thay đổi nội tiết tố liên quan tới việc làm giảm nguy cơ ung thư vú. Adlercreutz cùng đồng sự (1982) chỉ ra rằng lượng bài tiết lignan trong nước tiểu giảm đáng kể ở các bệnh nhân ung thư vú sau mãn kinh so với nhóm đối chứng ăn chế độ phối hợp bình thường hoặc ăn chay có trứng và sữa.

Tiêu thụ hạt lanh cũng làm giảm cholesterol tổng và LDL (Bierenbaum cùng đồng sự, 1993; Cunnane cùng đồng sự, 1993) cũng như làm giảm kết tụ tiểu cầu (Allman cùng đồng sự, 1995).

Cà chua

Được lựa chọn bởi tạp chí Eating Well là loại rau quả của năm 1997, cà chua đã nhận được sự nhiều quan tâm trong vòng ba năm qua nhờ thành phần lycopene – loại carotenoid chính được tìm thấy trong quả này (Gerster, 1997) và vai trò của lycopene trong việc làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư (Weisburger, 1998).

Trong một nghiên cứu giả thiết trên một nhóm hơn 47.000 nam giới, những người tiêu thụ các sản phẩm từ cà chua nhiều hơn hoặc bằng 10 lần có ít hơn một nửa nguy cơ phát triển ung thư tuyến tiền liệt (Giovannucci cùng đồng sự, 1995). Thú vị ở chỗ lycopene là carotenoid có nhiều nhất ở tuyến tiền liệt (Clinton cùng đồng sự, 1996). Nguy cơ của các bệnh ung thư khác tỉ lệ nghịch với mức độ lycopene trong huyết thanh hoặc mô như ngực, đường tiêu hóa, cổ tử cung, bàng quang, da (Clinton, 1998) và có thể cả phổi (Li cùng đồng sự, 1997). Cơ chế lycopene tác động đến nguy cơ ung thư được đề xuất có liên quan đến chức năng chống oxy hóa của nó. Lycopene là hợp chất hiệu quả nhất trong việc dập tắt các oxy đơn (oxy năng lượng cao) trong các hệ sinh học (Di Mascio cùng đồng sự, 1989). Chức năng chống oxy hóa của lycopene cũng có thể giải thích quan sát gần đây trong một nghiên cứu đa trung tâm ở châu Âu rằng mức độ carotenoid trong mô mỡ tỉ lệ nghịch với nguy cơ nhồi máu cơ tim (Kohlmeier cùng đồng sự, 1997b).

Tỏi

Tỏi (Allium sativum) có thể là loại thảo dược được nhắc tới nhiều nhất trong tài liệu về các dược tính (Nagourney, 1998). Vì vậy không đáng ngạc nhiên khi tỏi đã được xếp vào các loại thảo dược bán chạy thứ hai ở Hoa Kỳ trong hai năm qua (Anon, 1998). Những lợi ích sức khỏe nổi tiếng của tỏi rất nhiều, gồm có điều trị ung thư do các tác nhân hóa học, kháng sinh, chống tăng huyết áp và các đặc tính làm giảm cholesterol (Srivastava cùng đồng sự, 1995).

Hương vị đặc trưng và vị cay của tỏi là nhờ sự dồi dào của các thành phần chứa lưu huỳnh tan trong nước và trong dầu. Những thành phần này có thể là nguyên nhân đem lại hiệu quả y học đa dạng cho loài thực vật này. Tuy nhiên, củ tỏi còn nguyên vẹn, không bị dập chỉ chứa một vài thành phần có hoạt tính chữa bệnh. Củ tỏi còn nguyên chứa một loại axit amin không mùi (allin) được chuyển hóa thành allicin nhờ enzyme allinase khi các tép tỏi bị nghiền (Block, 1992). Hợp chất allicin này là nguyên nhân tạo ra mùi đặc trưng của tỏi tươi. Sau đó allicin tự phân hủy để tạo thành nhiều hợp chất chứa lưu huỳnh, một số trong đó đã được nghiên cứu cho hoạt tính phòng chống ung thư.

Các thành phần tỏi đã được chứng minh làm ức chế khối u trong một số mô hình thực nghiệm (Reuter cùng đồng sự, 1996). Tuy nhiên, báo cáo bổ sung lại cho thấy rằng tỏi không có hiệu quả. Kết quả không thể kết luận này có thể là do sự khác biệt trong các loại hợp chất của tỏi hoặc các chế phẩm được sử dụng bởi các nhà nghiên cứu khác nhau. Sự thay đổi đáng kể về số lượng của các hợp chất lưu huỳnh hữu cơ có sẵn trong các sản phẩm tỏi tươi thương mại đã được chứng minh (Lawson cùng đồng sự, 1991).

Một số nghiên cứu dịch tễ học cho thấy rằng tỏi có thể có hiệu quả trong việc làm giảm nguy cơ ung thư ở người (Dorant cùng đồng sự, 1993). Một nghiên cứu bệnh chứng tương đối lớn được tiến hành ở Trung Quốc cho thấy một mối liên hệ tỉ lệ nghịch giữa nguy cơ ung thư dạ dày và việc tăng lượng tiêu thụ allium (You cùng đồng sự, 1988). Gần đây, trong một nghiên cứu với sự tham gia của hơn 40.000 phụ nữ sau mãn kinh, kết quả cho thấy ăn tỏi có liên quan tới việc gần như làm giảm 50% nguy cơ ung thư ruột kết (Steinmetz cùng đồng sự, 1994). Tuy nhiên không phải tất cả các nghiên cứu dịch tễ học đã cho thấy tỏi có tác dụng bảo vệ chống lại ung thư. Năm 1991 khi xem xét 12 nghiên cứu bệnh chứng (Steinmetz và Potter, 1991b) đã tìm thấy rằng 8 trong số đó cho kết quả tiêu cực, 1 không chỉ ra sự liên kết và 3 nghiên cứu cho thấy một liên kết tích cực. Một đánh giá gần đây của 20 nghiên cứu dịch tễ học (Ernst, 1997) cho thấy rằng các loại củ họ allium bao gồm cả củ hành có thể có tác dụng bảo vệ đối với các bệnh ung thư đường tiêu hóa.

Tỏi cũng được khuyến khích cho việc phòng chống bệnh tim mạch, có thể là nhờ đặc tính làm giảm huyết áp. Tuy nhiên theo Silagy và Neil (1994) vẫn chưa đủ bằng chứng để sử dụng tỏi như một liệu pháp điều trị lâm sàng cho các đối tượng tăng huyết áp. Có nhiều khả năng các tác dụng bảo vệ tim mạch là do tác dụng làm giảm cholesterol của tỏi. Trong một phân tích tổng hợp, Warshafsky cùng đồng sự (1993) đã tổng kết các kết quả của 5 thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng với giả dược, có sự tham gia của 410 bệnh nhân. Các thử nghiệm này đã chỉ ra rằng tiêu thụ trung bình 900 mg tỏi/ngày (tương đương với một nửa đến một tép tỏi) có thể làm giảm khoảng 9% nồng độ cholesterol tổng trong huyết thanh. Trong phân tích tổng hợp thứ 2 gồm 16 thử nghiệm, Silagy và Neil (1994b) đã báo cáo rằng tiêu thụ 800 mg tỏi/ngày làm giảm 12% nồng độ cholesterol tổng. Tuy nhiên mức độ đáng tin cậy của cả hai báo cáo bị giảm đi do những thiếu sót về phương pháp, chẳng hạn như lượng tiêu thụ, trọng lượng và/hoặc việc ăn tỏi ngoại sinh không phải luôn được kiểm soát tốt. Một thử nghiệm ngẫu nghiên có đối chứng bằng giả dược, đa trung tâm gần đây trong đó việc đánh giá và giám sát chế độ ăn được kiểm soát chặt chẽ, cho thấy 12 tuần điều trị bằng tỏi không có hiệu quả trong việc làm giảm mức cholesterol ở những người dư cholesterol trong máu (Isaacsohn cùng đồng sự, 1998). Hiện nay vẫn không rõ thành phần nào trong tỏi làm giảm cholesterol hiệu quả.

Bông cải xanh và rau họ cải khác

Bằng chứng dịch tễ học đã liên kết việc tiêu thụ thường xuyên các loại rau họ cải với việc giảm nguy cơ ung thư. Trong một tổng quan gần đây của 87 nghiên cứu bệnh chứng, Verhoeven cùng đồng sự (1996) đã chứng minh mối liên hệ tỉ lệ nghịch giữa tổng lượng rau cải bắp tiêu thụ và nguy cơ ung thư. Tỷ lệ phần trăm của các nghiên cứu bệnh chứng cho thấy một mối liên hệ tỉ lệ nghịch giữa việc tiêu thụ bắp cải, bông cải xanh, súp lơ và cải bruxen với nguy cơ ung thư lần lượt là 70, 56, 67, và 29%. Verhoeven brassica  (1997) cho là các tính chất chống ung thư của các loại rau cải liên quan đến hàm lượng tương đối cao của glucosinolate.

Glucosinolate là một nhóm các glycoside được lưu trữ trong các không bào tế bào của tất cả các loại rau họ cải. Myrosinase – một loại enzyme được tìm thấy trong tế bào thực vật – xúc tác cho các hợp chất này để tạo thành một loạt các sản phẩm thủy phân, bao gồm isothiocyanate và indole.  Indole-3 carbinol (I3C) hiện đang được nghiên cứu về các đặc tính ngăn ngừa ung thư, đặc biệt là của tuyến vú. Ngoài việc thúc đẩy các phản ứng giải độc giai đoạn I và II, I3C có thể làm giảm nguy cơ ung thư bằng cách điều hòa trao đổi chất của estrogen. Dạng hydroxyl hóa của estrogen (C-16 và C-2) tham gia cạnh tranh trong quá trình chuyển hóa phụ thuộc cytochrome P-450, mỗi chất sẽ chia sẻ các cơ chất estrogen thông thường. Các nghiên cứu cho rằng sự hình thành chất trung gian là các estrogen 2-hydroxyl (catechol) được tăng lên so với các dạng 16-hydroxyl, sự tăng này có thể bảo vệ chống lại bệnh ung thư bởi vì estrogen catechol có thể hoạt động như là chất chống estrogen trong nuôi cấy tế bào. Ngược lại, các estrogen 16-hydroxyl có tính chất estrogen và có thể liên kết với các estrogen receptor. Ở người, sử dụng 500 mg I3C mỗi ngày (tương đương với 350-500 g bắp cải/ngày) trong 1 tuần làm tăng đáng kể hàm lượng estradiol (một loại estrogen 2-hydroxyl) ở phụ nữ (Michnovicz và Bradlow, 1991). Điều này cho thấy rằng hợp chất này có thể là phương pháp mới để làm giảm nguy cơ ung thư vú. Tuy nhiên, bởi vì I3C cũng được chỉ ra là làm tăng chất sinh ung thư trong cơ thể, cần cẩn thận trước khi tiến hành thử nghiệm lâm sàng mở rộng (Dashwood, 1998), mặc dù các thử nghiệm giai đoạn I như vậy hiện vẫn đang được tiến hành (Wong cùng đồng sự, 1998).

Mặc dù nhiều loại isothiocyanate tự nhiên và tổng hợp được chỉ ra là ngăn ngừa ung thư ở động vật (Hecht, 1995), sự chú ý được tập trung vào một loại isothiocyanate đặc biệt được phân tách từ bông cải xanh, được gọi là sulforaphane. Sulforaphane đã được chứng minh là các chất cảm ứng chính của một loại enzyme đặc biệt giai đoạn II – reductase quinone. Fahey cùng đồng sự, (1997) đã chứng minh được rằng mầm bông cải xanh 3 ngày tuổi có nồng độ glucoraphanin (sulforaphane glucosinolate) cao hơn 10-100 lần so với cây trưởng thành tương ứng. Tuy nhiên, theo quan điểm về tầm quan trọng của một mô hình dinh dưỡng tổng hợp trong việc giảm nguy cơ ung thư, các tác động lâm sàng của một hóa chất thực vật duy nhất riêng rẽ vẫn đang còn nghi vấn (Nestle, 1998).

Trái cây họ cam quýt

Các nghiên cứu dịch tễ học đã chỉ ra rằng các loại trái cây họ cam quýt có tác dụng bảo vệ chống lại nhiều loại ung thư ở người. Mặc dù cam, chanh và bưởi là một nguồn chính của các chất dinh dưỡng quan trọng như vitamin C, folate và chất xơ, Elegbede cùng đồng sự (1993) đã đề xuất rằng có thành phần khác chịu trách nhiệm cho hoạt tính chống ung thư. Trái cây họ cam quýt chứa đặc biệt nhiều một nhóm hóa chất thực vật có tên gọi là limonoid (Hasegawa và Miyake, 1996).

Trong thập kỷ qua, bằng chứng tích lũy đã củng cố hiệu quả phòng ngừa ung thư của limonene (Gould, 1997). Crowell (1997) đã chỉ ra rằng hợp chất này có hiệu quả chống lại một loạt các khối u tự sinh hoặc do tác động hóa học ở động vật gặm nhấm. Dựa vào các kết quả trên và vì limonene có rất ít hoặc không có độc tính với người, limonene đã được đề xuất như là một giải pháp tốt để đánh giá thử nghiệm phòng chống ung thư theo phương pháp hóa học. Chất chuyển hóa của limonene – perrillyl alcohol – hiện đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I ở bệnh nhân có khối u ác tính cấp (Ripple cùng đồng sự, 1998).

Nam việt quất

Nước ép nam việt quất đã được công nhận là có hiệu quả trong việc điều trị các bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu kể từ năm 1914, khi Blatherwick (1914) báo cáo rằng loại trái cây giàu axit benzoic này gây axit hóa nước tiểu. Nghiên cứu gần đây đã tập trung vào khả năng ức chế của nước ép nam việt quất đối với sự bám dính của Escherichia coli lên biểu mô tế bào (Schmidt và Sobota, 1988). Hiện tượng này đã được cho là do hai hợp chất: fructose và một hợp chất cao phân tử không thẩm tách được. Sau đó hợp chất cao phân tử này được phân tách từ nước ép nam việt quất và quả việt quất (Ofek cùng đồng sự, 1991) và được chỉ ra là làm ức chế hợp chất adhesin (hợp chất giúp vi khuẩn bám dính vào tế bào) có trên nhung mao của bề mặt của một số E. coli gây bệnh.

Avorn cùng đồng sự (1994) đã công bố kết quả của thử nghiệm lâm sàng đầu tiên, dạng ngẫu nhiên, mù đôi, có đối chứng với giả dược, để xác định hiệu quả của một loại nước ép nam việt quất đối với bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu. Kết quả cho thấy 153 phụ nữ cao tuổi tiêu thụ 300 mL nước ép nam việt quất mỗi ngày đã giảm đáng kể tỷ lệ bệnh nhiễm trùng và có mủ (58%) ở đường tiết niệu so với nhóm đối chứng sau sáu tháng. Dựa trên các kết quả của những nghiên cứu này, quan niệm phổ biến về các lợi ích của nước ép nam việt quất đối với đường tiết niệu đã được kiểm chứng.

Trà

Trà là loại thức uống được tiêu thụ nhiều thứ 2 trên thế giới chỉ sau nước. Sự quan tâm lớn liên quan đến thành phần polyphenol của trà, đặc biệt là trà xanh (Harbowy và Balentine, 1997). Polyphenol có thể chiếm 30% tổng trọng lượng khô của lá chè tươi. Catechin là polyphenol chủ yếu và quan trọng nhất trong tất cả các chất polyphenol của trà (Graham, 1992). Bốn loại catechin chính của trà xanh là epigallocatechin-3-gallate, epigallocatechin, epicatechin-3-gallate và epicatechin.

Trong những năm gần đây có một mối quan tâm lớn đến tác dụng dược lý của trà (AHF, 1992). Cho tới hiện nay, hầu hết nghiên cứu về lợi ích sức khỏe của trà đều tập trung vào hiệu quả ngăn ngừa ung thư do các tác nhân hóa học của trà, mặc dù hiện tại các nghiên cứu dịch tễ học vẫn còn chưa thuyết phục (Katiyar và Mukhtar, 1996). Năm 1993 trong một đánh giá của 100 nghiên cứu dịch tễ học (Yang và Wang, 1993), khoảng 2/3 các nghiên cứu không tìm thấy mối quan hệ giữa việc tiêu thụ trà và nguy cơ ung thư, 20 trong số đó tìm thấy mối quan hệ tích cực và chỉ có 14 nghiên cứu cho thấy rằng tiêu thụ trà làm giảm nguy cơ ung thư. Một đánh giá gần đây hơn cho thấy rằng lợi ích từ việc tiêu thụ trà chỉ có tác dụng đối với nhóm dân cư có nguy cơ cao và cần tiêu thụ ở liều cao của trà (Kohlmeier cùng đồng sự, 1997a). Giả thuyết này củng cố các phát hiện gần đây rằng tiêu thụ nhiều hơn hoặc bằng năm tách trà xanh mỗi ngày có liên quan tới sự giảm tái phát ung thư vú giai đoạn I và II ở phụ nữ Nhật Bản (Nakachi cùng đồng sự, 1998).

Ngược lại với những kết quả không thể kết luận từ các nghiên cứu dịch tễ học, kết quả nghiên cứu thí nghiệm ở động vật củng cố kết luận cho hiệu quả ngăn ngừa ung thư bằng phương pháp hóa học của các thành phần có trong trà. Thực tế, Dreosti cùng đồng sự (1997) nói rằng “không có tác nhân nào khác được kiểm tra cho hiệu quả phòng chống ung thư bằng phương pháp hóa học trên mô hình động vật có hoạt tính mạnh như trà và các thành phần của nó ở nồng độ mà bình thường con người tiêu thụ.”

Có một số bằng chứng cho thấy uống trà cũng có thể làm giảm nguy cơ của bệnh tim mạch. Hertog và các cộng sự (1993) báo cáo rằng uống trà là nguồn chính cung cấp chính chất flavonoid cho lớp dân số lớn tuổi ở Hà Lan. Phần lớn năm loại flavonoid (quercetin, kaempferol, myricetin, apigenin, và luteolin) được hấp thụ là từ việc uống trà, và nó lệ nghịch đáng kể với tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch vành trong lớp dân số này. Mặc dù một số nghiên cứu khác cũng chứng minh tiêu thụ trà làm giảm đáng kể nguy cơ bệnh tim mạch, nhưng hiện nay bằng chứng này vẫn chưa được thừa nhận (Tijburg cùng đồng sự, 1997).

Rượu vang và nho

Có bằng chứng cho rằng rượu vang, đặc biệt là rượu vang đỏ, có thể làm giảm nguy cơ của bệnh tim mạch. Mối liên hệ giữa lượng rượu vang tiêu thụ và bệnh tim mạch được làm rõ lần đầu tiên vào năm 1979 khi St. Leger cùng đồng sự (1979) tìm thấy một mối tương quan tỉ lệ nghịch mạnh giữa lượng rượu vang tiêu thụ và tỷ lệ tử vong do bệnh tim thiếu máu cục bộ ở cả nam giới và phụ nữ từ 18 quốc gia. Đặc biệt là ở Pháp mặc dù chế độ ăn nhiều chất béo từ sữa, tỷ lệ bệnh tim mạch thấp (Renaud và de Lorgeril, 1992). “Nghịch lý này của nước Pháp” có thể được giải thích một phần nhờ vào khả năng của cồn trong việc làm tăng cholesterol HDL, tuy vậy những nghiên cứu gần đây tập trung vào các thành phần không phải cồn của rượu vang, đặc biệt là các flavonoid.

Hàm lượng phenolic cao của rượu vang đỏ (cao hơn khoảng 20-50 lần so với rượu vang trắng) là do sự kết hợp của vỏ nho khi lên men nước ép nho trong quá trình sản xuất. Kanner cùng đồng sự (1994) đã chỉ ra rằng, nho đen không hạt và rượu vang đỏ (có nghĩa là Cabernet Sauvignon và Petite Sirah) có chứa nồng độ phenolic cao: lần lượt là 920, 1800 và 3200 mg/L, trong khi nho Thomson xanh chỉ chứa 260 mg phenolic/kg . Frankel và các cộng sự (1993) cho rằng lợi ích tích cực của rượu vang đỏ là nhờ vào khả năng của các chất phenolic trong việc ngăn chặn quá trình oxy hóa LDL – hậu quả nghiêm trọng trong quá trình tạo ra chứng vữa động mạch.

Mặc dù lợi ích của tiêu thụ rượu vang trong việc giảm nguy cơ bệnh tim mạch có vẻ đầy hứa hẹn, nhưng một nghiên cứu về sau này với 128.934 người ở miền Bắc California đã kết luận rằng những lợi ích của việc uống rượu vang đối với nguy cơ động mạch vành không có liên kết đặc biệt với rượu vang đỏ (Klatsky cùng đồng sự, 1997). Hơn nữa, một chú ý thận trọng hợp lý là tất cả các đồ uống có cồn đều liên quan đến nguy cơ gia tăng của một số loại ung thư, bao gồm ung thư vú (Bowlin cùng đồng sự, 1997). Tiêu thụ rượu vang có mức độ cũng có liên hệ với việc làm giảm nguy cơ bệnh thoái hóa điểm vàng ở người lớn tuổi (Obisesan cùng đồng sự, 1998).

Những người mong muốn nhận được lợi ích sức khỏe của rượu vang mà không gây ra nguy cơ tiềm ẩn có thể lưu ý sử dụng các loại rượu vang không có cồn – loại vang đã chứng minh là làm tăng chất chống oxy hóa plasma (Serafini cùng đồng sự, 1998). Hơn nữa, Day cùng đồng sự (1998) chỉ ra rằng, nước ép nho được bày bán trên thị trường có hiệu quả trong việc ức chế quá trình oxy hóa của LDL phân tách từ con người. Rượu vang đỏ cũng là một nguồn trans-resveratrol quan trọng. Trans-resveratrol là một phytoalexin được tìm thấy trong vỏ nho (Creasy và Coffee, 1988). Resveratrol cũng đã được chứng minh có mang các đặc tính estrogen (Gehm cùng đồng sự, 1997), điều này có thể giúp phần nào giải thích được các lợi ích tim mạch của việc uống rượu vang và cũng đã chứng minh là có khả năng ức chế chất sinh ung thư trong cơ thể (Jang cùng đồng sự, 1997).

Thực phẩm chức năng từ nguồn động vật

Mặc dù số lượng lớn các chất tự nhiên giúp sức khỏe tăng cường có nguồn gốc thực vật, nhưng cũng có một số thành phần có hoạt tính sinh học trong các sản phẩm từ động vật đáng được quan tâm nhờ vai trò tiềm năng cho một sức khỏe tối ưu.

Axit béo omega-3 (n-3) là một nhóm thiết yếu của các axit béo không bão hòa đa nối đôi (PUFA) có nguồn gốc chủ yếu từ dầu cá. Chế độ ăn uống kiểu phương Tây đang thiếu các axit béo n-3, điều này được phản ánh qua tỉ lệ ước tính của n-6:n-3 trong chế độ ăn uống hiện tại là 20:25, so với tỷ lệ để con người phát triển là 1: 1 (Simopoulos, 1991). Điều này đã thúc đẩy các nhà nghiên cứu xem xét vai trò của axit béo n-3 trong một số bệnh, đặc biệt là ung thư và bệnh tim mạch và gần đây hơn là trong sự phát triển trong gia đoạn đầu đời của con người.

Việc axit béo n-3 có thể đóng một vai trò quan trọng trong bệnh tim mạch lần đầu tiên được đưa ra là vào những năm 1970 khi Bang và Dyerberg (1972) báo cáo rằng người Eskimo có tỷ lệ mắc bệnh này thấp mặc dù họ tiêu thụ một chế độ ăn uống nhiều chất béo. Hiệu quả bảo vệ tim mạch nhờ việc ăn cá đã được ghi nhận trong một số nghiên cứu này (Krumhout cùng đồng sự, 1985), nhưng lại không được tìm thấy trong một số nghiên cứu khác (Ascherio cùng đồng sự, 1995). Kết quả tiêu cực có thể được giải thích bằng thực tế rằng mặc dù axit béo n-3 đã được chứng minh là làm giảm 25-30% triglyceride, nhưng không làm giảm cholesterol LDL. Thực tế là một xem xét trên 72 thử nghiệm lâm sàng có đối chứng với giả dược trên người gần đây cho thấy rằng axit béo n-3 làm tăng cholesterol LDL (Harris, 1996).

Mặc dù ăn một số lượng cá lớn không thể hiện rõ ràng khả năng làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch ở những người khỏe mạnh, nhưng tiêu thụ nhiều hơn hoặc bằng 35 g cá hàng ngày đã được chứng minh là giảm nguy cơ tử vong do nhồi máu cơ tim ở một nghiên cứu có tên là “Chicago Western Electric Study” (Daviglus cùng đồng sự, 1997) và chỉ cần ăn một khẩu phần cá mỗi tuần có liên quan tới việc giảm đáng kể nguy cơ tử vong do tim mạch sau 11 năm cho hơn 20.000 bác sĩ nam ở Mỹ (Albert cùng đồng sự, 1998).

Sản phẩm từ sữa

Mọi người đều đồng ý rằng các sản phẩm từ sữa là thực phẩm chức năng. Các sản phẩm này là một trong những nguồn canxi tốt nhất – dưỡng chất cần thiết có thể ngăn ngừa bệnh loãng xương và ung thư ruột kết. Theo quan điểm của người xưa, gần đây Viện Hàn lâm Khoa học đã tăng các khuyến nghị về dưỡng chất này cho hầu hết các nhóm tuổi. Tuy nhiên ngoài canxi, nghiên cứu gần đây đã tập trung vào các thành phần cụ thể khác trong sản phẩm từ sữa, đặc biệt là sản phẩm sữa lên men như probiotic. Probiotic được định nghĩa là “thức ăn bổ sung vi sinh vật sống có ảnh hưởng có lợi đến động vật chủ bằng cách cải thiện cân bằng vi khuẩn đường ruột” (Fuller, 1994).

Người ta ước tính rằng có hơn 400 loài vi khuẩn được chia làm hai nhóm lớn cùng tồn tại trong hệ tiêu hóa. Đó là: vi khuẩn có lợi (ví dụ như là Bifidobacterium và Lactobacillus) và vi khuẩn có hại (ví dụ như là Enterobacteriaceae và Clostridium spp). Trong số các vi khuẩn có lợi được sử dụng truyền thống trong quá trình lên men thức ăn, vi khuẩn axit lactic đã được quan tâm nhiều nhất (Sanders, 1994). Mặc dù nhiều lợi ích sức khỏe đã được quy cho probiotic, hoạt tính chống ung thư, làm giảm cholesterol và đối kháng chống lại tác nhân gây bệnh đường ruột và các sinh vật đường ruột khác nhận được sự quan tâm hơn cả (Mital và Garg, 1995).

Hiệu quả làm giảm cholesterol trong máu của sữa lên men đã được phát hiện từ hơn 30 năm trước, trong các nghiên cứu được tiến hành trên các thành viên bộ lạc Maasai ở Châu Phi (Mann cùng đồng sự, 1964.). Người Maasai có hàm lượng cholesterol huyết thanh thấp và tỷ lệ bệnh tim mạch vành lâm sàng thấp mặc dù họ có chế độ ăn uống nhiều thịt. Tuy nhiên, hàng ngày họ tiêu thụ 4-5 lít sữa nguyên chất lên men. Mặc dù một số nghiên cứu lâm sàng trên người đã đánh giá được hiệu quả làm giảm cholesterol của các sản phẩm sữa lên men (Sanders, 1994), nhưng kết quả vẫn chưa rõ ràng. Kết quả nghiên cứu đã bị phức tạp hóa bởi kích thước mẫu không tương xứng, không kiểm soát được lượng dưỡng chất tiêu thụ, tiêu hao năng lượng và các thay đổi trong mỡ máu.

Có thêm bằng chứng củng cố vai trò của probiotic trong việc làm giảm nguy cơ ung thư, đặc biệt là ung thư ruột kết (Mital và Garg, 1995). Kết quả này có thể là do canh trường axit lactic có thể làm thay đổi hoạt tính của các enzyme có trong phân (ví dụ như là β-glucuronidase, azoreductase, nitroreductase) vốn được cho là đóng vai trò trong sự phát triển của ung thư ruột kết. Sự quan tâm về mối quan hệ giữa tiêu thụ các sản phẩm sữa lên men và nguy cơ ung thư vú tương đối ít mặc một số nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ tỷ lệ nghịch có lợi (Talamini cùng đồng sự, 1984; Van’t Veer cùng đồng sự, 1989).

Ngoài probiotic, có sự quan tâm ngày càng tăng đối với các carbohydrate lên men vốn là thức ăn cho nhóm vi khuẩn đường ruột có lợi. Các prebiotic này, được định nghĩa bởi Gibson và Roberfroid (1995) là “thành phần thực phẩm không tiêu hóa được có ảnh hưởng tốt đến vật chủ nhờ kích thích có chọn lọc sự tăng trưởng và/hoặc hoạt tính của một hoặc một số giới hạn các vi khuẩn trong ruột kết và do đó cải thiện sức khỏe vật chủ”, có thể bao gồm tinh bột, chất xơ, các loại đường không hấp thụ khác, các hợp chất alcohol của đường và oligosaccharide (Gibson cùng đồng sự, 1996). Trong số này, oligosaccharide nhận được quan tâm hơn cả và rất nhiều lợi ích sức khỏe đã được quy cho các oligosaccharide này (Tomomatsu, 1994). Oligosaccharide gồm có các chuỗi ngắn polysaccharide được hình thành từ 3 đến 10 phân tử đường đơn liên kết với nhau. Chúng được tìm thấy trong tự nhiên ở nhiều loại trái cây và rau quả (bao gồm chuối, tỏi, hành tây, sữa, mật ong, atisô). Khái niệm prebiotic đã được mở rộng hơn, bao gồm cả khái niệm synbiotic – một hỗn hợp của probiotic và prebiotic (Gibson và Roberfroid, 1995). Hiện nay có rất nhiều sản phẩm synbiotic trên thị trường châu Âu.

Thịt bò

Một loại axit béo chống ung thư được biết đến là axit linoleic liên hợp (conjugated linoleic acid, CLA) lần đầu tiên được phân tách từ thịt bò nướng vào năm 1987 (Ha cùng đồng sự, 1987). CLA đề cập đến một hỗn hợp các đồng phân vị trí và đồng vị hình học của axit linoleic (18:2 n-6), trong đó các liên kết đôi được liên hợp (conjugated, nối đôi và nối đơn được xếp xen kẽ một cách liên tục) thay vì tồn tại trong cấu hình ngắt methylene điển hình. Chín đồng phân khác nhau của CLA đã được ghi nhận là có tự nhiên trong thực phẩm. CLA khác thường ở chỗ nó được tìm thấy ở nồng độ cao nhất trong chất béo của động vật nhai lại (ví dụ: thịt bò, sữa và thịt cừu). Mỡ thịt bò chứa 3,1 đến 8,5 mg CLA/g chất béo với đồng phân 9-cis và 11-trans đóng góp từ 57 đến 85% CLA tổng (Decker, 1995). Điều thú vị là hàm lượng CLA trong thực phẩm tăng lên khi thực phẩm được nấu chín và/hoặc được chế biến. Điều này rất có ý nghĩa trong bối cảnh thực tế là nhiều chất gây đột biến và gây ung thư được phát hiện trong thịt nấu chín.

Trong thập kỷ qua, CLA đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc ức chế khối u tâm vị dạ dày ở chuột nhắt, bệnh khoang tuyến ruột kết khác thường ở chuột cống và ung thư vú ở chuột cống (Ip và Scimeca, 1997). Trong mô hình khối u vú, CLA là một chất chống ung thư hiệu quả trong khoảng 0,1-1% trong chế độ ăn uống, cao hơn mức tiêu thụ ước tính khoảng 1 g CLA/người/ngày ở Hoa Kỳ. Các kết quả này không phải do sự dịch chuyển của axit linoleic trong các tế bào, mà có thể là do cơ chế đặc biệt mà CLA điều chỉnh sự phát triển của khối u. Vì vậy, nhiều nghiên cứu đã được thiết kế để làm tăng hàm lượng CLA trong sữa bò thông qua việc thay đổi chế độ ăn uống (Kelly cùng đồng sự, 1998).

Gần đây hơn, CLA đã được nghiên cứu về khả năng thay đổi thành phần trong cơ thể, đóng vai trò như một tác nhân làm giảm trọng lượng. Chuột ăn thức ăn được bổ sung CLA (0,5%) có lượng mỡ trong cơ thể thấp hơn 60% và tăng 14% khối lượng nạc trong cơ thể so với các đối chứng (Park cùng đồng sự, 1997), có thể là nhờ việc làm giảm tích tụ mỡ và tăng tiêu giải mỡ trong các tế bào tạo mỡ.

Các vấn đề an toàn

Cho dù “tăng bổ sung các thực phẩm có lợi cho sức khỏe bao gồm cả thực phẩm chức năng vào chế độ ăn uống ở Mỹ là rất quan trọng để đảm bảo người dân khỏe mạnh hơn” (ADA, 1995) thì an toàn vẫn là vấn đề then chốt. Hàm lượng tối ưu của đa số các thành phần hoạt tính sinh học trong quá trình nghiên cứu vẫn chưa được xác định.  Thêm vào đó, một số nghiên cứu trên động vật cho thấy rằng, một số chất tương tự các hóa chất thực vật (ví dụ, allyl isothiocyanate) đã nêu ra trong nghiên cứu về các đặc tính phòng chống ung thư đã được chỉ ra là có thể gây ung thư ở nồng độ cao (Ames cùng đồng sự, 1990). Như vậy, học thuyết thế kỷ 15 của Paracelsus – “Tất cả các chất đều là những chất độc, liều lượng chính là yếu tố quyết định một chất là chất độc hay là thuốc chữa” đã trở thành kim chỉ nam cho thực phẩm chức năng hiện nay.

Những lợi ích và rủi ro của thực phẩm chức năng có hoạt tính sinh học đối với các cá nhân cũng như với tập thể cần được đánh giá cẩn thận trước khi được sử dụng rộng rãi. Ví dụ, có thể gặp những rủi ro nào khi tăng lượng tiêu thụ các hợp chất (ví dụ như isoflavone) mà có thể tác động tới quá trình trao đổi chất của estrogen? Estrogen thực vật có trong đậu nành được ví như là “con dao hai lưỡi”, bởi vì các báo cáo chỉ ra rằng genistein thực tế có thể làm tăng một số loại khối u ở động vật (Rao cùng đồng sự, 1997).  Việc nắm vững những kiến thức về độc tính của các thành phần thực phẩm chức năng là vô cùng quan trọng để giảm tỉ lệ rủi ro:lợi ích.

Kết luận

Có nhiều bằng chứng củng cố các kết quả cho thấy rằng thực phẩm chức năng có chứa các thành phần có hoạt tính sinh học từ các nguồn thực vật hoặc động vật có thể tăng cường sức khỏe. Tuy nhiên cần phải nhấn mạnh rằng thực phẩm chức năng không phải là “một viên đạn ma thuật” hoặc thuốc chữa bách bệnh cho những thói quen sức khỏe xấu. Không có thực phẩm “tốt” hay “xấu” mà chỉ có chế độ ăn tốt hay xấu. Một trong những hướng dẫn chế độ ăn uống hiện nay của Mỹ nhấn mạnh phải có một chế độ ăn uống có nguồn gốc thực vật, giàu chất xơ, ít chất béo động vật, và chứa 5-9 khẩu phần trái cây và rau mỗi ngày. Hơn nữa, chế độ ăn uống chỉ là một phần của tổng thể lối sống có thể có ảnh hưởng đến sức khỏe; các thành phần khác cũng có ảnh hưởng như là hút thuốc, hoạt động thể chất và sự căng thẳng.

Những người tiêu dùng tâm đến sức khỏe càng ngày càng tìm kiếm các loại thực phẩm chức năng để kiểm soát sức khỏe của bản thân. Mặc dù vậy lĩnh vực thực phẩm chức năng vẫn còn trong giai đoạn non trẻ. Công bố về lợi ích sức khỏe của thực phẩm chức năng phải được dựa trên các tiêu chí khoa học có logic (Clydesdale, 1997). Tuy nhiên một số yếu tố lại gây rắc rối cho việc xây dựng một nền tảng khoa học vững chắc. Những yếu tố này bao gồm: sự phức tạp của các hợp chất thực phẩm, các tác động lên thực phẩm, sự thay đổi của quá trình trao đổi chất để phù hợp với những thay đổi trong chế độ ăn uống và sự thiếu thốn các marker thay thế (surrogate marker) cho sự phát triển của bệnh. Nghiên cứu bổ sung là cần thiết để chứng minh những lợi ích sức khỏe tiềm năng của các loại thực phẩm mà các mối quan hệ giữa chế độ ăn uống và sức khỏe chưa được xác nhận đầy đủ.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top