Viêm dạ dày ruột hay Tiêu chảy cấp ruột do Rotavirus, là nguyên nhân phổ biến nhất gây tiêu chảy nặng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Virus Rota là một chủng virus dạng vòng, có 7 nhóm A, B, C, D, E, F và G, trong đó chỉ có nhóm A, B, C gây bệnh cho người. Nhóm A hay gặp nhất, gây ra hầu hết các vụ dịch tiêu chảy nặng ở trẻ em, nhóm B và C thường gây các vụ dịch lẻ tẻ, hay gặp ở trẻ lớn và người trưởng thành.
Virus Rota có khả năng sống lâu trong môi trường nước nên khả năng lây nhiễm rất cao. Chúng tấn công nhanh vào hệ tiêu hóa còn non nớt của trẻ, gây tiêu chảy nặng, mất nước và tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh xảy ra nhiều nhất ở trẻ em dưới 5 tuổi. Ở các nước đang phát triển, hàng năm có khoảng trên 125 triệu ca tiêu chảy do vi rút Rota ở trẻ em dưới 5 tuổi. Trẻ càng nhỏ nguy cơ nhiễm bệnh càng cao vì vậy bệnh thường hay gặp ở trẻ dưới 2 tuổi, đặt biệt là dưới 12 tháng. Mỗi năm ở Mỹ có hơn 400.000 trường hợp nhiễm trong đó có 200.000 trường hợp nhập viện cấp cứu. Trong đó có 55.000 đến 70.000 trường hợp nhập viện, có 20 – 60 trường hợp tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi.
Rotavirus lây truyền như thế nào?
Tiêu chảy cấp do Rotavirus lây lan rất nhanh, chủ yếu qua con đường phân – miệng và tay – miệng. Virus Rota có thể sống trên các bề mặt tiếp xúc như đồ chơi, mặt bàn ghế, tay vịn, trong nước hoặc trên da. Trẻ dễ bị nhiễm virus Rota khi tiếp xúc với nguồn phân của những người đang bị nhiễm. Trẻ em cũng thường bị nhiễm virus Rota qua bàn tay bị nhiễm bẩn của mình. Khi trẻ cầm nắm đồ chơi hoặc chạm tay vào các bề mặt có virus rồi đưa tay lên miệng, virus sẽ dễ dàng xâm nhập vào đường tiêu hóa của trẻ và gây bệnh.
Trẻ nhiễm virus Rota đào thải một lượng siêu vi rất lớn. Mỗi 1ml phân của một trẻ bị tiêu chảy cấp do Rotavirus có thể chứa hơn 10.000 tỷ Rotavirus, trong khi chỉ cần chưa đến 10 virus này là đủ để lây bệnh cho con người.
Bệnh do Rotavirus có phòng ngừa được không?
Có thể phòng ngừa được bằng cách cho uống Vắc xin Rota phòng bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus dành cho trẻ từ 2 – 6 tháng tuổi.. Hiện tại ở Việt Nam hiện đang có 3 loại vắc xin ngừa Rotavirus đều chứng minh có hiệu quả với tác dụng gần như nhau, cũng như tác dụng phụ không mong muốn.
Vắc xin Rotarix (Bỉ) uống 2 liều và Vắc xin Rotateq (Mỹ) uống 3 liều. 2 loại này được công nhận bởi AAP và CDC, thuốc nhập nên giá thành mắc hơn.
Vắc xin Rotavin (Việt Nam): uống 2 liều. Sản xuất tại Việt Nam theo công nghệ của WHO nên giá thành rẻ hơn.
KHÔNG nên hoán đổi hai loại vắc -xin này mà nên cho bé uống cùng 1 loại vắc xin trong suốt liệu trình phòng ngừa bệnh do Rotavirus gây ra.
Có tác dụng phụ nào đáng kể sau khi uống ngừa Rotavirus hay không?
Khó chịu, tiêu chảy nhẹ hoặc nôn mửa tạm thời có thể xảy ra sau khi uống ngừa Rota. Nếu ói ngay sau khi uống ngừa Rotavirus cũng không khuyến cáo phải uống lại liều khác ngay nhé. Nguy bị lồng ruột sau uống ngừa Rota có thể xảy ra trong vòng một tuần sau liều vắc-xin thứ nhất hoặc thứ hai. Nguy cơ này rất thấp khoảng 1/20.000 đến 1/100.000 trẻ sơ sinh Hoa Kỳ có uống ngừa Rotavirus. Do đó phải theo dõi bé và báo với Bác sĩ ngay nếu bố mẹ thấy trẻ có triệu chứng bất thường trong vòng 1 tuần đầu sau uống ngừa Rotavirus.
Uống ngừa Rotavirus rồi bé hoàn toàn không bị tiêu chảy nữa?
Tiếc thay, điều nay không xảy ra nhé. Chúng ta chỉ đang ngừa được tình trạng tiêu chảy do Rotavirus gây ra mà thôi. Còn tiêu chảy thì do rất nhiều nguyên nhân khác nhau nên mình không thể ngừa được hết. Do đó việc ăn uống khoa học, vệ sinh vẫn phải tuân thủ mặc dù chúng ta đã cho trẻ uống ngừa tiêu chảy do Rotavirus rồi.
Do đó tuỳ theo kinh tế gia đình mà chúng ta có thể lựa chọn vắc xin phù hợp bố mẹ nhé!