Bệnh thận mãn tính là gì?

Bệnh thận mạn tính có nhiều mức độ giai đoạn khác nhau. Bệnh thận mạn tính thường nặng lên theo thời gian mặc dù điều trị đã được chứng minh là làm chậm sự tiến triển của bệnh. Nếu không được điều trị, bệnh thận có thể tiến triển thành suy thận và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Bệnh thận mãn tính là gì?

Thận hoạt động bình thường là một yếu tố quan trọng để duy trì sức khỏe tốt.  Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 10% dân số thế giới đang phải đối mặt với các bệnh lý về thận và mỗi năm, bệnh lý này cướp đi mạng sống của 5 - 10 triệu người trên toàn thế giới. Đáng chú ý, những con số này được dự đoán sẽ ngày một tăng cao. Ước tính đến năm 2030, có đến 5,2 triệu người mắc bệnh thận và cần được chạy thận nhân tạo. Ước tính cứ 7 người Mỹ trưởng thành thì có hơn 1 người mắc bệnh thận mạn tính. Tại Việt Nam, hiện có khoảng 5 triệu người đang bị suy thận, khoảng 26.000 người bị suy thận mạn tính giai đoạn cuối phải chạy thận nhân tạo và 8.000 ca mắc mới mỗi năm. Bệnh thận mạn tính ảnh hưởng đến chức năng của thận. Dưới đây là những thông tin bạn nên biết nếu bạn được chẩn đoán mắc bệnh thận mạn tính.

Thận là cơ quan làm việc rất tích cực và chăm chỉ. Cứ sau 30 phút, thận sẽ lọc tất cả máu của bạn để loại bỏ các chất thải độc hại và chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể bạn. Thận cũng giúp kiểm soát huyết áp và sản xuất một số hormone quan trọng. Việc thận hoạt động bình thường đóng vai trò quan trọng để duy trì sức khỏe tốt.

Bệnh thận mạn tính khiến chức năng thận suy giảm theo thời gian. Điều này có nghĩa là thận sẽ không thể lọc chất lỏng một cách bình thường. Tình trạng này khiến chất lỏng dư thừa cũng như chất thải không được lọc vẫn còn tồn động trong cơ thể và có thể gây ra các vấn đề sức khỏe như bệnh tim và đột quỵ.

Một số hậu quả ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh thận mạn tính bao gồm:

  • Thiếu máu hoặc số lượng hồng cầu thấp
  • Gia tăng nguy cơ nhiễm trùng
  • Nồng độ canxi thấp, nồng độ kali cao và nồng độ phốt pho cao trong máu
  • Chán ăn hoặc ăn ít hơn
  • Trầm cảm hoặc chất lượng cuộc sống thấp hơn

 

Làm thế nào để biết bạn có nguy cơ bị bệnh thận mạn tính?

Hai yếu tố nguy cơ chính dẫn đến bệnh thận mạn tính là bệnh tiểu đường và tăng huyết áp. Trung bình cứ 3 người mắc bệnh tiểu đường thì có 1 người mắc bệnh thận mạn tính và cứ 5 người trưởng thành bị tăng huyết áp thì có 1 người mắc bệnh thận mạn tính.

Mọi người có thể không nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào của bệnh thận mạn tính cho đến khi bệnh tiến triển và trở nặng. Cách duy nhất để mọi người biết mình có bị bệnh thận mạn tính hay không là thông qua các xét nghiệm máu và nước tiểu. Xét nghiệm máu sẽ đánh giá nồng độ creatinine - một chất thải trong máu để xem thận hoạt động tốt như thế nào. Xét nghiệm nước tiểu kiểm tra protein trong nước tiểu - là dấu hiệu sớm khi có tổn thương thận.

Đừng trì hoãn khi mắc bệnh thận mạn tính. Bạn nên đi khám kiểm tra để các bác sĩ có thể theo dõi sức khỏe thận của bạn và lập kế hoạch điều trị phù hợp cho bạn.

Đánh giá chức năng thận trong bệnh thận mạn tính

Để đánh giá chức năng thận bạn cần làm 2 xét nghiệm để kiểm tra:

  • Tốc độ lọc cầu thận ước tính (eGFR)— thước đo lượng máu mà thận của bạn lọc mỗi phút. Điều này cho bạn biết các tiểu cầu thận đang làm việc tốt như thế nào. Nếu chỉ số tốc độ lọc cầu thận ước tính -eGFR của bạn thấp, thận của bạn không hoạt động tốt. Khi bệnh thận tiến triển, eGFR của bạn giảm xuống.
  • Xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra albumin. Albumin là một loại protein có thể đi vào nước tiểu khi thận bị tổn thương. Quá nhiều albumin trong nước tiểu là dấu hiệu sớm của tổn thương thận.

 

Các giai đoạn của bệnh thận mạn tính

Bệnh thận mạn tính có nhiều mức độ giai đoạn khác nhau. Bệnh thận mạn tính thường nặng lên theo thời gian mặc dù điều trị đã được chứng minh là làm chậm sự tiến triển của bệnh. Nếu không được điều trị, bệnh thận có thể tiến triển thành suy thận và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Khi thận ngừng hoạt động, lọc máu hoặc ghép thận là cần thiết để duy trì sự sống. Suy thận được điều trị bằng lọc máu hoặc ghép thận được gọi là bệnh thận giai đoạn cuối.

Có năm giai đoạn của bệnh thận mạn tính và suy thận mạn là giai đoạn cuối cùng của bệnh. Khi tổn thương thận nghiêm trọng và chức năng thận giảm xuống thấp, bạn sẽ cần lọc máu hoặc ghép thận để sống.

 

Chăm sóc thận của bạn

Không phải tất cả bệnh nhân mắc bệnh thận đều tiến triển thành suy thận. Để giúp ngăn ngừa bệnh thận mạn tính và giảm nguy cơ suy thận, hãy kiểm soát các yếu tố nguy cơ đối với bệnh thận mạn tính, kiểm tra sức khỏe định kì hàng năm, thay đổi lối sống, dùng thuốc khi cần. Dưới đây là những biện pháp có lợi cho sức khỏe khi được chẩn đoán mắc bệnh thận mạn

  • Duy trì huyết áp ổn định dưới 140/90 (hoặc mục tiêu mà bác sĩ đặt ra cho bạn).
  • Nếu bạn bị tiểu đường, hãy duy trì lượng đường huyết ổn định ở mức an toàn với sức khỏe càng nhiều càng tốt.
  • Khám sức khỏe định kỳ để theo dõi sức khỏe thận của bạn.
  • Uống thuốc theo hướng dẫn và đơn của bác sĩ. Ngoài ra nếu bạn bị huyết áp cao thì các loại thuốc huyết áp thuộc nhóm thuốc ức chế men chuyển angiotensin và thuốc ức chế thụ thể angiotensin II là những loại thuốc có thể bảo vệ thận của bạn ngoài việc hạ huyết áp. Vậy nên hãy nghe theo sự hướng dẫn và tư vấn kĩ lưỡng của bác sĩ khi sử dụng thuốc.
  • Tìm kiếm sự tư vấn của một chuyên gia dinh dưỡng để lên kế hoạch ăn uống lành mạnh cho thận. Nếu bạn bị tiểu đường, bạn sẽ cần những lời khuyên về cách ăn uống tốt để quản lý cả bệnh tiểu đường và bệnh thận mạn tính.
  • Vận động—hoạt động thể chất giúp kiểm soát huyết áp và lượng đường trong máu.
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh.
  • Nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc vì việc thiếu ngủ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn.
  • Nếu bạn hút thuốc, hãy bỏ thuốc lá. Hút thuốc có thể làm trầm trọng thêm bệnh thận và ảnh hưởng đến thuốc hạ huyết áp.
  • Sức khỏe tinh thần là một phần quan trọng trong sức khỏe tổng thể của bạn vì vậy hãy cố gắng tránh căng thẳng và trầm cảm.
  • Tránh các nguy cơ có thể gây hại ảnh hưởng đến chức năng thận thông qua những sự tư vấn của bác sĩ.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top