✴️ Điều trị triệu chứng của bệnh Covid: không phải thuốc gì cũng có thể dùng!

Nội dung

Các thuốc giảm đau, hạ sốt

Paracetamol là hoạt chất đầu tay được khuyến cáo sử dụng để hạ sốt, giảm đau trong trường hợp bệnh nhân không có bệnh gan, thận mạn tính. Ngoài ra, một số nhóm thuốc giảm đau khác cũng có thể được khuyên dùng để điều trị triệu chứng gây ra do Covid (ví dụ ho nhiều gây đau).

Tuy nhiên, Ibuprofen hay các NSAID khác được khuyến cáo không dùng cho bệnh nhân bị hen suyễn, phụ nữ có thai (giai đoạn cuối), bệnh tim mạn tính, chức năng gan, thận yếu, người bị loét hoặc xuất huyết dạ dày.

Thuốc Aspirin (một loại NSAID) có công dụng kháng viêm, giảm đau, hạ sốt ở liều cao. Khi dùng ở liều thấp kéo dài, Aspirin có tác dụng chống tập kết tiểu cầu và giúp ngăn ngừa các bệnh lý liên quan tim mạch như dự phòng thứ phát nhồi máu cơ tim hay đột quỵ do thiếu máu não. Aspirin không được khuyến cáo dùng cho trẻ dưới 16 tuổi vì nguy cơ gây ra hội chứng Reye (có thể gây sưng phù ở não, gan), các tác dụng phụ nghiêm trọng (tăng huyết áp, loét dạ dày, khó cầm máu, suy thận cấp, nhiễm toan chuyển hóa, co thắt phế quản...).

 

Thuốc kháng sinh

Thuốc kháng sinh chỉ diệt vi khuẩn và không có hiệu quả trong điều trị bệnh do virus gây ra như Covid-19. Azithromycin là một trong các loại kháng sinh được dùng nhiều nhất với suy đoán giúp bệnh nhân Covid-19 nhanh phục hồi và giảm khả năng nhập viện. Các thử nghiệm lâm sàng đã chứng minh điều này không đúng. Dù dùng một mình hay kết hợp với Hydroxychloroquine (một thuốc trị sốt rét), chúng cũng không mang lại lợi ích gì nhiều.

Theo các chuyên gia truyền nhiễm, hydroxycloroquin/chloroquin có rất nhiều tác dụng phụ đã được ghi nhận như ảnh hưởng thị lực mắt, gây ra các rối loạn tạo máu khác nhau như thiếu máu bất sản, mất bạch cầu hạt, giảm bạch cầu, thiếu máu, tan máu ở bệnh nhân thiếu hụt G6PD. Thuốc này cũng gây ra các bệnh lý tim mạch như kéo dài khoảng QT, bệnh lý của cơ tim… đây là tác dụng nguy hiểm nhất có thể dẫn đến xoắn đỉnh, rung thất và đột tử.

Nếu có chỉ định kháng sinh - đó là cân nhắc về bội nhiễm (nhiễm kèm thêm) vi khuẩn gây bệnh ở phổi trên nền suy yêu do virus Corana gây ra! Kháng sinh khi được kê cho bệnh nhân Covid-19 là nhằm bảo vệ khỏi nhiễm trùng do các vi khuẩn gây ra như nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm phổi, nhiễm trùng huyết trong quá trình điều trị tại bệnh viện. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa nắm rõ lý do này và có thói quen "uống cho chắc". Vì vậy, kháng sinh bị lạm dụng trong thời điểm dịch bùng phát căng thẳng. Đây có thể coi là hiểm họa ẩn mình của Covid-19.

Các loại kháng sinh có nhiều tác dụng phụ khác nhau, với Azithromycin mối lo lớn nhất là gây loạn nhịp tim. Ngoài ra, lạm dụng kháng sinh sẽ dẫn tới sự xuất hiện của vi khuẩn siêu đề kháng thuốc, đây là mối lo cho nhân loại còn lớn hơn cả nCoV.

 

Thuốc kháng viêm

Các thuốc kháng viêm nhóm Corticosteroid như Dexamethasone, Prednisone hay Hydrocortisone..., được chỉ định để ức chế rối loạn viêm và hệ thống miễn dịch. Các thuốc này thường được áp dụng trong phác đồ điều trị Covid-19 tại nhiều nơi trên thế giới nhờ độ hiệu quả đi kèm với giá thành rẻ và dễ tìm mua.

FDA khuyến cáo Corticosteroid nên sử dụng cho các bệnh nhân Covid-19 nhập viện, đang điều trị bằng Corticosteroid toàn thân. Tuy nhiên, người bệnh cần được theo dõi cẩn thận vì các tác dụng phụ mà thuốc này gây ra không hề nhẹ. Người bệnh nên dùng đúng liều lượng do bác sĩ kê. Ngoài ra, bạn chỉ nên dùng các thuốc kháng viêm khi hiện tượng viêm xảy ra gây khó chịu vì đây là phản ứng có lợi của cơ thể nhằm tiêu diệt vi khuẩn.

Việc lạm dụng các thuốc này có thể gây ức chế chức năng của hệ miễn dịch, khiến hiệu quả của vaccine hay kháng sinh bị giảm, mất cân bằng nội tiết tố, tăng đường huyết. Dùng lâu dài (≥ 1 tháng) có thể gây hỏng màng nhầy đường tiêu hóa và chảy máu đường ruột, loãng xương, tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể, giữ nước gây sưng, tăng cân, lo lắng và rối loạn giấc ngủ.

 

* Lưu ý thêm: Điều trị triệu chứng chỉ áp dụng cho trường hợp bệnh Covid nhẹ. Vì là điều trị triệu chứng cho những ca bệnh nhẹ (tỷ lệ khỏi cao) - nên rất dễ xảy ra hiện tượng "kinh nghiệm chủ nghĩa" xuất hiện tràn lan trên mạng mà không cần kiểm chứng. Suy nghĩ "không tốt chỗ này cũng tốt chỗ kia" là vô cùng tai hại vì thuốc luôn có tác dụng phụ của nó, không có thứ thuốc nào là "an toàn với tất cả mọi người" và "tốt cho tất cả mọi người"

Tham khảo từ nhiều nguồn

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top