Bệnh trĩ là hậu quả của tình trạng giãn quá mức các đám rối tĩnh mạch tại vùng hậu môn – trực tràng. Nhiều yếu tố nguy cơ từ lối sống và thói quen sinh hoạt có thể làm tăng áp lực lên hệ tĩnh mạch hậu môn, gây ứ máu và hình thành búi trĩ. Dưới đây là một số nguyên nhân chính:
Việc ít vận động làm giảm lưu thông máu, giảm co bóp của các cơ quan trong ổ bụng, bao gồm cả cơ thắt hậu môn.
Tình trạng này lâu dài làm suy yếu chức năng của cơ nâng hậu môn, tăng nguy cơ hình thành búi trĩ.
Stress gây rối loạn hệ thần kinh tự chủ, ảnh hưởng đến nhu động ruột và chức năng tiêu hóa.
Tình trạng ức chế co giãn cơ trơn tại hậu môn làm tăng nguy cơ táo bón – một yếu tố chính gây trĩ.
Cơ thể thiếu nước khiến phân khô, cứng, gây khó khăn khi đại tiện và tăng áp lực khi rặn.
Thiếu nước cũng ảnh hưởng đến độ đàn hồi thành mạch, làm tĩnh mạch dễ giãn và ứ máu.
Chế độ ăn nghèo chất xơ dẫn đến táo bón mạn tính, gây rặn mạnh khi đại tiện.
Rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt là nguồn chất xơ cần thiết để làm mềm phân, thúc đẩy nhu động ruột.
Tư thế tĩnh trong thời gian dài khiến máu dồn xuống vùng chậu và hậu môn, gây ứ trệ tuần hoàn tĩnh mạch.
Các đối tượng nguy cơ cao: nhân viên văn phòng, tài xế, thợ may, công nhân dây chuyền, giáo viên, người chơi game kéo dài...
Lao động nặng hoặc mắc các bệnh lý làm tăng áp lực ổ bụng (như ho nhiều do giãn phế quản, COPD) cũng là yếu tố thúc đẩy giãn tĩnh mạch trĩ.
Để phòng ngừa bệnh trĩ và hỗ trợ điều trị hiệu quả, cần điều chỉnh chế độ sinh hoạt toàn diện:
Đi đại tiện đúng giờ, mỗi ngày một lần, tránh nhịn hoặc rặn mạnh.
Không ngồi lâu trên bồn cầu. Có thể kê ghế dưới chân để tư thế đại tiện thuận lợi hơn.
Uống đủ 1.5–2 lít nước/ngày.
Tăng cường chất xơ từ rau đay, rau mồng tơi, bí đỏ, khoai lang, trái cây tươi...
Hạn chế đồ cay nóng, thực phẩm nhiều dầu mỡ, chất kích thích như rượu, bia, cà phê, thuốc lá.
Tập thể dục nhẹ nhàng mỗi ngày: đi bộ, bơi lội, yoga.
Tránh ngồi hoặc đứng lâu, nên thay đổi tư thế thường xuyên trong giờ làm việc.
Vệ sinh sạch sẽ vùng hậu môn sau mỗi lần đại tiện bằng nước ấm hoặc khăn ướt không hương liệu.
Có thể ngâm hậu môn với nước muối ấm 1–2 lần/ngày nếu có biểu hiện khó chịu.
Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ khi có chỉ định.
Bệnh trĩ hoàn toàn có thể phòng ngừa và kiểm soát tốt nếu người bệnh nhận thức đúng về nguyên nhân và có kế hoạch điều chỉnh lối sống phù hợp. Việc khám sớm và điều trị đúng giai đoạn sẽ giúp tránh các biến chứng nặng nề và giảm gánh nặng cho người bệnh.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh