✴️ Bồ hoàng

Bồ hoàng là nhị đực phơi khô của cây cỏ nến. Vị thuốc này có công dụng hoạt huyết, tiêu sưng, lợi tiểu và chỉ thống, được dùng để điều trị các chứng bệnh thuộc huyết như băng huyết, nôn ói và ho ra máu, bầm tím do ứ huyết, đau bụng kinh, bế kinh,…

vị thuốc bồ hoàng

Vị thuốc bồ hoàng là nhị đực phơi khô của cây cỏ nến – Typha angustata

 

  • Tên gọi khác: Hương bồ, Bồ đào, Cỏ nến, Bông liễu, Hương bồ thảo.
  • Tên dược: Pollen Typhae
  • Tên khoa học: Typha angustata
  • Họ: Hương bồ (danh pháp khoa học: Typhaceae)

 

Mô tả dược liệu bồ hoàng

1. Đặc điểm cây bồ hoàng

Bồ hoàng là cây thân cỏ, cao từ 1.5 – 3m. Thân và lá của cây dài, mảnh, hoa mọc thành cụm có màu đỏ và hình dạng như nến nên còn được gọi cây cỏ nến. Quả hình thoi và có kích thước nhỏ.

vị thuốc bồ hoàng

Hoa của cây bồ hoàng mọc thành cụm dài, có màu đỏ hoặc đỏ nâu

Ngoài ra, ở nước ta còn có cây bồ hoàng nam/ cỏ nến nam (Typha javanica) có chiều cao 1.3 – 2.2m. Loài thực vật này không chỉ được dùng để làm thuốc mà nhân dân còn sử dụng nhị hoa và mầm cây non để làm thức ăn.

2. Bộ phận dùng

Nhị đực của hoa (phấn hoa) được sử dụng để làm thuốc.

3. Phân bố

Cây bồ hoàng phân bố nhiều ở các tỉnh An Huy, Hồ Bắc, Triết Giang, Giang Tô và Sơn Đông tại Trung Quốc. Ở nước ta, cây mọc nhiều ở các tỉnh miền Bắc. Bồ hoàng thường mọc ở những vùng sông rạch nước, đầm lầy và các dải đất ven ruộng.

4. Thu hái – sơ chế

Thu hái nhị hoa vào tháng 4, nên chọn ngày ít gió để dễ dàng hơn trong việc thu hoạch. Sau khi hái về, đem cắt hoa phơi khô trong râm rồi loại bỏ tạp chất, lông, cuối cùng đem hạt nhỏ phơi khô để dùng dần. Sau khi sơ chế, dược liệu bồ hoàng có chất bột mịn và có màu vàng tươi hoặc nâu nhạt.

Có thể dùng sống bồ hoàng hoặc đem bào chế theo cách sau:

  • Sao qua rồi dùng.
  • Bọc với giấy khoảng 3 lần rồi đem sắc vàng, ngâm nửa ngày rồi phơi khô.

5. Bảo quản

Bồ hoàng là thuốc bột nên dễ hút ẩm và biến chất khi gặp nhiệt độ cao. Vì vậy cần bảo quản dược liệu ở nơi khô thoáng và đựng trong lọ kín để tránh thất thoát.

6. Thành phần hóa học

Dược liệu chứa glucoside, dầu béo, sitoserin, alpha typhasterol, pentacosane, palmatic acid,…

 

Vị thuốc bồ hoàng

1. Tính vị

Vị ngọt, tính bình.

2. Quy kinh

Quy vào kinh Tâm, Tỳ và Can.

3. Tác dụng dược lý

– Theo Đông Y:

  • Công dụng: Chỉ huyết, tiêu sưng, lương huyết, hoạt huyết, khử ứ, lợi tiểu (dùng sống), thu sáp.
  • Chủ trị: Đau bụng kinh, tâm phúc thống, xuất huyết do chấn thương, thổ huyết, đau do ứ huyết, huyết lâm, tiểu tiện khó, tiểu đau, băng lậu.

– Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:

  • Tác dụng đối với hệ tim mạch: Trên thực nghiệm nhận thấy dược liệu có tác dụng làm chậm nhịp tim, tăng co bóp tim, giãn mạch và tăng lưu lượng máu ở động mạch vành. Cồn chiết xuất từ bồ hoàng có tác dụng cải thiện tuần hoàn máu, bảo vệ cơ tim và tăng co bóp tim.
  • Tác dụng đối với quá trình đông máu: Nước sắc bồ hoàng có tác dụng tăng tốc độ đông máu.
  • Tác dụng hạ huyết áp: Cồn chiết xuất và nước sắc từ bồ hoàng đều có tác dụng hạ huyết áp và làm chậm nhịp tim trên động vật thực nghiệm.
  • Tác dụng phòng ngừa xơ vữa động mạch: Dược liệu có tác dụng ức chế hấp thu cholesterol và hạ nồng độ cholesterol trong máu rõ rệt. Ngoài ra, bồ hoàng còn có tác dụng tăng chuyển hóa, tăng lượng máu ở động mạch vành và phòng ngừa chứng xơ vữa động mạch.
  • Tác dụng kháng viêm: Chích nước sắc bồ hoàng vào bụng chuột trắng được gây viêm bằng protein huyết thanh nhận thấy thuốc có tác dụng giảm viêm và tiêu phù bằng cách giảm tính thẩm thấu của mao mạch và cải thiện tuần hoàn cục bộ.
  • Tác dụng chống lao: Nước sắc từ cây cỏ nến có tác dụng ức chế trực khuẩn lao đối trên chuột thực nghiệm.
  • Tác dụng miễn dịch: Dược liệu làm teo cơ quan miễn dịch của chuột và ức chế hoạt động miễn dịch.
  • Tác dụng đối với tử cung: Bồ hoàng có tác dụng tăng trương lực và gây co bóp tử cung – tác dụng rõ rệt đối với tử cung không mang thai.
  • Tác dụng khác: Thực nghiệm trên chó gây mê nhận thấy dược liệu có tác dụng giảm cơn hen, lợi tiểu tiện và lợi mật.
  • Độc tính của bồ hoàng: Dùng liều cao có thể gây dị ứng, làm giảm số lượng bạch cầu và gây dung huyết đối với thỏ nhà thực nghiệm.

4. Cách dùng – liều lượng

Vị thuốc bồ hoàng được sử dụng ở dạng sắc uống và đắp ngoài. Nếu dùng uống chỉ nên dùng 3 – 20g/ ngày.

 

Bài thuốc điều trị bệnh từ dược liệu bồ hoàng

vị thuốc bồ hoàng

Vị thuốc bồ hoàng thường được dùng để chữa các bệnh thuộc huyết như bế kinh, thống kinh, băng huyết,…

1. Bài thuốc chữa chứng thổ huyết

  • Chuẩn bị: Bồ hoàng sao 80g.
  • Thực hiện: Mỗi lần dùng 4 – 8g uống cho đến khi triệu chứng ngưng hẳn.

2. Bài thuốc trị ứ máu và cầm máu do chấn thương

  • Chuẩn bị: Cam thảo 2g, bồ hoàng 5g, a giao hoặc cao ban long 4g.
  • Thực hiện: Đem sắc uống 3 lần trong ngày.

3. Bài thuốc trị chứng ho ra máu

  • Chuẩn bị: Lá sen (phơi khô, tán bột) và bồ hoàng sao, các vị bằng lượng nhau.
  • Thực hiện: Đem dược liệu trộn đều, mỗi lần dùng 4 -8g uống với nước từ vỏ rễ của cây dâu.

4. Bài thuốc trị chứng chảy máu cam

  • Chuẩn bị: Thanh đại và bồ hoàng (sao) mỗi vị 4g.
  • Thực hiện: Đem sắc uống trong ngày.

5. Bài thuốc trị đau bụng kinh, rong huyết không dứt và kinh nguyệt không đều

  • Chuẩn bị: Lá lốt (tẩm nước muối sao) và bồ hoàng (sao, tán bột) bằng lượng nhau.
  • Thực hiện: Luyện bột thuốc với mật làm thành viên to bằng hạt đậu xanh.

6. Bài thuốc trị đại tiện ra máu

  • Chuẩn bị: Vỏ củ cải khô (tán bột), lá sen (phơi khô, tán bột) và bồ hoàng các vị bằng lượng nhau.
  • Thực hiện: Mỗi lần dùng 4 – 8g thuốc bột uống với nước cơm.

7. Bài thuốc chữa ghẻ ngứa

  • Chuẩn bị: Bồ hoàng sao đen 25g.
  • Thực hiện: Rắc một ít bột thuốc vào chỗ ghẻ ngứa, thực hiện ngày 1 – 2 lần cho đến khi vết ghẻ khô lại và không còn ngứa ngáy.

8. Bài thuốc trị huyết áp cao

  • Chuẩn bị: Nga truật, sinh bồ hoàng, giáng hương, khương hoàng phiến, tây đảng sâm và xuyên hồng hoa, gia giảm liều lượng tùy theo từng trường hợp.
  • Thực hiện: Chế thành viên và dùng uống hằng ngày.

9. Bài thuốc trị bệnh chàm

  • Chuẩn bị: Bồ hoàng sống.
  • Thực hiện: Thoa trực tiếp lên vùng da bị chàm.

10. Bài thuốc trị hạ bộ lở ngứa

  • Chuẩn bị: Bồ hoàng.
  • Thực hiện: Thoa lên vùng lở loét 3 – 4 lần/ ngày cho đến khi khỏi hẳn.

11. Bài thuốc trị vết thương chảy máu

  • Chuẩn bị: Ô tặc cốt, cốt phấn và bồ hoàng (sao thành than), các vị bằng lượng nhau.
  • Thực hiện: Nghiền thành bột mịn rồi rắc trực tiếp lên vết thương, sau đó dùng băng cố định lại để cầm máu.

12. Bài thuốc trị chứng tiểu ra máu

  • Chuẩn bị: Sinh địa 15g, đông quỳ tử và bồ hoàng mỗi vị 9g.
  • Thực hiện: Đem các vị sắc lấy nước uống.

13. Bài thuốc trị xuất huyết tử cung

  • Chuẩn bị: Liên phòng và bồ hoàng mỗi vị 15g.
  • Thực hiện: Đem đốt thành than, mỗi lần dùng 15g sắc lấy nước uống. Nếu có thể suy nhược nên gia thêm đảng sâm 24g và hoàng kỳ 30g.

14. Bài thuốc trị tiểu ra máu, chảy máu cam, đờm có máu, ho ra máu, xuất huyết tử cung

  • Chuẩn bị: Rượu và nước (theo tỷ lệ 1:1) và bồ hoàng (đốt thành than) 9g.
  • Thực hiện: Sắc uống cho đến khi triệu chứng thuyên giảm.

15. Bài thuốc trị thống kinh (đau bụng kinh) do huyết ứ trệ

  • Chuẩn bị: Ngũ linh chi và bồ hoàng mỗi vị 5 chỉ, đơn sâm 1 lượng.
  • Thực hiện: Cho nguyên liệu vào ấm và sắc uống, mỗi ngày dùng 1 thang.

16. Bài thuốc trị thống kinh và phụ nữ sau khi sinh ứ sản dịch không xuống

  • Chuẩn bị: Hắc đậu 15g, bồ hoàng 6g và gừng (lùi cháy) 3g.
  • Thực hiện: Sắc uống, mỗi ngày dùng 1 thang.

17. Bài thuốc trị ứ huyết, tích trệ trong bụng, chấn thương gây bầm tím và đau nhức

  • Chuẩn bị: Bồ hoàng sống.
  • Thực hiện: Sắc đặc và dùng uống với nước tiểu của trẻ nhỏ.

18. Bài thuốc trị chứng sưng lưỡi

  • Chuẩn bị: Bồ hoàng sống.
  • Thực hiện: Đặt dưới lưỡi ngâm liên tục cho đến khi lưỡi hết sưng.

19. Bài thuốc trị chứng rong kinh và băng huyết

  • Chuẩn bị: Xuyên tục đoạn, a giao, bồ hoàng, đỗ trọng, nhân sâm, xích phục linh, mạch môn, xa tiền tử và bạch giao, gia giảm liều lượng theo từng trường hợp.
  • Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng 1 thang.

20. Bài thuốc trị chứng tiểu ra máu

  • Chuẩn bị: Mạch môn, bồ hoàng, sinh địa, xa tiền tử và ngưu tất, liều lượng được gia giảm tùy theo triệu chứng.
  • Thực hiện: Sắc uống đều đặn.

21. Bài thuốc trị các bệnh thuộc huyết ở phụ nữ sau khi sinh

  • Chuẩn bị: Càn khương (sao đen), sinh địa, ngưu tất, bồ hoàng (sao đen), trạch lan, xuyên khung, đậu đen (sao) và đương quy, liều lượng điều chỉnh tùy vào bệnh lý cụ thể.
  • Thực hiện: Sắc uống, mỗi ngày dùng 1 thang.

22. Bài thuốc trị xuất huyết ở lỗ tai

  • Chuẩn bị: Bồ hoàng.
  • Thực hiện: Sao đen rồi rắc trực tiếp vào tai để cầm máu.

23. Bài thuốc trị đau nhức khớp xương

  • Chuẩn bị: Chế phụ tử 1 lượng và bồ hoàng 8 lượng.
  • Thực hiện: Đem dược liệu tán bột, mỗi lần dùng 1 chỉ uống với nước. Ngày dùng 1 lần cho đến khi xương khớp hết đau nhức.

24. Bài thuốc trị ứ huyết do chấn thương và té ngã

  • Chuẩn bị: Bồ hoàng tán bột.
  • Thực hiện: Mỗi lần dùng 3 chỉ uống với rượu.

25. Bài thuốc trị chứng ứ huyết ở phụ nữ sau sinh

  • Chuẩn bị: Bồ hoàng 3 lượng.
  • Thực hiện: Sắc uống, mỗi ngày dùng 1 thang.

26. Bài thuốc trị sản phụ bị động thai

  • Chuẩn bị: Bồ hoàng 2 chỉ.
  • Thực hiện: Dùng uống với nước giếng giúp an thai.

27. Bài thuốc thúc đẻ

  • Chuẩn bị: Địa long (rửa sạch, sấy khô), quất bì, trần bì và bồ hoàng các vị bằng lượng nhau.
  • Thực hiện: Tán bột từng dược liệu để riêng, sau đó trộn đều và dùng 1 chỉ sắc với nước mới múc dưới sông lên. Bài thuốc này được áp dụng khi sản phụ có dấu hiệu sắp sinh.

28. Bài thuốc trị bệnh sa trực tràng

  • Chuẩn bị: Mỡ heo và bồ hoàng.
  • Thực hiện: Trộn đều, sau đó dùng thuốc mỡ thoa vào giang môn 3 – 5 lần/ ngày.

29. Bài thuốc trị nhau không thoát ra

  • Chuẩn bị: Bồ hoàng 2 chỉ.
  • Thực hiện: Dùng thuốc bột uống với nước giếng.

30. Bài thuốc trị chứng chảy máu cam do phế nhiệt

  • Chuẩn bị: Thanh đại và bồ hoàng mỗi thứ 1 chỉ.
  • Thực hiện: Dùng thuốc uống với nước vừa lấy dưới sông lên.

31. Bài thuốc trị chứng khạc và nôn ra máu

  • Chuẩn bị: Bồ hoàng 2 lượng và rượu.
  • Thực hiện: Đem dược liệu tán thành bột, sau đó mỗi lần dùng 3 chỉ uống với rượu.

32. Bài thuốc trị ứ huyết gây bế kinh, đau vùng bụng dưới, đau do ứ huyết

  • Chuẩn bị: Ngũ linh và bồ hoàng mỗi vị 9g.
  • Thực hiện: Đem dược liệu tán thành bột mịn. Mỗi lần dùng 6g thuốc uống với rượu nóng, ngày dùng 2 lần.

33. Bài thuốc trị chứng xuất huyết ruột (xuất huyết tiêu hóa dưới)

  • Chuẩn bị: Bồ hoàng (tán nhỏ) 2 lượng.
  • Thực hiện: Mỗi lần dùng 1 thìa sắc lấy nước, ngày dùng 3 lần cho đến khi ngưng chảy máu.

 34. Bài thuốc trị chứng tức do bí tiểu

  • Chuẩn bị: Bồ hoàng.
  • Thực hiện: Dùng vải bọc dược liệu sau đó đặt lên thận sau đó chổng hai chân trời 1 lúc thì thông được đường tiểu.

35. Bài thuốc trị chứng ói mửa ra máu ở cả người lớn và trẻ nhỏ

  • Chuẩn bị: Bồ hoàng tán bột.
  • Thực hiện: Mỗi lần dùng nửa chỉ uống với nước sắc sinh địa.

36. Bài thuốc trị chứng máu cam chảy ra khắp miệng và tai

  • Chuẩn bị: A giao (sao chảy thành hạt) và bồ hoàng mỗi vị nửa lượng.
  • Thực hiện: Trộn đều thuốc, mỗi lần dùng 1 chỉ uống với 1 chén nước sắc địa hoàng (dùng nóng). Sau đó tìm nơi chảy máu và tiến hành bịt lại để cầm máu.

37. Bài thuốc trị mủ trong lỗ tai chảy ra ngoài

  • Chuẩn bị: Bồ hoàng tán bột.
  • Thực hiện: Rắc vào bên trong tai.

38. Bài thuốc trị nước ối không ra hết và đau bụng kinh

  • Chuẩn bị: Bào khương thán 3g, bồ hoàng 10g, đậu đen 15g, hương phụ 6g.
  • Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng 1 thang.

39. Bài thuốc trị tiểu ra máu, tiểu buốt rát

  • Chuẩn bị: Chích cam thảo 4g, sinh đại hoàng 20 – 30g, ngẫu tiết 12g, hoạt thạch 16 – 20g, đương quy (tẩm rượu) 12g, tiểu kế 12 – 16g, đạm trúc diệp 8 – 12g, bồ hoàng (sao) 8 – 12g, mộc thông 6 – 12g, sơn chi nhân 8 – 12g.
  • Thực hiện: Đem các vị sắc lấy nước uống.

40. Bài thuốc trị băng lậu

  • Chuẩn bị: Sinh cam thảo 5g, hoa hòe (than), mã xỉ hiện và tề thái mỗi vị 30g, bồ hoàng than 10g, thuyên thảo than, kê mộc, ô tặc cốt nung, địa du than mỗi vị 15g.
  • Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng 1 thang. Với những trường hợp ra máu nhiều, có thể dùng 2 thang/ ngày.

41. Bài thuốc trị kinh nguyệt kéo dài

  • Chuẩn bị: Bồ hoàng và a giao, gia giảm liều lượng tùy theo từng trường hợp.
  • Thực hiện: Tán bột mịn, mỗi ngày dùng 8 – 16g uống với rượu, có thể chia thành 2 lần uống.

42. Bài thuốc trị chứng đau do huyết ứ và viêm loét dạ dày

  • Chuẩn bị: Xuyên luyện tử 20g, diên hồ sách 12g, mai mực 20g, xích thược 12g, bồ hoàng 4g và đào nhân 8g.
  • Thực hiện: Sắc uống ngày 1 thang, nên chia nước sắc thành 2 – 3 lần uống.

43. Bài thuốc trị ho ra máu nặng

  • Chuẩn bị: Sơn thù, a giao (sao phồng) và hoài sơn mỗi vị 16g, phục linh, mạch môn, đan bì và trạch tả mỗi vị 12g, thục địa 32g, bạch cập, địa du và bồ hoàng mỗi vị 8g, ngũ vị tử 4g.
  • Thực hiện: Sắc lấy nước uống, dùng khi bụng đói.

44. Bài thuốc trị đau bụng kinh

  • Chuẩn bị: Ô dược 8g, hương phụ, ngũ linh tử, bồ hoàng, huyền hồ, đan bì và đào nhân mỗi vị 12g.
  • Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng 1 thang.

45. Bài thuốc trị chứng đau bụng do ứ máu kinh

  • Chuẩn bị: Đan sâm 16g, bồ hoàng và thảo linh chi mỗi vị 20g.
  • Thực hiện: Sắc lấy nước uống, mỗi ngày dùng 1 thang.

46. Bài thuốc giúp tán ứ, chỉ thống và hành khí

  • Chuẩn bị: Diên hồ sách 8g, bồ hoàng 12g, nhục quế 8g, trầm hương 4g, hổ phách 4g, ngũ linh chi 12g.
  • Thực hiện: Dùng các vị sắc lấy nước uống, mỗi ngày dùng 1 thang cho đến khi bệnh thuyên giảm.

47. Bài thuốc chữa viêm gan do nhiễm virus

  • Chuẩn bị: Nhân trần, bồ hoàng (sao vàng) và ngũ linh tử.
  • Thực hiện: Đem các vị tán thành bột mịn, sau đó dùng uống với nước.

48. Bài thuốc trị chứng gan xơ cứng và viêm gan mạn

  • Chuẩn bị: Sài hồ nam, xích thược, bạch mao căn, bồ hoàng, chỉ thực, địa long, ngũ linh chi, đương quy và sái thảo mỗi vị 40g, gan lợn (phơi khô) 140g, thanh bì 20g, miết giáp 70g và kê nội kim 30g.
  • Thực hiện: Tán mịn các dược liệu, chế thêm mật ong vào làm thành viên nặng 4g. Mỗi lần dùng 3 viên, ngày dùng từ 2 – 3 lần với nước đun sôi để nguội.

49. Bài thuốc trị đau dạ dày

  • Chuẩn bị: Mai mực, ngũ linh chi, hoàng bá nam và bồ hoàng các vị bằng lượng nhau.
  • Thực hiện: Sắc uống ngày dùng 1 thang.
  • Lưu ý: Khi áp dụng bài thuốc này, cần kiêng thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ và gia vị.

50. Bài thuốc trị tụ máu và bầm tím do chấn thương

  • Chuẩn bị: Đương quy và quế chi mỗi vị 80g, bồ hoàng 100g.
  • Thực hiện: Đem dược liệu tán thành bột mịn, mỗi lần dùng 1 thìa hòa với rượu uống. Dùng liên tục cho đến khi vết bầm tan hoàn toàn.

 

Những lưu ý khi sủ dụng dược liệu bồ hoàng – cỏ nến

  • Các trường hợp âm hư huyết ứ không nên dùng vị thuốc bồ hoàng.
  • Không dùng cho phụ nữ mang thai vì có thể gây sảy thai và sinh non (trừ trường hợp dùng để thúc đẻ)

Bồ hoàng có tác dụng điều trị các chứng bệnh về huyết hiệu quả. Tuy nhiên với các tình trạng chảy máu nghiêm trọng như xuất huyết tử cung, xuất huyết tiêu hóa, chảy máu cam không ngừng,… bạn nên sơ cứu với vị thuốc bồ hoàng và đến bệnh viện để được điều trị y tế kịp thời.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top