Uống nhiều nước cam có hại cho sức khỏe không?

Giá trị dinh dưỡng của nước cam

Cam là một trong những loại trái cây giàu vitamin C, A, calci, chất xơ...  bổ dưỡng cho cả người lớn và trẻ nhỏ. Do đó, nước cam chứa một số chất dinh dưỡng thiết yếu, có hàm lượng calo và đường tương đối thấp. Một khẩu phần hoặc một nửa cốc nước cam cung cấp 69% nhu cầu vitamin C hàng ngày của cơ thể và một lượng vừa phải vitamin A, calci, sắt, kali, magie và vitamin B.

Nước cam tươi chứa lượng lớn lutein, zeaxanthin, carotenoid và các hợp chất hoạt tính sinh học khác có đặc tính chống oxy hóa tốt cho cơ thể. Các nhà khoa học đã kết luận rằng mặc dù nước ép cam có thể không gây hại như đồ uống có đường nhưng chúng sẽ không tốt cho sức khỏe như trái cây nguyên quả và có những tác dụng phụ tiêu cực khi uống quá nhiều.

 

Những tác dụng phụ khi uống quá nhiều nước cam

Có thể gây tăng cân

Uống nước cam với lượng vừa phải sẽ không có khả năng tăng cân hoặc gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của bạn. Tuy nhiên, cũng giống như hầu hết các loại thực phẩm và đồ uống khác, bạn sẽ nạp một lượng đường calo khá cao vào cơ thể khi uống quá nhiều nước cam. Theo các nghiên cứu, uống nước ép cam thường xuyên cũng có thể gây tăng cân.

Trên thực tế, một nghiên cứu về dinh dưỡng và bệnh đái tháo đường cho thấy khi những người tham gia uống nước cam 3 lần một ngày giữa các bữa ăn, llượng mỡ trong cơ thể tăng và giảm độ nhạy insulin chỉ trong 4 tuần.

Tăng nguy cơ mắc đái tháo đường type 2

Một nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (JAMA) vào tháng 5/2019 cho biết, đường trái cây cũng tạo ra phản ứng sinh học tương tự như đường trong nước giải khát. Hơn nữa, việc ăn trái cây có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc đái tháo đường, trong khi nước ép trái cây làm tăng nguy cơ mắc bệnh này.

Tương tự, kết quả từ một nghiên cứu BMJ năm 2013 chỉ ra, hơn 180.000 người tham gia được thực hiện trong suốt 24 năm thấy rằng, uống nước ép cam mỗi ngày sẽ tăng 21% nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường. Trong khi trái cây nguyên quả thì giảm 23% nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường loại 2.

Tiến sỹ Qi Sun, trợ lý giáo sư tại Khoa Dinh dưỡng tại Trường Y tế Công cộng Harvard, giải thích: "Do quá trình ép nước trái cây dẫn đến hàm lượng chất phytochemical và chất xơ có lợi thấp hơn. Ngoài ra, nước trái cây cũng được cơ thể hấp thụ nhanh hơn, dẫn đến những thay đổi mạnh mẽ hơn sau khi ăn về lượng đường trong máu và lượng insulin so với trái cây nguyên quả."

Ảnh hưởng xấu đến răng

Bạn cũng nên cẩn thận khi uống quá nhiều nước cam vì acid citric trong loại nước ép này có thể ảnh hưởng răng của bạn. Theo Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ (ADA), trái cây có múi quýt, cam, chanh… có tính acid cao và có thể ăn mòn men răng. Nếu bạn bị lở miệng cũng nên tránh thức ăn và đồ uống có tính acid vì chúng có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top