Khi nghĩ về việc thay đổi lối sống, ta thường chỉ nghĩ đến việc ăn uống lành mạnh và tập luyện thể chất mà bỏ quên đi giấc ngủ. Tuy nhiên, có một số bằng chứng cho thấy rằng chất lượng giấc ngủ vào ban đêm có thể ảnh hưởng đến mức độ mỡ máu của cơ thể. Ngủ quá ít có thể có tác động tiêu cực đến mức cholesterol, và ngủ quá nhiều cũng vậy.
Giấc ngủ ảnh hưởng đến lipid của cơ thể rất khác nhau và có sự khác biệt ở hai giới. Một số nghiên cứu cho thấy không có sự khác biệt đáng kể giữa giấc ngủ và tình trạng mỡ máu được ghi nhận, trong khi các nghiên cứu khác lại cho thấy ngủ quá ít hoặc quá nhiều có ảnh hưởng đến mức cholesterol của cơ thể trong đó có HDL (cholesterol tốt), LDL(cholesterol xấu) và triglyceride.
Nồng độ HDL và triglyceride ở phụ nữ bị ảnh hưởng bởi thời lượng giấc ngủ nhiều hơn so với nam giới trong một số nghiên cứu. Trong một số trường hợp, lượng HDL đã giảm tới 6mg/dL và mức triglyceride tăng lên đến 30mg/dL ở những phụ nữ ngủ dưới 6 tiếng hoặc trên 8 tiếng. Trong hầu hết các nghiên cứu được thực hiện cho đến nay, mức độ LDL dường như không bị ảnh hưởng bởi thời lượng giấc ngủ.
Ở nam giới, giấc ngủ lại có ảnh hưởng khác. Một vài nghiên cứu cho thấy mức LDL tăng đến 9mg/dL ở những nam giới ngủ ít hơn 6 tiếng. Và trong hầu hết các nghiên cứu, mức độ triglyceride và HDL ở nam giới không bị ảnh hưởng đáng kể bởi giấc ngủ.
Một nghiên cứu cũng gợi ý rằng ngủ quá nhiều (nhiều hơn tám tiếng) hoặc ngủ quá ít làm tăng nguy cơ mắc các hội chứng chuyển hóa, bao gồm giảm HDL, tăng nồng độ triglyceride, béo phì và tăng huyết áp và đường huyết.
Có mối quan hệ giữa giấc ngủ và mức lipid cao, nhưng có một số yếu tố có thể góp phần làm tăng cholesterol trong các nghiên cứu này. Trong một số nghiên cứu, người ta phát hiện ra rằng những người ngủ dưới sáu tiếng cũng có thói quen sinh hoạt kém hơn, bị căng thẳng trong công việc nhiều hơn, hay bỏ bữa hoặc ăn ít bữa hơn, không tập thể dục, và tất cả những điều này đều góp phần làm tăng mức cholesterol và triglyceride, cũng như làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
Ngoài ra, thiếu ngủ cũng ảnh hưởng đến các hormone như leptin và ghrelin, hai hormone điều tiết cảm giác thèm ăn cũng như liên quan đến bệnh tiểu đường. Hơn nữa, ít ngủ cũng được cho là có ảnh hưởng đến mức cortisol, có liên quan đến các phản ứng viêm và bệnh tim mạch.
Tuy đã có nhiều bằng chứng cho thấy mối liên hệ giữa tình trạng lipid máu và giấc ngủ, nhưng vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn để có thể khẳng định rõ ràng mối quan hệ này. Chất lượng giấc ngủ không tốt cũng có thể gây ra bệnh tim và các bệnh mạn tính khác. Vì vậy, ngủ đủ giấc cũng là một phần quan trọng trong để có một lối sống lành mạnh.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh