TIÊU CHUẨN THỰC HÀNH TRONG GIAI ĐOẠN THỰC HIỆN THUỐC ĐIỀU TRỊ UNG THƯ
Thực hiện thuốc đường tiêm truyền tĩnh mạch:
- Chuẩn bị trang bị bảo hộ: găng tay, áo bảo hộ, khẩu trang và các thiết bị như bơm tiêm, kim tiêm, dây truyền, thiết bị tiêm truyền tự động.
- Chuẩn bị sẵn bộ kít dùng cho sự cố tràn và thùng đựng rác thải y tế.
- Mặc trang phục bảo hộ: rửa tay, đeo đôi găng thứ nhất, mặc áo choàng rồi đeo khẩu trang, sau đó đeo đôi găng thứ hai.
- Luôn thực hiện các động tác ở vị trí thấp hơn vị trí của mắt.
- Kiểm tra trực quan thuốc trước khi truyền.
- Đặt một miếng thấm hút có mặt sau làm bằng plastic dưới vị trí tiêm truyền để thấm thuốc rò rỉ ra và ngăn ngừa thuốc tiếp xúc với da bệnh nhân.
- Chỉ được xả các thuốc không độc hại hoặc tráng dây truyền bằng các dung dịch không chứa thuốc độc hại ở khu vực thực hiện thuốc.
- Khi loại bọt khí khỏi bơm tiêm hoặc dây truyền, nên chặn đầu kim tiêm, bơm tiêm hoặc dây truyền bằng bông vô trùng tẩm cồn để thu hồi bất kỳ lượng thuốc điều trị ung thư nào ngẫu nhiên thoát ra.
- Luôn tráng dây truyền trước và sau mỗi lần thực hiện thuốc, giữa hai thuốc, bằng dung môi tiêm truyền thích hợp như natri clorid 0,9% hoặc glucose 5%.
- Truyền thuốc theo y lệnh (kiểm soát tốc độ truyền,...)
- Làm sạch bề mặt tiếp xúc với thuốc độc hại bằng chất tẩy rửa thích hợp.
- Loại bỏ bơm tiêm, chai truyền (vẫn gắn với bộ dây truyền) đã sử dụng vào túi/hộp chứa rác thải độc hại theo quy định xử lý rác thải y tế.
- Tháo và loại bỏ găng cẩn thận, rửa tay ngay sau khi tháo găng.
- Thực hiện thuốc đường tiêm bắp hoặc tiêm dưới da:
- Chuẩn bị trang phục bảo hộ (2 lớp găng tay, áo bảo hộ, kính bảo hộ, khẩu trang) và thiết bị cần thiết (bơm tiêm, kim an toàn, kim rút thuốc ra).
- Chuẩn bị sẵn bộ kít dùng cho sự cố tràn và thùng đựng rác thải y tế.
- Mặc trang phục bảo hộ: rửa tay, đeo đôi găng thứ nhất, mặc áo bảo hộ rồi đeo khẩu trang, sau đó đeo đôi găng thứ hai.
- Luôn thực hiện các động tác ở vị trí thấp hơn vị trí của mắt.
- Kiểm tra trực quan thuốc trước khi tiêm.
- Tiêm thuốc theo y lệnh.
- Tháo nắp bơm tiêm và nối với hệ thống kim an toàn.
- Không loại bọt khí từ bơm tiêm hoặc tráng kim an toàn.
- Loại bỏ ống tiêm (vẫn gắn với hệ thống kim an toàn) đã sử dụng vào túi/hộp chứa rác thải độc hại theo quy định xử lý rác thải y tế.
- Tháo và loại bỏ găng cẩn thận, rửa tay ngay sau khi tháo găng.
MỘT SỐ NỘI DUNG TƯ VẤN CHO NGƯỜI BỆNH MẮC BỆNH UNG THƯ
Thông tin về hóa trị
Hóa trị là gì?
Hóa trị là thuốc được sử dụng để ngăn chặn các tế bào phát triển nhanh, trong đó có các tế bào ung thư và cả các tế bào khỏe mạnh phát triển. Vì vậy, có thể gây ra một số tác dụng phụ như rụng tóc, buồn nôn và giảm bạch cầu. Các tác dụng bất lợi thường đỡ hơn hoặc biến mất sau khi dừng điều trị.
Hóa trị được thực hiện như thế nào?
- Hóa trị được đưa vào cơ thể theo nhiều đường khác nhau nhưng phổ biến nhất là đường tiêm truyền tĩnh mạch hoặc đường uống.
- Thuốc dùng đường tĩnh mạch được tiêm truyền trực tiếp vào máu thông qua một ống đặt vào cánh tay hoặc ngực. Những loại thuốc này cần được thực hiện tại chuyên khoa ung thư của bệnh viện.
- Thuốc hóa trị đường uống là viên nén hoặc viên nang.
- Hóa trị có thể được sử dụng theo chu kỳ. Một chu kỳ là thời gian giữa các lần điều trị và được tính bao gồm cả ngày hóa trị. Vì hóa trị tấn công các tế bào phát triển nhanh, cơ thể Ông/Bà sẽ cần thời gian để phục hồi lại các tế bào khỏe mạnh sau mỗi lần điều trị.
- Hóa trị có thể bao gồm một loại thuốc hoặc là phối hợp của hai hoặc nhiều loại thuốc.
- Các loại thuốc phối hợp trong hóa trị đều có tác dụng ngăn chặn các tế bào ung thư phát triển nhanh, nhưng mỗi loại tấn công tế bào ung thư theo các cách khác nhau.
Một số điều khác Ông/Bà nên biết về điều trị?
Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc hóa trị nếu dùng cùng nhau. Hãy thông tin bác sĩ những loại thuốc bản thân Ông/Bà đang dùng như:
- Thuốc điều trị theo chuyên khoa khác
- Các loại thảo mộc
- Vitamin
- Thuốc không kê đơn
- Trước khi hóa trị có thể cần lấy máu để xét nghiệm.
- Điều trị có thể làm cho cơ thể Ông/Bà dễ bị nhiễm trùng. Nên rửa tay thường xuyên và tránh tiếp xúc với những người bị bệnh trong thời gian điều trị.
- Nên uống đủ nước mỗi ngày trong thời gian hóa trị trừ khi Ông/Bà được yêu cầu hạn chế lượng nước sử dụng, nên hỏi kỹ bác sĩ về lượng nước được phép sử dụng.
- Thuốc hóa trị có thể gây buồn nôn. Ông/Bà có thể cần sử dụng một số thuốc trước khi hóa trị để giúp ngăn ngừa buồn nôn hoặc nôn. Ăn một số bữa nhỏ trong ngày có thể giúp giảm buồn nôn.
- Phụ nữ không nên mang thai và nên sử dụng biện pháp tránh thai trong khi hóa trị.
- Đàn ông được điều trị hóa trị nên sử dụng phương pháp tránh thai (bao cao su) khi quan hệ tình dục.
- Hóa trị có thể ảnh hưởng đến khả năng có con của Ông/Bà. Cần trao đổi với bác sĩ trước khi hóa trị nếu Ông/Bà dự định có con trong tương lai.
Tác dụng phụ giảm bạch cầu
Bạch cầu đóng vai trò quan trọng trong chống nhiễm trùng. Khi số lượng bạch cầu giảm xuống dưới mức bình thường, Ông/Bà có nhiều nguy cơ bị nhiễm trùng hơn. Một trong các nguyên nhân khiến bạch cầu xuống dưới mức bình thường là xạ trị hoặc hóa trị.
Các biện pháp phòng ngừa nhiễm trùng khi số lượng bạch cầu giảm
- Rửa tay thường xuyên, đặc biệt là trước và sau khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Người khác nên rửa tay trước khi tiếp xúc với Ông/Bà.
- Không dùng chung khăn với người khác.
- Vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Thoa kem dưỡng da cho da khô. Kiểm tra da xem có bị vết cắt, phát ban, đỏ, sưng, đau, ngứa, thoát nước hoặc mùi. Nếu bị vết cắt trên da và không lành trong ba ngày, xin ý kiến bác sĩ điều trị.
- Đánh răng sau khi ăn và trước khi đi ngủ bằng bàn chải đánh răng mềm. Súc miệng bằng dung dịch súc miệng không có cồn.
- Thông tin đến bác sĩ về bất kỳ vết đỏ, mảng trắng, vết cắt hoặc vết sưng ở bên trong miệng, nướu hoặc môi, đau họng, ho.
- Giữ móng tay và móng chân cắt ngắn và sạch sẽ.
- Khi đi tiểu hoặc đi tiêu, dùng khăn giấy mềm lau từ trước ra sau và rửa tay kỹ.
- Liên hệ nhân viên y tế nếu nước tiểu thay đổi về màu sắc, có mùi hoặc tiểu són.
- Trao đổi với nhân viên y tế nếu bị tiêu chảy.
- Tránh sử dụng lưỡi dao hoặc các vật sắc nhọn.
- Đeo găng tay khi làm vườn.
- Kiểm tra nhiệt độ cơ thể hai lần một ngày, vào buổi sáng và trước khi đi ngủ. Liên hệ nhân viên y tế nếu bị sốt 38O C, lạnh, đổ mồ hôi nhiều hoặc cảm thấy mệt mỏi hơn bình thường.
- Cố gắng nghỉ ngơi, giữ thái độ lạc quan vui vẻ.
- Tìm một việc thú vị để làm (một sở thích, một công việc).
- Nghỉ ngơi và tập thể dục. Cố gắng ngủ 6 đến 8 giờ mỗi đêm.
- Thực hiện ăn chín uống sôi.
Tránh những điều này khi số lượng bạch cầu thấp
- Tránh tiếp xúc với các nguồn lây nhiễm có thể:
- Người mắc bệnh truyền nhiễm như: viêm họng, cảm lạnh, lở loét, tiêu chảy, cúm, đau mắt đỏ, bệnh thủy đậu, sởi hoặc quai bị.
- Nơi đông người.
- Nơi ao tù nước đọng như nước trong lọ hoa, cốc giả.
- Tránh tiếp xúc với vật nuôi hoặc chất thải của con người.
- Rất thận trọng khi sử dụng lưỡi dao cạo hoặc các vật sắc nhọn khác.
- Không vệ sinh móng tay bằng dụng cụ sắc nhọn.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tiêm chủng.
- Bản thân Ông/Bà đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ chính bản thân mình tránh bị nhiễm trùng khi bị giảm bạch cầu.
Tác dụng phụ mệt mỏi liên quan đến ung thư
Mệt mỏi liên quan đến ung thư là một trong những tác dụng phụ phổ biến nhất của ung thư và phương pháp điều trị ung thư. Loại mệt mỏi này rất khác so với cảm giác mệt mỏi trong cuộc sống hàng ngày. Mệt mỏi có thể bao gồm thể chất, tinh thần và cảm xúc.
Điều gì gây ra mệt mỏi liên quan đến ung thư?
Mệt mỏi liên quan đến ung thư có thể được gây ra bởi bất kỳ nguyên nhân sau đây:
- Điều trị ung thư
- Một số loại thuốc khác
- Thiếu máu (số lượng hồng cầu thấp)
- Thay đổi giấc ngủ
- Căng thẳng
- Ăn không ngon
- Đau
- Các vấn đề khác về sức khỏe
Một số cách giúp Ông/Bà giảm mệt mỏi
- Luôn hoạt động mỗi ngày. Biến các hoạt động nhỏ như tập thể dục thành thói quen hàng ngày: đi bộ ngắn, thực hiện các bài tập nhẹ nhàng hoặc công việc nhẹ trong hoặc xung quanh nhà.
- Lập kế hoạch hoạt động trong một ngày.
- Uống nhiều nước. Uống tám cốc (mỗi cốc 250 mL) nước/ngày, trừ khi bác sĩ có hướng dẫn khác với Ông/Bà.
- Cố gắng ăn nhiều bữa nhỏ hoặc đồ ăn nhẹ. Ăn thực phẩm giàu protein như thịt, cá, phô mai, sữa chua và sữa lắc để cung cấp thêm vitamin, khoáng chất, calo và protein cho Ông/Bà giúp chống mệt mỏi.
- Dùng các sản phẩm bổ sung dinh dưỡng như các loại sữa bổ sung dinh dưỡng.
- Tinh thần ổn định đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình điều trị và hồi phục.
Thông tin tác dụng phụ - Buồn nôn và ói mửa
Tại sao người bệnh ung thư bị buồn nôn và nôn?
Nôn hoặc buồn nôn có thể do bất kỳ nguyên nhân nào sau đây:
- Một số loại thuốc hóa trị
- Một số loại thuốc điều trị sinh học
- Xạ trị vào ngực, dạ dày hoặc lưng
- Đau
- Lo lắng
- Táo bón
- Vị trí ung thư
- Một số loại thuốc (như thuốc giảm đau opioid)
- Gây mê trong phẫu thuật hoặc thủ thuật
- Mức độ bất thường của chất điện giải (khoáng chất) trong máu
- Lượng đường trong máu cao
- Nhiễm trùng hoặc các bệnh khác
Tại sao buồn nôn và nôn xảy ra?
- Hóa trị hoặc liệu pháp sinh học có thể gây kích ứng dạ dày hoặc kích hoạt trung tâm nôn trong não. Buồn nôn và nôn có thể xảy ra một vài giờ ngay sau khi điều trị hoặc muộn hơn một vài ngày sau khi điều trị.
- Không phải tất cả các loại thuốc hóa trị và sinh học đều gây buồn nôn và nôn.
- Tần suất và thời gian nôn hoặc buồn nôn xảy ra phụ thuộc vào loại thuốc, liều dùng và cách dùng thuốc.
Các biện pháp để giúp giảm buồn nôn và nôn?
Thuốc chống nôn
- Thuốc chống nôn được sử dụng để giúp ngăn ngừa và kiểm soát buồn nôn và nôn.
- Ông/Bà có thể cần phải uống thuốc chống nôn thường xuyên trước và sau điều trị.
- Nếu thuốc chống nôn đang sử dụng không hiệu quả, hãy báo bác sĩ để kê thuốc chống nôn khác có hiệu quả.
- Một số loại thuốc làm hạ axit dạ dày có thể giúp giảm buồn nôn. Hãy cho bác sĩ biết nếu Ông/Bà đang có ợ nóng hoặc trào ngược axit gây buồn nôn.
Điều chỉnh trong chế độ ăn uống
- Có thể cần hạn chế ăn một số thức ăn trong ngày điều trị. Hãy hỏi nhân viên y tế nếu có thắc mắc về việc ăn uống ngay trước hoặc sau khi điều trị.
- Ăn mỗi lần một lượng nhỏ thức ăn trong suốt cả ngày. Ăn chậm và giành nhiều thời gian để ăn.
- Giữ một lượng nhỏ thức ăn trong dạ dày sẽ giúp kiểm soát cảm giác buồn nôn.
- Hạn chế uống nước trong bữa ăn nhưng uống nhiều nước giữa các bữa ăn.
- Ngay cả khi không thể ăn được, hãy cố gắng uống ít nhất 8 đến 10 ly nước không chứa cafein mỗi ngày để tránh mất nước.
- Ăn thức ăn nhạt như bánh mì nướng khô, bánh quy mặn, bỏng ngô khô, khoai tây luộc hoặc nướng, gạo trắng hoặc chuối. Ăn những thực phẩm dễ tiêu hóa như ngũ cốc, bánh mì trắng, bánh quy giòn, trái cây hoặc rau củ.
- Tránh các món ăn cay nóng như ớt cay hay thịt nướng nước sốt.
- Không ăn thức ăn béo, chiên hoặc dầu mỡ như: khoai tây chiên, pho mát, bơ, dầu, kem, bơ thực vật hoặc thịt đỏ.
- Nếu có vị khó chịu trong miệng, có thể súc miệng, làm sạch răng giả, đánh răng, hoặc mút kẹo cứng như bạc hà.
- Thở chậm, thở sâu bằng miệng hoặc nuốt đôi khi giúp cảm giác buồn nôn qua đi.
- Nghỉ ngơi trước và sau bữa ăn. Không nên nằm xuống ngay sau khi ăn mà ngồi hoặc dựa đầu lên cao.
- Tránh những nơi có đồ ăn có mùi mạnh gây khó chịu.
- Tránh những cảnh tượng, âm thanh và mùi khó chịu có thể kích hoạt buồn nôn.
- Mở cửa sổ hoặc đi ra ngoài để hưởng không khí trong lành.
- Đánh lạc hướng bản thân bằng cách thực hiện một số hoạt động như: đọc, nghe nhạc, chơi game, xem ti vi hoặc làm việc theo sở thích.
- Tìm cách để bản thân được thư giãn.
- Cố gắng nghỉ ngơi hoặc ngủ trưa khi bị buồn nôn.
- Trao đổi với bác sĩ về việc uống vitamin và dinh dưỡng bổ sung.
- Táo bón có thể gây ra hoặc tăng thêm cảm giác buồn nôn. Trao đổi với bác sĩ về những gì có thể làm hoặc làm để giúp đỡ táo bón.
- Uống thuốc để kiểm soát cơn đau.
- Ngồi dậy khi nôn để tránh chất nôn xuống phổi.
Khi nào nên gọi bác sĩ?
Gọi cho bác sĩ nếu có bất kỳ triệu chứng sau đây:
- Đau bụng
- Có máu trong chất nôn
- Chất nôn giống như bã cà phê
- Chóng mặt, đặc biệt khi đứng lên
- Ít đi tiểu
- Nước tiểu sẫm màu
- Giảm > 2 kg trong một tuần hoặc 4,5 kg trong một tháng.
- Nếu không thể uống hoặc giữ đủ nước hoặc nôn hơn 1-2 lần/ngày
Tác dụng phụ do số lượng tiểu cầu thấp
Khi có số lượng tiểu cầu thấp, Ông/Bà có nhiều nguy cơ bị chảy máu.
Dưới đây là một số cách giúp bảo vệ bản thân khi có số lượng tiểu cầu thấp:
- Cần thông tin cho bác sĩ nếu đang sử dụng các thuốc điều trị liên quan đến đông máu như: coumarin, lovenox, xarelto hoặc pradaxa.
- Cần thông tin cho bác sĩ nếu có đặt stent và dùng aspirin, các sản phẩm có aspirin hoặc thuốc làm loãng máu khác. Bác sĩ có thể yêu cầu ngừng dùng các loại thuốc này.
- Hỏi dược sĩ nếu không chắc chắn một loại thuốc hoặc sản phẩm có aspirin trong đó.
- Không dùng bất kỳ loại thuốc hoặc thảo dược bổ sung chế độ ăn uống nào mà không hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ. Một số thuốc và thảo dược có thể thay đổi cách thức hoạt động của tiểu cầu.
- Yêu cầu hỗ trợ khi đi bộ nếu không đi vững.
Bảo vệ da
- Bảo vệ làn da tránh tổn thương.
- Sử dụng dao cạo điện để cạo râu.
- Kiểm tra làn da mỗi ngày để xem có bị vết cắt, vết bầm tím hoặc các vết thương khác hay không.
- Theo dõi đám xuất huyết trên da.
- Không sử dụng các dụng cụ sắc nhọn như kéo, dao hoặc kim.
- Không mặc quần áo bó sát hoặc vải thô.
- Không đi chân trần.
- Không tham gia hoạt động mà có thể ngã hoặc bị va đập.
- Tạo áp lực vững chắc cho bất kỳ vết cắt trong ít nhất 5 phút. Gọi cho bác sĩ nếu vết bầm tím lớn hơn hoặc chảy máu không ngừng.
Bảo vệ niêm mạc trong miệng
- Ăn thức ăn mềm.
- Không ăn thức ăn thô như: các loại hạt, bánh quy giòn, khoai tây chiên hoặc bánh quy có thể gây tổn thương bên trong miệng.
- Giữ môi ẩm. Sử dụng kem dưỡng ẩm môi để tránh khô hoặc nứt.
- Đánh răng nhẹ nhàng bằng bàn chải đánh răng mềm. Nếu không thể sử dụng bàn chải đánh răng, có thể sử dụng tăm bông (tăm) để làm sạch răng và nướu. Không sử dụng chỉ nha khoa, bàn chải đánh răng điện hoặc tăm xỉa răng.
- Kiểm tra miệng mỗi ngày xem có bị chảy máu nướu răng.
- Cần thông tin đến bác sĩ và nha sĩ nếu có can thiệp nha khoa.
Gọi bác sĩ ngay nếu có các dấu hiệu sau đây:
- Nếu chảy máu không dừng sau khi tạo áp lực lên vết thương 5 phút
- Nốt xuất huyết
- Chảy máu, sưng, hoặc vết bầm bất thường
- Máu trong dịch nôn, dịch nôn trông như bã cà phê
- Ho ra máu
- Chảy máu bất thường hoặc chảy máu nướu nặng
- Phân đỏ hoặc đen như hắc ín
- Máu trong nước tiểu (nước tiểu đỏ hoặc hồng)
- Chảy máu kinh nặng hoặc kéo dài hơn bình thường
- Chảy máu âm đạo
- Đau dạ dày nặng
- Mờ mắt
- Đau đầu nặng, lú lẫn, yếu người hoặc tê liệt
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp