Táo bón là bệnh lý đường tiêu hóa và liên quan mật thiết đến sự tiêu hóa thức ăn. Một người bình thường có thể đi ngoài từ 1-3 lần/ngày đêm hoặc trên 3 lần/tuần. Khi quá 3 ngày chưa đi ngoài hoặc đi ngoài dưới 3 lần trong một tuần có thể gọi là mắc bệnh táo bón.
Táo bón có nhiều nguyên nhân gây ra, đa số các trường hợp đều do ăn uống.
Với trẻ em, nếu một chế độ ăn ít rau, trái cây, uống ít nước trong khi ăn uống nhiều thức ăn nhanh, giàu chất béo hoặc ăn nhiều bánh, kẹo, nước giải khát có đường,… có thể gây táo bón thường xuyên. Ngoài ra, trẻ bị táo bón có thể do dùng thường xuyên sữa bột hoặc có thói quen nhịn đi đại tiện hoặc bồng bế suốt ngày trẻ không được vận động.
Với người lớn có nhiều nguyên nhân dẫn đến táo bón, trong đó chế độ dinh dưỡng không hợp lý do kiêng khem quá mức hoặc ăn ít hoặc chán không muốn ăn là nguyên nhân phổ biến. Lúc này chất cặn bã ít, phân ít nên không tạo được phản xạ co bóp của đại tràng để đi đại tiện, đặc biệt với người cao tuổi. Ngoài ra, ăn ít rau, ít chất xơ và uống ít nước (do ngại đi tiểu) cũng là những nguyên nhân dẫn đến táo bón ở người lớn. Một số người quen ăn những loại thức ăn có nhiều chất béo như bơ, sữa, đường tinh chế, thích ăn nhiều chất cay, nóng, uống nhiều rượu, bia (làm giãn mạch, mất nước) và lượng nước đưa vào trong cơ thể hàng ngày không đủ sự cần thiết để tiêu hóa thức ăn càng khiến hiện tượng táo bón dễ xảy ra.
Một số người tuổi càng cao chức năng sinh lý càng bị giảm sút, ví dụ như cơ hoành, cơ vùng xương chậu bị yếu đi làm hạn chế nhu động của ruột từ đó lực đẩy của ruột suy giảm vì vậy, việc đẩy phân ra ngoài khó khăn, làm ứ trệ làm cho phân lưu lại lâu trong đại trực tang sẽ gây táo bón.
Táo bón không được xử trí kịp thời có thể dẫn đến nhiều hậu quả khôn lường:
– Nếu táo bón kinh niên nguyên nhân là do sự xáo trộn về sinh lý của ruột già thì ảnh hưởng trên cơ thể tương đối ít nhưng khiến cho người bệnh khó chịu, kém vui, thỉnh thoảng cảm thấy đau nhức đầu.
– Có thể làm nhiễm trùng đường ruột gây sưng ruột.
– Táo bón không phải là bệnh hiểm nghèo nhưng nếu để kéo dài sẽ xảy ra những biến chứng nguy hiểm, không đáng có như tắc ruột, xoắn ruột, sa trực tràng, xuất hiện cơn thiếu máu cục bộ (do phải rặn lâu), trĩ, ung thư ruột…
Ở những thời gian đầu ta có thể áp dụng một số biện pháp nhỏ để cải thiện tình hình như:
– Trước khi đi ngủ, uống một cốc sữa ấm trước khi đi ngủ.
– Uống 1 lít nước ấm và đi bộ khoảng vài phút ngay lập tức vào buổi sáng.
– Bổ sung nhiều rau, củ quả để tăng cường chất xơ.
– Chỉ ăn khi đói, không nên ăn thành nhiều bữa và mỗi bữa ăn nên cách nhau 4 tiếng.
– Luyện tập đều đặn.
– Ngủ đủ giấc. Thiếu ngủ cũng chính là một trong số những thủ phạm gây nên căn bệnh táo bón.
– Hạn chế ăn những đồ ăn khô như đậu tương, lạc…
– Không nên ăn quá nhiều loại thức ăn trong một bữa ăn.
– Tránh xa thuốc lá, cà phê và trà đặc.
Trong trường hợp bệnh không được cải thiện, người bệnh có thể dùng thuốc, tuy nhiên cần có sự chỉ định của bác sĩ.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh