✴️ Bìm bìm

Nội dung

Bìm bìm là dây leo mọc hoang, thường được tìm thấy ở nhiều vùng quê. Tuy nhiên ít ai biết loại thực vật này còn được dùng để làm thuốc chữa bệnh. Lá, thân, hạt cây bìm bìm có tác dụng lợi tiểu, trị các chúng tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu ra máu, chữa phù thũng, trị mụn nhọt…

bìm bìm

Bìm bìm là vị thuốc được dùng để trị nhiều bệnh.

  • Tên gọi khác: Khiên ngưu tử, Hắc sửu, Bạch sửu.
  • Tên khoa học: Ipomoea cairica (L) Sweet.
  • Họ: Bìm bìm (Convolvulacae).

 

Mô tả dược liệu 

Đặc điểm thực vật

Bìm bìm là một loai dây leo thân mảnh, có điểm lông hình sao. Lá hình tim, xẻ 3 thùy, nhẵn và xanh ở mặt trên, mặt dưới có lông, cuống dài, gầy, nhẵn. Hoa màu lam tím hay hồng tím nhạt, lớn, mọc thành xim, mỗi xim từ 1  – 3 hoa. Quả có hình cầu nhẵn, chia làm 3 ngăn. Hạt màu đen hoặc trắng tùy loại. Quả chín từ tháng 7 – 10, sau khi hái thì đem về đập lấy hạt, phơi khô cho ra vị thuốc khiên ngưu tử.

bìm bìm có tác dụng gì

Hình ảnh hoa bìm bìm.

Bộ phận dùng

Các bộ phận được dùng để làm thuốc:

  • Hạt bìm bìm (còn được gọi là khiên ngưu tử): Khiên mang nghĩa là dắt, ngưu là trâu, tửu là hạt. Tương truyền, có người thời xưa dùng hạt bìm bìm trị khỏi bệnh nên đã dắt trâu đến tạ ơn thầy lang, từ đó hạt trên được gọi là khiên ngưu tử. Khiên ngưu tử có hai loại: bạch sửu (chỉ hạt màu trắng) và hắc sửu (chỉ hạt màu đen).
  • Dây 
  • Lá.

Thu hái và chế biến

Thu hái: quanh năm.

Chế biến:

  • Lá, dây: dùng tươi hay phơi khô.
  • Hạt: thu hái quả chín, đập lấy phần hạt, đem phơi khô.

Phân bố

Bìm bìm là dây leo mọc hoang ở ven đường, bụi rậm ở nhiều vùng quê các nước Indonesia, Ấn Độ, Nhật Bản, Thái Lan, Philippines, Trung Quốc. Người ta cũng dùng bìm bìm để làm cảnh, làm giàn che nắng.

Thành phần hóa học

Dược liệu chứa thành phần chính sau:

  • Chất béo (khoảng 11%)
    Glucozit phacbitin – chất có tính tẩy mạnh.
  • Pharbitin (Purolic acid và Pharbitic acid): Đây là Glocosid chứa 2% Lysergol, Chanoclavine, Nilic acid, Gallic acid, Penniclavine, Isopenniclavine, Elymoclavine.

 

Vị thuốc Bìm bìm

Tính vị

  • Hạt có vị cay, tính nóng, hơi độc.
  • Lá có vị ngọt, tính hàn.

Quy kinh

Vị thuốc quy vào 3 kinh, đó là:

  • Thủ thái âm phế
  • Túc thiếu âm thận
  • Thủ dương minh đại tràng.
  • Bàng quang.

Tác dụng dược lý và chủ trị

♦ Theo y học hiện đại:

Nhiều nghiên cứu y học hiện đại về tác dụng của vị thuốc khiên ngưu tử (hạt bìm bìm) thu được kết quả như sau:

  • Khiên ngưu tử có tác dụng tăng độ lọc Inulin của thận.
  • Chất Pharbitin trong dược liệu có tác dụng tẩy mạnh, khả năng tẩy tương tự như Jalapin, giúp diệt các loại giun, sán, ấu trùng.

Tuy nhiên, hạt cây bìm bìm có chứa độc tính, có thể gây ngộ độc khi dùng ở liều lượng cao nên cần đặc biệt thận trọng khi dùng.

♦ Theo Y học cổ truyền:

Bìm bịp có tác dụng chính là:

  • Tả khí phân thấp nhiệt
  • Trục đờm
  • Tiêu ẩm lợi nhị tiện (tiểu tiện và đại tiện).
  • Thông mật
  • Thanh nhiệt
  • Giải độc

Chủ trị:

  • Chữa tiện bí, đái rắt, đái ít, tiểu tiện không thông, tiểu ra máu…
  • Phù thũng
  • Cước khí
  • Tẩy giun

Cách dùng – liều lượng

  • Liều dùng: 3 – 6  gam dược liệu khô hoặc 15  – 30 gam cây tươi.
  • Cách dùng: sắc dạng nước.

Ứng dụng dược liệu Bìm bìm

Bìm bịp được ứng dụng trong các bài thuốc trị bệnh sau đây:

Chữa đái ra máu:

  • Chuẩn bị: 30g dây, lá cây bìm bìm, 30g hạt dành dành sao đen, 10g cam thảo dây. 
  • Thực hiện: Sắc uống 1 một thang mỗi ngày, chia ra 2 – 3 lần uống.

Chữa ho phế nhiệt (viêm phế quản):

Bài thuốc 1:

  • Chuẩn bị: 30g dây, lá bìm bìm, 20g lá dâu, 10g lá cam thảo.
  • Thực hiện: Sắc uống 1 thang mỗi ngày, chia làm 2  -3 lần uống.

Bài thuốc 2:

  • Chuẩn bị: 30g dây, lá bìm bìm, 100g thân cây sậy, 30g rau diếp cá, 10g cam thảo dây.
  • Thực hiện: Sắc uống 1 thang mỗi ngày, chia làm 2  -3 lần uống, dùng 5 – 7 thang.

Chữa đầu đinh, mụn nhọt:

  • Chuẩn bị: 15 – 30g lá bìm bìm tươi.
  • Thực hiện: Nấu lấy nước, một phần uống, phần còn lại đem đắp lên khu vực bị mụn nhọt.

Chữa phù do viêm thận:

  • Chuẩn bị: 100g khiên ngưu tử (nghiền mịn), 80g táo tàu (hấp chín, bỏ hạt, giã nát), 500g gừng tươi giã nhuyễn vắt lấy nước.
  • Thực hiện: Đem tất cả nguyên liệu trên trộn với nhau thành bột nhão, hấp trong nồi khoảng 30 phút, sau đó đảo đều tay và tiếp tục hấp trong 30 phút nước là được.
  • Cách dùng: Chia thuốc thành 8 phần bằng nhau, uống 3 lần mỗi ngày vào các buổi, điều trị liên tục từ 3 – 5 ngày. Kiêng muối trong 3 tháng sau khi dùng thuốc.

Chữa đại tiện khô, táo: 

  • Chuẩn bị: 3g dây bìm bìm phơi khô, tán bột.
  • Thực hiện: Đem pha với nước sôi, dùng như trà, uống mỗi ngày.

Chữa phù thủng:

  • Chuẩn bị: Lá bìm bìm non, cá quả hay cá diếc.
  • Thực hiện: Nấu thành canh, ăn cho đến khi hết phù. Chú ý kiêng ăn mặn trong thời gian điều trị.

Chữa gãy xương kín:

  • Chuẩn bị: dây tơ hồng, dây bìm bìm một lượng bằng nhau.
  • Thực hiện: Đem giã nhuyễn, trộn với rượu, bó và đắp ở chỗ xương bị gãy.

Chữa trướng bụng do xơ gan, viêm thận mạn tính:

  • Chuẩn bị: 80g khiên ngưu tử, 40g hồi hương.
  • Thực hiện: Trộn đều tất cả các nguyên liệu trên, dùng mỗi ngày một lần, mỗi lần 8 gam, chiêu thuốc bằng nước sôi, dùng khi đói. Duy trì điều trị trong 2  -3 ngày.

Chữa đái buốt, đái rắt (áp dụng một trong 3 bài thuốc sau đây):

  • Bài thuốc 1: Sắc uống 50g lá mảnh cộng, 50g lá bìm bìm, dùng 2 – 3 lần.
  • Bài thuốc 2: Sắc uống 30g lá mã đề, 20g râu ngô, 30g lá bìm bìm, sắc uống 1 thang mỗi ngày.
  • Bài thuốc 3: Sắc uống 30g lá bìm bìm, 20g mã đề, 20g râu ngô, 10g cam thảo dây, 10g rễ cỏ tranh, mỗi ngày 1 thang, uống trong ngày.

Chữa phù nề sau sinh, chứng tiểu ít:

  • Chuẩn bị: 50g lá bìm bìm, 50g lá dâu, 50g ích mẫu, 2 tàu lá sen, 1chén đậu đen.
  • Thực hiện: Đem tất cả nguyên liệu sang vàng, sắc thành thang, mỗi ngày 1 thang chia thành nhiều lần uống, dùng liên tục trong vòng 10  – 15 ngày.

Chữa gãy xương kín:

  • Chuẩn bị: Dây tơ hồng, dây bìm bìm, ráy leo, dây đau xương lấy mỗi thứ một lượng bằng nhau
  • Thực hiện: Giã nát tất cả nguyên liệu trên rồi trộn với rượu, đắp vào nơi xương bị gãy. Thay băng một lần mỗi ngày (lưu ý cần phải chỉnh, nắn xương trước khi thực hiện).

 

Những điều cần lưu ý khi dùng Bìm bìm

Trong quá trình dùng bìm bìm để chữa trị, cần lưu ý một số điều sau đây:

  • Không dùng khiên ngưu tử cho các đối tượng phụ nữ mang thai, người mệt yếu.
  • Không dùng đồng thời khiên ngưu tử và ba đậu.
  • Vị thuốc khiên ngưu tử có chứa độc tính nhẹ nhưng cũng nên thận trọng khi dùng.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top