Nghiên cứu trên được tiến hành bởi các nhà khoa học đến từ Trung tâm Ung thư Quốc Gia thuộc Viện Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ và Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Yale, Mỹ.
Trong nghiên cứu trên, trưởng nhóm nghiên cứu Erikka Loftfield và đồng nghiệp ở Khoa Dịch tễ học Ung thư và Di truyền thuộc Viện Ung thư Quốc gia đã tiến hành đánh giá tác động của uống cà phê đối với nguy cơ bị u sắc tố ác tính, dạng ung thư da có khả năng gây tử vong lớn nhất.
Các nghiên cứu trước đó đã cho thấy uống cà phê có thể ngăn ngừa ung thư da do u sắc tố không ác tính nhưng lại chưa chỉ ra được tác động của uống cà phê đối với ung thư da do u sắc tố ác tính.
Để tìm ra câu trả lời, nhóm nghiên cứu đã phân tích dữ liệu của Nghiên cứu Chế độ ăn và Sức khỏe NIH-AARP, bao gồm 447.357 người tham gia không bị ung thư ở đầu thời điểm nghiên cứu.
Những người tham gia đã trả lời bảng câu hỏi về chế độ ăn ở đầu thời điểm nghiên cứu mà chỉ rõ lượng cà phê tiêu thụ. Tỷ lệ mắc u sắc tố ác tinh ở các đối tượng này được theo dõi trong thời gian trung bình là 10,5 năm. Trong thời gian này, 2.905 người bị mắc u sắc tố ác tính.
Các nhà nghiên cứu phát hiện thấy càng uống nhiều cà phê mỗi ngày, khả năng mắc u sắc tố ác tính trong thời gian theo dõi càng giảm. Cụ thể là, uống bốn cốc cà phê một ngày có thể làm giảm 20% nguy cơ bị u sắc tố ác tính.
Kết quả trên vẫn đúng sau khi tính đến các yếu tố như tuổi tác, giới tính, chỉ số khối cơ thể, lượng rượu bia tiêu thụ, tiền sử hút thuốc và tiếp xúc với tia cực tím – một yếu tố nguy cơ đặc biệt của ung thư da.
Nhóm nghiên cứu lưu ý mối tương quan này mới chỉ được phát hiện thấy ở cà phê chứa cafein chứ không thấy ở cà phê không chứa cafein. Ngoài ra, cà phê dường như chỉ có thể giảm nguy cơ bị mắc u sắc tố ác tính chứ không có tác dụng lên u sắc tố tại chỗ - tức là các tế bào u sắc tố không di chuyển ra khỏi vỏ tế bào da.
Bình luận về phát hiện trên, các nhà nghiên cứu cho biết:
“Trong nghiên cứu này, tăng lượng tiêu thụ cà phê chỉ làm giảm nguy cơ bị u sắc tố ác tính một cách khiêm tốn. Cần có thêm nghiên cứu về mối tương quan giữa u sắc tố ác tính với cà phê và các thành phần của cà phê, đặc biệt là cafein.”
Mặc dù nhóm nghiên cứu cho biết khả năng giảm nguy cơ bị u sắc tố ác tính của cà phê còn khiêm tốn, cà phê vẫn có thể đem lại hiệu quả lớn. “Những thay đổi trong sinh hoạt mà mà có tác dụng phòng ngừa dù khiêm tốn vẫn có tác động lớn lên khả năng bị u sắc tố ác tính,” nhóm nghiên cứu cho biết.
Tiến sĩ Loftfield cho biết nghiên cứu của nhóm không có nghĩa là mọi người nên tăng cường uống cà phê để giảm nguy cơ bị ung thư da. “Điều quan trọng nhất mọi người có thể làm để giảm nguy cơ bị u sắc tố ác tính là giảm tiếp xúc với tia cực tím và ánh nắng mặt trời,” bà nói.
Mặc dù nhiều nghiên cứu đã chứng minh các lợi ích cho sức khỏe của uống cà phê, cần lưu ý đến những tác dụng không mong muốn của cà phê. Thành phần chính trong cà phê là cafein, một chất kích thích phổ biến. Tiêu thụ quá nhiều cafein có thể dẫn đến mất ngủ, bồn chồn, khó chịu, căng thẳng, làm tăng nhịp tim, gây run cơ và chướng bụng.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh