✴️ Kháng sinh điều trị Viêm phế quản cấp ở người lớn

Nội dung

ĐẠI CƯƠNG

Viêm phế quản cấp là tình trạng viêm nhiễm cấp tính của niêm mạc phế quản ở người trước đó không có tổn thương. Khi khỏi không để lại di chứng. Nguyên nhân thường do nhiễm virus, vi khuẩn hoặc cả hai loại. 

Đây là bệnh lý nhiễm khuẩn hô hấp thường gặp nhất trong thực hành lâm sàng. Nhiều trường hợp viêm phế quản cấp tự khỏi mà không cần điều trị.

Viêm phế quản cấp cũng thường liên quan nhiều tới tình trạng dùng kháng sinh không phù hợp. Căn nguyên gây bệnh thường gặp nhất là do virus, tuy nhiên, nhiều nghiên cứu nhận thấy, có tới 70% số trường hợp viêm phế quản cấp được dùng kháng sinh.

 

CHẨN ĐOÁN

Người bệnh thường không có sốt.

Ho khan hoặc có thể có khạc đờm trắng, màu xanh, màu vàng, hoặc đục như mủ.

Một số ít người bệnh có thể có khó thở.

Hầu hết các biểu hiện lâm sàng của viêm phế quản cấp thường kéo dài chừng 1 tuần thì hết, tuy nhiên, ho có thể kéo dài đến 20 ngày [1]

X-quang phổi có ít giá trị trong chẩn đoán xác định viêm phế quản cấp. Nên chỉ định chụp X-quang phổi cho các người bệnh khi có một trong các dấu hiệu: tuổi > 75 [1]; mạch > 100 lần/ phút, thở > 24 lần/ phút, hoặc nhiệt độ > 380C; hoặc khám phổi thấy ran ẩm, nổ, hội chứng đông đặc.  

 

CĂN NGUYÊN VI SINH 

Các căn nguyên thường gặp nhất gây viêm phế quản cấp là virus: influenza A và B, parainfluenza, corona virus (type 1-3), rhino virus, virus hợp bào hô hấp (respiratory syncytial virus), và metapneumo virus ở người; các vi khuẩn điển hình: Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae, Moraxella catarrhalis; vi khuẩn không điển hình: Mycoplasma pneumoniae, Chlamydophila pneumoniae. Trong đó, M. pneumoniae  C. pneumoniae thường liên quan đến viêm phế quản cấp ở người trước đó hoàn toàn khỏe mạnh (Mức độ A).

Một số nguyên nhân khác:

Hít phải hơi độc: Khói thuốc lá, chlor, amoniac, acid, dung môi công nghiệp, hơi độc chiến tranh. 

Yếu tố dị ứng: Viêm phế quản cấp xảy ra ở trẻ con giống như cơn hen phế quản, viêm phế quản cấp cũng hay xảy ra trên người hen, mày đay, phù Quink.

Các nguyên nhân thuận lợi của viêm phế quản cấp:

Thay đổi thời tiết, nhiễm lạnh đột ngột.

Cơ thể suy mòn, còi xương, suy dinh dưỡng ở trẻ em, suy giảm miễn dịch.

Ứ đọng phổi do suy tim.

Các bệnh của phổi như lao phổi và ung thư phổi.

Môi trường sống ẩm thấp nhiều khói bụi. 

 

ĐIỀU TRỊ

Điều trị bằng kháng sinh

Kháng sinh cho viêm phế quản cấp

Hầu hết các trường hợp viêm phế quản cấp không cần dùng kháng sinh. 

Chỉ dùng kháng sinh cho những trường hợp: (1) cải thiện lâm sàng chậm, hoặc không cải thiện; (2) ho khạc đờm mủ, đờm màu vàng, hoặc màu xanh, (3) người bệnh có kèm bệnh tim, phổi, thận, gan, thần kinh cơ, suy giảm miễn dịch; (4) người bệnh  > 65 tuổi có ho cấp tính kèm thêm 2 hoặc nhiều hơn các dấu hiệu sau; hoặc người bệnh trên 80 tuổi kèm thêm 1 hoặc nhiều hơn các dấu hiệu sau: nhập viện trong 1 năm trước; có đái tháo đường typ 1 hoặc typ 2; tiền sử suy tim sung huyết; hiện đang dùng corticoid uống.  

Thiếu bằng chứng về hiệu quả của điều trị kháng sinh thường quy cho viêm phế quản cấp. 

Lựa chọn kháng sinh nào cho các trường hợp viêm phế quản cấp

Nên chọn kháng sinh nhóm macrolid, hoặc doxycyclin cho những trường hợp viêm phế quản cấp ở người trước đó hoàn toàn khỏe mạnh; kháng sinh nhóm betalactam phối hợp với chất ức chế beta-lactamase hoặc nhóm quinolon nên được lựa chọn ban đầu trong điều trị các trường hợp viêm phế quản cấp có tiền sử dùng kháng sinh trong vòng 3 tháng gần đây, hoặc viêm phế quản cấp ở người có tuổi cao, có bệnh mạn tính kèm theo.

Khi hướng tới căn nguyên Mycoplasma pneumoniae hoặc Chlamydophila pneumoniae:   Người bệnh đôi khi có viêm phế quản cấp do M. pneumoniae hoặc C. pneumoniae. Hướng tới chẩn đoán những căn nguyên này khi người bệnh có ho kéo dài và triệu chứng đường hô hấp trên điển hình. Tuy nhiên, điểm hạn chế là thiếu các phương tiện để chẩn đoán thường quy.  Cả hai tác nhân này đều nhạy cảm với tetracyclin, macrolid, và fluoroquinolon.

Trong thực hành lâm sàng, các kháng sinh này thường chỉ được khuyến cáo điều trị theo kinh nghiệm khi có những vụ dịch bùng phát.

Influenza virus: Không có thuốc điều trị đặc hiệu, trong trường hợp nặng có thể dùng các thuốc ức chế neuraminidase (oseltamivir hoặc zanamivir). Để đạt hiệu quả tối ưu, thuốc nên được dùng ngay trong vòng 48 giờ kể từ khi bắt đầu có triệu chứng. 

Thời gian dùng kháng sinh: thường 7-10 ngày.

Bảng II.1. Lựa chọn kháng sinh trong điều trị viêm phế quản cấp

Vai trò của thuốc giãn phế quản trong viêm phế quản cấp

Chỉ dùng thuốc giãn phế quản điều trị viêm phế quản cấp khi nghe phổi thấy ran rít, ngáy.

Các điều trị triệu chứng khác

Người bệnh nên uống nhiều nước giúp cải thiện việc ho, khạc đờm.

Không có thử nghiệm lâm sàng nào ủng hộ việc sử dụng thuốc long đờm. 

Không hoặc có rất ít bằng chứng ủng hộ việc sử dụng thuốc giảm ho trong điều trị viêm phế quản cấp, do các thuốc giảm ho thường làm giảm việc bài tiết đờm, do vậy làm chậm sự phục hồi của người bệnh. 

Khi điều trị tối ưu mà người bệnh còn ho nhiều, cần lưu ý tình trạng co thắt phế quản, hoặc cần lưu ý thêm các bệnh lý kèm theo như trào ngược dạ dày thực quản hoặc bệnh chưa được chẩn đoán chính xác.

 

PHÒNG BỆNH

Loại bỏ yếu tố kích thích: Không hút thuốc, tránh khói bụi trong, ngoài nhà, môi trường ô nhiễm, giữ ấm vào mùa lạnh.

Tiêm vaccin phòng cúm, phế cầu, đặc biệt ở những trường hợp có bệnh phổi mạn tính, suy tim, cắt lách, tuổi  65.

Điều trị các nhiễm khuẩn tai mũi họng, răng hàm mặt, tình trạng suy giảm miễn dịch.

Vệ sinh răng miệng.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Wenzel R.P, Fowler A.A 3rd. “Clinical practice. Acute bronchitis”. N Engl J Med 2006. 355:2125. 

Eun-Hyung Lee F, Treanor J. “Viral infection”. Textbook of Respiratory Medicine 2010. Saunders, 5th edition. 661-698. 

Gonzales R, Bartlett J.G, Besser R.E, et al. “Principles of appropriate antibiotic use for treatment of uncomplicated acute bronchitis: background”. Ann Intern Med 2001; 134:521. 

Petersen I, Johnson A.M, Islam A, et al. “Protective effect of antibiotics against serious complications of common respiratory tract infections: retrospective cohort study with the UK General Practice Research Database”. BMJ 2007. 335:982. 

Shehab N, Patel P.R, Srinivasan A, et al. “Emergency department visits for antibiotic-associated adverse events”. Clin Infect Dis 2008. 47:735.  6. Smucny J, Fahey T, Becker L, et al. “Antibiotics for acute bronchitis”.

Cochrane Database Syst Rev 2004. CD000245.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top