Mỗi loại trà có tính chất và tác dụng khác nhau.
Phổ biến nhất là trà xanh, được làm từ cây trà có nguồn gốc ở Trung Quốc. Người Trung Quốc đã biết dùng trà từ 2500 năm trước Công Nguyên, sau đó tới Nhật Bản và nhiều nước Châu Á khác.
Thành phần chính trong trà bao gồm nhóm hợp chất polyphenol có khả năng ức chế các gốc tự do oxy, do đó có tác dụng chống được các bệnh ung thư và làm chậm quá trình lão hóa.
Ngoài ra còn có caffeine kích thích nhẹ thần kinh trung ương, hệ hô hấp và tim mạch, tạo cảm giác sảng khoái, dễ chịu, kích thích hoạt động của thận và tăng cường sự lưu thông máu.
Nhờ đó giúp cơ thể nhanh chóng thải bỏ các sản phẩm thừa của sự trao đổi chất, tăng cường sự trao đổi chất và sự hấp thụ oxy trong cơ thể.
Theo y học cổ truyền, trà xanh có tác dụng thanh nhiệt giải khát, tiêu hóa tốt, lợi tiểu, định thần... Dùng ngoài nấu nước ngâm rửa vết bỏng hay lở loét có tác dụng sát khuẩn, chóng lên da non...
Ngoài trà xanh, nhiều gia đình thường có thói quen dùng các loại trà vối. Đây là là loại cây mọc nhiều ở nhiệt đới.
Ở nước ta, từ lâu, cây vối được người dân dùng làm trà uống giải khát. Lá vối có tác dụng kiện tì, giúp ăn ngon, tiêu hóa tốt. Chất đắng, chát trong vối sẽ kích thích tiết nhiều dịch tiêu hóa, chất tanin bảo vệ niêm mạc ruột, tinh dầu vối có tính kháng khuẩn nhưng đặc biệt không hại vi khuẩn có ích trong ruột.
Ngoài ra, theo Đông y, vối có vị hơi chát, tính mát, không độc, tác dụng thanh nhiệt giải biểu, tiêu trệ, sát khuẩn. Dân gian thường dùng lá, vỏ, thân, hoa làm thuốc chữa đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy, mụn nhọt, viêm đại tràng mạn tính, lỵ trực trùng.
Tiếp đến là trà hoa cúc, cúc hoa còn gọi là cam cúc hoa, bạch cúc hoa, cúc hoa trắng, cúc điểm vàng, hoàng cúc. Thành phần chủ yếu có trong tinh dầu hoa cúc là bisabolol (levomenol), có tác dụng chống kích ứng, chống viêm và chống vi khuẩn.
Không những vậy, hoạt chất này còn giúp phái nữ sở hữu làn da rạng ngời hơn. Chúng được dùng như thành phần dưỡng da, giúp giảm bong tróc và kích thích quá trình tự phục hồi của da.
Trà atiso: atiso có tác dụng hạ cholesterol và urê trong máu, tạo mật, tăng tiết mật, lợi tiểu, thường được làm thuốc thông mật, thông tiểu tiện, chữa các chứng bệnh về gan, thận.
Atiso đã được sử dụng trong y học cổ truyền từ nhiều thế kỷ cho việc khắc phục các vấn đề cụ thể của lá gan và túi mật. Tại châu Âu, nó cũng được sử dụng cho các rối loạn về gan và túi mật.
Đầu tiền tránh uống trà khi đói: Lý do là bởi trà sẽ xâm nhập phế làm cho tỳ vị bị lạnh. Người uống dễ rơi vào tình trạng cồn cào, nôn nao, khó chịu, hoa mắt, chóng mặt… điều này rất nguy hiểm cho cơ thể.
Bên cạnh đó, cần tránh uống trà lạnh có thể gây đình trệ khí, phát sinh nhiều đờm tiết. Tránh pha trà để quá lâu dễ bị oxy hóa, nhiễm vi khuẩn có hại.
Đồng thời, tránh pha trà lại nhiều lần khi đó các nguyên tố vi lượng có trong trà sẽ không còn.
Ngoài ra, cần tránh uống trà trước bữa ăn vì nước trà sẽ làm loãng dịch vị hoặc tránh uống trà ngay sau bữa ăn bởi axit tannic có trong lá trà sẽ làm cho protein trong thức ăn trở nên cứng. Hơn nữa, nước trà cũng ức chế sự hấp thụ chất sắt.
Do đó, hãy uống trà sau khi ăn khoảng 30 phút, điều này sẽ có lợi cho sức khỏe.
Đặc biệt lưu ý, tránh dùng nước trà để uống thuốc bởi axit tannic có trong lá trà sẽ gây ảnh hưởng tới hiệu quả của thuốc.