Giảm cân không đúng cách sẽ tăng nguy cơ gây sỏi mật

Jo Lisgo, một giáo viên 31 tuổi, người Anh đã trải qua các cơn ợ nóng, đau quặn bụng khi mang thai đứa con đầu lòng. Cô chia sẻ: “Các cơn đau bụng nghiêm trọng tới mức khiến tôi nôn mửa, cảm giác như cơ thể cần phải đẩy thứ gì đó ra khỏi bụng. Thú thật các cơn đau quặn bụng khi đó là điều tồi tệ nhất mà tôi từng trải qua, thậm chí còn đau đớn hơn cả khi sinh”.

Khi đó, Jo mới 25 tuổi và đang mang thai 12 tuần. Khi đi khám, các bác sỹ nhanh chóng xác định nguyên nhân gây ra các cơn đau quặn bụng của cô là do sỏi mật. Họ cũng cho biết Jo đã bị viêm túi mật nghiêm trọng, tới mức túi mật có thể vỡ ra bất kỳ lúc nào và cô cần phẫu thuật ngay để cứu mạng mình và bé trai chưa chào đời.

 

Jo Lisgo từng trải qua những cơn đau quặn bụng do sỏi mật

Chỉ mới 25 tuổi, có cơ thể cân đối, Jo Lisgo không thể ngờ mình là ứng viên của bệnh sỏi mật. Căn bệnh này chủ yếu xảy ra với những người trên 40 tuổi, những người có chế độ ăn nhiều chất béo, nhiều calorie. Tuy nhiên, hiện nay, số người bị sỏi mật đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt là ở những phụ nữ trong độ tuổi trẻ (trên 20 tuổi), thậm chí cả ở độ tuổi thanh thiếu niên, các chuyên gia Anh cảnh báo.

Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân khiến sỏi mật hình thành sớm, nhanh chóng hơn có thể là do xu hướng nhịn ăn ngắt quãng, giảm cân nhanh chóng. Theo nghiên cứu trên Tạp chí Gastroenterology (Mỹ), giảm cân nhanh chóng sau phẫu thuật giảm cân có thể làm tăng nguy cơ nhập viện do sỏi mật tới 10 lần.

Các chuyên gia cho biết, sỏi mật thường mất từ 2 năm trở lên để hình thành. Tuy nhiên, việc nhịn ăn ngắt quãng, giảm cân nhanh chóng có thể đẩy nhanh tốc độ hình thành sỏi mật lên vài tháng. Nguyên nhân là bởi giảm lượng thức ăn hàng ngày khiến túi mật không được làm rỗng hoàn toàn, khiến dịch mật ứ đọng và trở nên đặc hơn, dần dần hình thành nên sỏi mật.

Trước khi trải qua các cơn đau do sỏi mật, Jo Lisgo cho biết cô từng có nhiều năm ăn uống thất thường, hết tăng cân do ăn uống không kiểm soát với các món ăn vặt lại tới giai đoạn ăn kiêng để giảm cân nhanh chóng. Dù chỉ cao 1m6, cân nặng của Jo thường xuyên dao động trong khoảng từ 57 - 64kg.

Trên thực tế, bất cứ điều gì làm chậm quá trình giải phóng dịch mật, ví dụ như lười vận động, mắc bệnh đái tháo đường type 2, hội chứng ruột kích thích… đều có thể làm tăng nguy cơ bị sỏi mật. Mang thai, uống thuốc tránh thai hoặc thực hiện liệu pháp thay thế hormone (HRT) cũng có thể làm thay đổi nồng độ hormone trong cơ thể, từ đó dẫn tới sỏi mật.

Khoảng 80% những người bị sỏi mật sẽ không có triệu chứng. Nguyên nhân là bởi các viên sỏi nhỏ có thể dễ dạng lọt qua ống dẫn mật, đi vào đường tiêu hóa mà không gây ra triệu chứng gì nghiêm trọng. Tuy nhiên, các vấn đề có thể phát sinh nếu viên sỏi mật lớn hơn và bị mắc kẹt lại trong các ống dẫn mật. Lúc này, sỏi mật có thể gây viêm túi mật, dẫn tới các cơn đau đớn kéo dài nhiều giờ đồng hồ, đặc biệt là sau khi ăn. Sỏi mật cũng có thể gây ra các biến chứng như vàng da, viêm tụy, thậm chí có thể dẫn tới tử vong.

Do đó, nếu nhận thấy mình có các triệu chứng đau ở vùng bụng trên, bên phải, đi kèm với các triệu chứng đầy bụng, chậm tiêu… bạn nên đi khám để được chẩn đoán và xử lý kịp thời. Thông thường, người bị sỏi mật sẽ phải chuyển sang chế độ ăn ít chất béo, tập thể dục thường xuyên hơn để ngăn ngừa sỏi mật tiến triển.

Tuy nhiên, nếu thường xuyên bị đau bụng do sỏi mật, các bác sỹ có thể đề nghị bạn làm phẫu thuật cắt túi mật để loại bỏ sỏi mật, phòng ngừa viêm túi mật.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top