✴️ Thuốc chống lao (P2)

Các thuốc chống lao khác

Ethionamide

Là thuốc vừa kìm khuẩn vừa diệt khuẩn ( ở nồng độ cao )( do ức chế tổng hợp mycolic acid ). Uống hấp thu từ từ qua đường tiêu hóa, sau 3 giờ đạt Cmax. và thải trừ chủ yếu qua thận dưới dạng đã chuyển hóa.  

Thuốc được chỉ định khi vi khuẩn lao kháng với các thuốc nhóm 1. Ngoài ra, ethionamide còn được dùng phối hợp với dapson, rifampicin để điều trị phong với liều 10 mg/kg.

Một số tác dụng không mong muốn có thể gặp như : rối loạn tiêu hóa ( 50 % )  ( chán ăn, buồn nôn, nôn, đi lỏng, viêm dạ dày, ruột ), rối loạn tâm thần kinh ( đau đầu, co giật, mất ngủ ), viêm dây thần kinh ngoại vi, đau khớp... Còn gây rối loạn chức năng gan, cần phải theo dõi chức năng gan trước và trong khi điều trị.

Thuốc được dùng với liều tăng dần. Khởi đầu 500 mg, cách 5 ngày tăng 125 mg đến khi đạt 10 – 15 mg/kg/24 h. Liều tối đa : 1,0 g/24 h. 

 

Para-aminosalicylic acid ( PAS )

Là thuốc kìm khuẩn lao có cơ chế tác dụng  giống sulfonamide, nhưng không có tác dụng trên các vi khuẩn khác.

Tác dụng không mong muốn: rối loạn tiêu hoá, viêm dạ dày, viêm gan. Để hạn chế tác dụng không mong muốn này cần uống vào lúc no.

Viên 0,5 – 1,0 g. Liều dùng : 150 – 300 mg/kg/24 h. Tối đa : 14 – 16 g/24 h.

 

Cycloserine

Là kháng sinh có phổ tác dụng rộng, nhưng hiệu lực với trực khuẩn lao yếu. Ức chế sự phát triển của trực khuẩn lao. Liều cao diệt trực khuẩn lao. Còn diệt được một số vi khuẩn Gram(-).

Thuốc được chỉ định khi trực khuẩn lao kháng thuốc nhóm 1.

Tác dụng không mong muốn : rối loạn tiêu hoá, viêm dạ dày, viêm gan, có thể gây thiếu máu huyết tán...

Viên 0,25 g. Liều dùng : uống 10 - 20 mg/kg/24 h.

 

Các kháng sinh aminoglycoside :

Gồm amikacinkanamycin ( biệt dược : kantrex ).

Các thuốc thuộc nhóm aminoglycoside có tác dụng trên nhiều loại vi khuẩn. Tác dụng : kìm hãm sự phát triển của trực khuẩn lao.

Lọ 1,0 g. 

Liều điều trị lao : tiêm bắp thịt 10 mg/kg/24 h. Tối đa : 1,0 g/24 h.

Tác dụng, cơ chế tác dụng xin đọc chương "Thuốc kháng sinh".

Tác dụng không mong muốn : rất độc với thần kinh số VIII và ống thận...

 

Reomycin

Là một peptid vòng chiết xuất từ Streptomyces reolus. Hiện đã phân lập được 4 loại reomycin Ia, Ib, IIa, IIb. Reomycin Ia, Ib có tác dụng chống lao với liều tiêm bắp 15 – 30 mg/kg/24 h.

Tác dụng không mong muốn : có thể gây rụng tóc, tổn thương thận, rối loạn tạo máu, đau tại chỗ tiêm...

 

Một số kháng sinh khác có tác dụng chống lao

Capreomycin là 1 kháng sinh peptid vòng có tác dụng chống lao với liều 15 - 30 mg/kg/24 h.

Ofloxacin và ciprofloxacin là 2 kháng sinh nhóm fluoroquinolone có nồng độ trong tổ chức phổi cao hơn trong huyết tương và có MIC ( MIC = minimum inhibitory concentration, Nồng độ kìm khuẩn tối thiểu ) trên trực khuẩn lao rất thấp từ 0,25 - 3 mcg/ml. Trong điều trị lao ciprofloxacin uống 1,5 g chia 2 lần/24 h; ofloxacin uống 600 - 800 mg/24 h. Hai thuốc sparfloxacin và levofloxacin đang được thử nghiệm trên lâm sàng.

Azithromycin và clarithromycin là 2 macrolide mới cũng có tác dụng trên trực khuẩn lao được chỉ định khi trực khuẩn lao kháng các thuốc chống lao chính.

 

Thioacetazone

Tên khác:thiocetazone, thiacetazone, thiosemicarbazone, benzothiozane,  amithiozone.

Là thuốc kìm khuẩn. Có hoạt tính chống lao với nồng độ ức chế tối thiểu ( MIC ) là 1 mcg/ml. Trong lâm sàng có thể phối hợp với isoniazid để điều trị lao. Viên 25 mg. Liều dùng 150 mg/24 h.

Tác dụng không mong muốn : rối loạn tiêu hoá, ban đỏ, viêm da, suy gan, giảm tiểu cầu, thiếu máu...

 

Clofazimine

Thuốc được dùng cho những bệnh nhân có trực khuẩn lao đa kháng thuốc với  liều dùng 200 mg/24 h.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top