Tiêu chuẩn chiều cao ở Việt Nam so với thế giới

Nội dung

Theo kết quả nghiên cứu về chiều cao cơ thể người trong 100 năm qua trên toàn cầu được công bố tháng 7/ 2016, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam nam giới được tính toán là 164,4 cm và nữ giới là 153,6 cm. Cùng với Phillipine và Lào, chúng ta đang là 1 trong 3 nước có chiều cao thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á. Chúng ta cũng biết rằng Đông Nam Á là khu vực có chiều cao cơ thể thấp hơn so với thế giới. Vì vậy có thể nói người Việt Nam đang là một trong các dân tộc có chiều cao trung bình thấp nhất thế giới.

Câu hỏi được đặt ra là tại sao lại như vây? Có phải là do yếu tố Gen làm cho chúng ta không thể cao lên được như các dân tộc khác? Nếu đúng như vậy thì chúng ta sẽ lý giải thế nào về sự phát triển của dân tộc Nhật Bản với chiều cao khiêm tốn thời thế chiến thứ 2 vậy nhưng hiện nay nam giới Nhật Bản đã cao hơn Nam giới Việt Nam đến gần 7cm?

Câu trả lời đã được mô tả trong các mô hình nguyên nhân, trong đó vai trò của các yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao bao gồm yếu tố di duyền, dinh dưỡng, hoạt động thể dục- thể thao, yếu tố bệnh tật. Mỗi yếu tố này đóng góp vai trò bao nhiêu trong chiều cao vẫn là một câu hỏi đối với các nhà nghiên cứu trên toàn cầu. Tuy nhiên kết quả của tất cả các nghiên cứu đều chỉ ra Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong số các yếu tố có thể tác động được trong việc tăng trưởng chiều cao. Và nếu Dinh dưỡng tốt phối hợp với một chế độ tập luyện phù hợp, môi trường sống sạch sẽ, ít bệnh tật sẽ giúp cho dân tộc chúng ta có cơ hội cải thiện chiều cao nhằm đuổi kịp các dân tộc khác trên thế giới.

Vậy dinh dưỡng như thế nào là hợp lý để tăng trưởng chiều cao. Có phải chỉ cần bổ sung Sữa cho trẻ là sẽ đầy đủ nhu cầu?

Đúng là Sữa là một thực phẩm tương đối hoàn hảo và với lòng tin đó cộng thêm mức thu nhập tăng lên nên lượng sữa được sử dụng đã có những thay đổi lớn. Năm 2004, tổng lượng sữa tiêu thụ trung bình của người Việt Nam chỉ là 580 triệu lít/năm, tương đương với khoảng 7,12kg sữa/người/năm. Sau gần 10 năm, vào năm 2013, tổng lượng sữa tiêu thụ của người Việt Nam đã đạt mốc hơn 2 tỷ lít/năm, tương đương khoảng 22,53kg sữa/người/năm. Như vậy, có thể thấy, chỉ trong khoảng 10 năm, tổng lượng sữa tiêu thụ của người Việt Nam tăng lên khoảng hơn 3 lần.

Nhìn vào những con số này, một câu hỏi khác lại được đặt ra là, tại sao lượng sữa tiêu thụ tại Việt Nam tăng nhanh nhưng vẫn chưa có nhiều biến chuyển về chiều cao trung bình? Liệu uống sữa đã đủ để tăng trưởng chiều cao? Còn có những yếu tố nào ảnh hưởng đến tăng trưởng chiều cao của trẻ? Sử dụng Sữa có liên quan gì đến tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ em đang tăng nhanh ở các vùng Thành phố/ đô thị? 

Những vấn đề này sẽ được phân tích trong một chuyên đề về tăng trưởng chiều cao sẽ tiếp tục được đăng tải trong các số tiếp theo của Viện Y học ứng dụng Việt Nam.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top