✴️ Axit hyaluronic trong chăm sóc da

Nội dung

Định nghĩa, tác dụng

Chất Hyaluronic Acid (HA) được khám phá ra lần đầu tiên vào khoảng năm 1934, tách ra từ mắt bò, cái tên Hyaluronic có nghĩa là trong suốt như thủy tinh. Đến năm 1951 các nhà khoa học mới xác định rõ cấu trúc của HA là một phân tử đường, tên khoa học Polysaccharide, có khối lượng phân tử nằm trong khoảng 600.000 đến 1.000.000 đơn vị Dalton, lớn hơn rất nhiều phân tử đường thông thường (340 Dalton). Cấu trúc này đem đến cho HA khả năng giữ nước vượt trội, 1 gram HA có thể giữ tới 6l nước.

Khoảng một nửa lượng axit hyaluronic trong cơ thể có trong da. Axit này đóng vai trò quan trọng đối với làn da, kiểm soát các đặc điểm vật lý và sinh hóa của tế bào biểu bì; điều chỉnh hàm lượng nước, độ đàn hồi và sự phân phối các chất dinh dưỡng của da. Chỉ số TEWL (lượng nước bốc hơi khỏi da) của HA rất nhỏ, làm chậm tốc độ nước bay hơi, và giúp cho da luôn ngậm nước. Việc này cũng làm giảm sự xuất hiện của các nếp nhăn, khiến làn da trông mịn màng hơn. Khả năng hấp thụ nước và cấu trúc phân tử lớn của HA cũng cho phép lớp biểu bì trở nên mềm mại. Ngoài ra, HA được chứng minh có thể giúp vết thương mau lành hơn bằng cách điều chỉnh mức độ viêm và phát tín hiệu để cơ thể tạo thêm các mạch máu ở khu vực bị tổn thương. HA cũng có đặc tính kháng khuẩn nên có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng khi bôi trực tiếp lên vết thương hở. HA đã được sử dụng để điều trị bệnh chàm, bệnh rosacea trên khuôn mặt, và giảm sự xuất hiện của các nếp nhăn.

Các sản phẩm bổ sung axit hyaludronic

Tuy nhiên, quá trình lão hóa tự nhiên và việc tiếp xúc với những yếu tố khác như bức xạ tia cực tím từ mặt trời, khói thuốc lá và môi trường ô nhiễm có thể làm giảm lượng của HA trong da. Chính vì vậy, các sản phẩm có bổ sung HA đã ra đời và rất được ưa chuộng. HA có nhiều cách sử dụng. Nhiều người xem HA như một chất bổ sung (supplement), nhưng nó cũng được sử dụng trong serum bôi ngoài da, thuốc nhỏ mắt và thuốc tiêm.

Khi thoa lên da, axit hyaluronic tạo một lớp màng tương tự như cách nó giữ nước trong cấu trúc gian bào của các mô liên kết da, từ đó hình thành lớp nền ẩm (moisturizer base). Hơn nữa, khả năng giữ nước mang lại sự mịn màng tức thì cho bề mặt da khô và cải thiện đáng kể vẻ ngoài của da. Da ngậm nước cũng làm giảm sự xuất hiện của các nếp nhăn, giải thích tại sao một số nghiên cứu cho thấy rằng việc bổ sung HA có thể làm cho làn da trông mịn màng hơn. Theo các nhà sản xuất, việc sử dụng axit hyaluronic trong mỹ phẩm cũng góp phần làm giảm hàm lượng các chất đóng vai trò bôi trơn và chất làm mềm da trong công thức, từ đó tạo nên một sản phẩm không thiên dầu.

Một số nghiên cứu cho thấy sử dụng HA bổ sung trên da có thể làm giảm mẩn đỏ và viêm da. Về đặc tính chữa lành các vết thương, các nghiên cứu về các loại gel và serum chứa HA cho những kết quả triển vọng, nhưng vẫn chưa có nghiên cứu nào xác định liệu chất bổ sung (supplements) HA có thể mang lại những lợi ích tương tự hay không. Một nghiên cứu trên 50 bệnh nhân bị loét tĩnh mạch chân, cho thấy rằng việc đắp miếng gạc với 4 gam kem natri hyaluronate 0,05% trong 21 ngày làm giảm đáng kể mức độ nghiêm trọng của sưng (p <0,001) và rỉ nước ( p <0,001). Nó cũng giúp giảm mẩn đỏ, đau và hoại tử.

Một nghiên cứu khác với 152 bệnh nhân cho thấy bôi kem axit hyaluronic 0,2% hai lần mỗi ngày giúp chữa lành vết thương do xạ trị. Một nghiên cứu khác, 111 bệnh nhân trưởng thành (18-75 tuổi) bị bỏng độ hai, được yêu cầu bôi 0,2% axit hyaluronic + 1% kem sulfadiazine bạc hoặc một mình kem sulfadiazine bạc 1% trong tối đa 4 tuần. Cả hai phương pháp điều trị đều hiệu quả và tất cả các vết thương đều được chữa lành, nhưng nhóm kem axit hyaluronic có thời gian chữa lành ngắn hơn đáng kể (p = 0,0073). Một nghiên cứu tương tự với nghiên cứu ở trên đã được thực hiện. Sulfadiazine bạc cộng với axit hyaluronic chữa lành vết thương nhanh hơn rất nhiều so với sulfadiazine bạc.

Để phát huy tối đa hiệu quả của axit hyaluronic trong mỹ phẩm, sản phẩm cần được sử dụng thường xuyên vì HA sẽ bị phân hủy trong da trong vòng 24 đến 48 giờ sau khi sử dụng. Liều dùng 120–240 mg mỗi ngày trong ít nhất một tháng đã được chứng minh là làm tăng đáng kể độ ẩm cho da và giảm khô da ở người lớn. Lưu ý, lời khuyên trên không áp dụng cho trường hợp tiêm axit hyaluronic vì công nghệ sử dụng khác nhau.

Khối lượng & kích thước của axit hyarulonic ảnh hưởng đến tác dụng

HA được chia thành các dạng như sau theo khối lượng phân tử:

  • Trọng lượng phân tử cao (HMW) HA = 1,0 – 1,5 Triệu Dalton (1000 – 1.500 kDa)
  • Trọng lượng phân tử thấp (LMW) HA = 0,8 – 1,0 Triệu Dalton (800 – 1000 kDA)
  • Trọng lượng phân tử rất thấp (ELMW) HA = 80.000 – 110.000 Dalton (80 – 100 kDa)
  • Trọng lượng phân tử siêu thấp (SLMW) HA = dưới 50.000 Daltons (50 kDa)
  • Trọng lượng phân tử cực kỳ thấp (ULMW) HA = nhỏ hơn 6.000 Dalton (6 kDa)

Kích thước và trọng lượng phân tử của HA có ảnh hưởng rất lớn đến khả năng tác dụng, quyết định khả năng thâm nhập vào da. Loại hyaluronic sử dụng phải nằm trong khoảng từ 50.000 đến 1.000.000 dalton (50 – 1.000 kDa) để có tác dụng tốt cho da. Nếu khối lượng cao hơn, HA sẽ khó đi qua hàng rào da và không tạo ra quá nhiều khác biệt.

Một nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy HA trọng lượng phân tử thấp (110 kDA – 300 kDA) cải thiện vết thương, trong khi HA trọng lượng phân tử cao (1.000 – 1.400 kDa) và HA trọng lượng phân tử siêu thấp (5 – 20 kDa) không có tác dụng chữa lành.

Một nghiên khác cứu trên 66 đối tượng nữ từ 30 đến 60 tuổi với các dấu hiệu lâm sàng của nếp nhăn cho thấy việc điều trị với 130 kDa HA là hiệu quả nhất, giúp tăng độ đàn hồi của da lên 20%. Cả nhóm 50 và 130 kDa đều có sự cải thiện đáng kể về độ sâu nếp nhăn và độ sần của da sau 60 ngày.

Các tác dụng phụ và biện pháp phòng ngừa

 Axit hyaluronic nói chung rất an toàn để sử dụng, với ít tác dụng phụ được báo cáo, vì cơ thể sản sinh ra nó một cách tự nhiên nên rất hiếm khi xảy ra phản ứng dị ứng. Hiện nay, chưa có nhiều nghiên cứu chi tiết về ảnh hưởng của HA trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú. Ngoài ra còn có một số bằng chứng cho thấy các tế bào ung thư nhạy cảm với axit hyaluronic và việc uống bổ sung có thể khiến chúng phát triển nhanh hơn. Vì lý do này, người ta thường khuyên những người mắc bệnh ung thư hoặc có tiền sử ung thư nên tránh bổ sung nó. Tiêm axit hyaluronic vào da hoặc khớp có nguy cơ xảy ra tác dụng phụ cao hơn. Tuy nhiên, các phản ứng tiêu cực chủ yếu liên quan đến quy trình tiêm, hơn là bản thân axit hyaluronic.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top