Vai trò Vitamin A đối với thị lực

Nội dung

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hàng năm có trên 500.000 trẻ em bị mù do thiếu vitamin A. Tuy nhiên, thiếu Vitamin A không chỉ gây khô mắt dẫn tới mù loà mà nó còn làm tǎng nguy cơ tử vong, bệnh tật và làm giảm sự tǎng trưởng nhất là với  trẻ nhỏ.

Tác dụng vitamin A

Vitamin A là một vi chất có vai trò quan trọng đặc biệt đối với tất cả các cơ quan trong cơ thể chúng ta:

Trên mắt: Vitamin A có vai trò tạo sắc tố võng mạc giúp điều tiết mắt, mắt nhìn được trong điều kiện thiếu ánh sáng.

 

 

Cơ chế như sau: Trong bóng tối vitamin A (cis-retinal) kết hợp với opsin (là một protein) tạo nên sắc tố võng mạc rhodopsin là sắc tố ở võng mạc mắt nhạy cảm với ánh sáng có cường độ thấp, giúp mắt nhìn được trong điều kiện thiếu ánh sáng. Khi ra sáng rhodopsin lại bị phân huỷ cho opsin và trans-retinal, rồi trans-retinal vào máu để trở lại cis-retinol. Do đó nếu cơ thể thiếu Vitamin A khả năng nhìn trong bóng tối giảm gây bệnh quáng gà, nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến mù loà.

Ngoài ra Vitamin A vẫn được biết đến với việc giúp chúng ta có làn da khoẻ mạnh, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể tránh được các bệnh truyền nhiễm, giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư và các bệnh khác.

 

Hậu quả của việc thiếu vitamin A

Với vai trò rất quan trọng như vậy, nếu thiếu vitamin A, chúng ta dễ mắc các bệnh liên quan đến mắt như: khô mắt, quáng gà, loét giác mạc – thậm chí mù lòa. Ngoài vấn đề ở mắt, thiếu vitamin A có thể dẫn đến các hậu quả khó nhận biết như chậm tăng trưởng, suy dinh dưỡng ở trẻ em, giảm sức đề kháng làm trẻ hay mắc bệnh viêm đường hô hấp hay tiêu hóa, da bị sừng hóa, bong vảy và tróc, gây phá vỡ hàng rào bảo vệ, tạo điều kiện nhiễm trùng da tại chỗ.

Nhu cầu Vitamin A hàng ngày của chúng ta rất nhỏ nhưng tình trạng thiếu Vitamin A vẫn còn là vấn đề báo động trong cộng đồng. Vậy nguyên nhân do đâu, chúng ta cùng tìm hiểu trong kỳ II nhé.

 

Nguyên nhân gây thiếu Vitamin A

  Đặc điểm của Vitamin A

  • Cơ thể không tự tổng hợp được Vitamin A mà phải lấy từ bên ngoài vào.
  • Là vitamin tan trong dầu, nên sẽ hấp thu cùng với chất dầu vào vòng tuần hoàn chung, vì vậy khi cơ thể không hấp thu được dầu thì không hấp thu được Vitamin A.
  • Quá trình hấp thu đòi hỏi phải có acid mật do gan tiết ra để tiêu hoá thức ăn là dầu, do đó muốn hấp thu được tốt thì nên uống trong hoặc sau bữa ăn.
  • Gan là nơi dự trữ lượng Vitamin A dư thừa.

 

Vì vậy những nguyên nhân gây thiếu Vitamin A bao gồm

  •  Do ăn uống thiếu Viatmin A hoặc betacaroten: Thiếu vitamin A kéo dài khi chế độ ăn thiếu rau và hoa quả tươi. Tuy vậy bữa ǎn đủ Vitamin A nhưng lại thiếu đạm và dầu mỡ cũng làm giảm khả nǎng hấp thu và chuyển hoá Vitamin A. Trẻ đang bú thì nguồn Vitamin A là sữa mẹ, nếu trong thời kỳ này mẹ ǎn thiếu Vitamin A sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đứa trẻ.
  • Do rối loạn quá trình hấp thu:
    •  Rối loạn quá trình hấp thu vitamin A ở ruột: ỉa chảy kéo dài, lỵ, tắc mật.
    •  Do suy giảm chức năng gan: gan có vai trò quan trọng trong chuyển hóa vitamin A. Gan tiết ra dịch mật để hấp thu Lipid (mỡ, dầu), và vitamin A, D... Hơn nữa gan là nơi dự trữ vitamin A cho cơ thể. Khi chức năng gan suy giảm quá trình hấp thu Vitamin A bị rối loạn gây thiếu Vitamin A.
  • Do tăng nhu cầu vitamin A:
    • Bà mẹ đang cho con bú nhất là trong nǎm đầu, nếu ǎn uống thiếu Vitamin A thì trong sữa sẽ thiếu Vitamin A dẫn đến thiếu Vitamin A ở con. Trẻ không được bú mẹ thì nguy cơ thiếu Vitamin A càng cao.
    • Trẻ càng nhỏ càng dễ bị thiếu vitamin A vì nhu cầu cao gấp 5 6 lần người lớn. Trẻ bị sởi, thủy đậu, viêm phế quản, lao, nhiễm trùng tiết niệu... thì nhu cầu vitamin A tăng trong thời gian bị bệnh mà thức ăn không đủ cung cấp.

 

Phòng chống thiếu Vitamin A như thế nào.

 Đảm bảo ăn uống đầy đủ: Vitamin A có nhiều trong thực phẩm có nguồn gốc động và thực vật như gan, lòng đỏ trứng, bơ, sữa, thịt... hoặc rau quả có màu xanh, màu vàng, màu đỏ (gấc, cà rốt, cà chua, khoai lang...), là người nội trợ chúng ta cần tìm hiểu để cung cấp đầy đủ cho các thành viên trong gia đình. Bữa ǎn cần cân đối và có đủ chất đạm và dầu mỡ giúp tǎng hấp thu và chuyển hoá Vitamin A.

  • Thời kỳ mang thai và cho con bú bà mẹ cần ǎn đủ chất, chú ý thức ǎn giàu Vitamin A, caroten, đạm, dầu mỡ. Cho trẻ bú mẹ đủ thời gian và chú ý tiêm chủng phòng bệnh cho trẻ.
  • Cho trẻ uống Vitamin A dự phòng đúng theo chương trình uống Vitamin A mở rộng của Bộ y tế.
  • Đối với những đối tượng có biểu hiện thiếu Vitamin A mà chế độ ăn không bổ sung đủ như mắc các bệnh về mắt (quáng gà, suy giảm thị lực, khô mắt...) thì việc bổ sung sản phẩm bổ mắt có cung cấp Vitamin A là cần thiết.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top