Cải trời (cải ma) là loại rau thường được dùng để chế biến món ăn. Ngoài ra với công dụng tiêu viêm, giải độc, tán uất, tiêu hòn cục, thảo dược này còn được sử dụng trong bài thuốc trị bướu cổ, mụn nhọt, lở ngứa ngoài da, thủy đậu và viêm tắc tĩnh mạch chi.
Cải trời không chỉ được sử dụng để chế biến món ăn mà còn được nhân dân dùng để trị bệnh
Tên gọi khác: Cải ma, Cỏ hôi, Hạ khô thảo nam và Kim đầu tuyến.
Tên khoa học: Blumea lacera
Tên dược: Herba Blumeae Lacerae
Họ: Cúc (danh pháp khoa học: Asteraceae)
Mô tả dược liệu cải trời
1. Đặc điểm và Hình ảnh cây cải trời
Cải trời là loài thực vật thân thảo nhỏ, chiều cao chỉ khoảng 30 – 50cm. Bề mặt thân có nhiều rãnh khía, thân có màu tím đỏ hoặc màu xanh lục, được phủ lớp lông dày và trắng.
Phiến lá hình trái xoan, thường mọc so le, rộng 4cm, dài 9cm, mép lá có răng không đều. Lá phía trên tiêu giảm và hầu như không có cuống. Hoa mọc thành cụm, rộng 5mm, có màu vàng hoặc màu trắng. Cây ra hoa và quả vào tháng 3 – 6 hằng năm.
Một số hình ảnh nhận biết cây cải trời:
Cải trời là loài thực vật thân thảo nhỏ, chiều cao chỉ khoảng 30 – 50cm
Hình ảnh thân cây cải trời – Thân có màu tím đỏ hoặc màu xanh lục, được phủ lớp lông dày và trắng
Lá thường mọc so le, rộng 4cm, dài 9cm, mép lá có răng nhưng không đều
2. Bộ phận dùng
Toàn cây cải trời đều được sử dụng để làm thuốc.
3. Phân bố
Cải trời có nguồn gốc từ Malaysia và Ấn Độ. Ở nước ta, cây thường mọc hoang ở vùng đất trống, đồng ruộng, vườn tược, tập trung ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế trở vào đến các tỉnh Tây Nam Bộ.
4. Thu hái – sơ chế
Thu hái cây vào mùa xuân – hè. Khi hái, đem nhổ cả cây, sau đó rửa sạch, thái nhỏ và phơi trong bóng râm đến khi khô hoàn toàn.
5. Bảo quản
Bảo quản ở nơi khô ráo và thoáng mát.
6. Thành phần hóa học
Cây cải ma chứa 0.085% tinh dầu, trong đó chứa khoảng 6% citral, 10% fenchon và 66% cineol.
Vị thuốc cải trời
1. Tính vị
Vị đắng, tính bình và có mùi thơm đặc trưng.
2. Quy kinh
Quy vào kinh Can.
3. Tác dụng dược lý của rau cải trời
– Tác dụng của rau cải trời theo Đông Y:
Tác dụng: Giải độc, tán uất, cầm máu, thanh can hỏa, tiêu viêm, sát trùng và tiêu hòn cục.
Chủ trị: Viêm phế quản, tràng nhạc, băng huyết, sổ mũi, chảy máu cam, lở ngứa, táo bón, mất ngủ,… Ở Ấn Độ, nhân dân dùng cây cải trời để lợi tiểu, trừ tả, hạ thân nhiệt, trừ giun và thu liễm.
Lá cải trời còn được sử dụng để nấu canh hoặc luộc ăn như các loại rau thông thường.
– Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:
Thực nghiệm trên bệnh nhân bị lao hạch với hạch bã đậu, hạch rắn và hạch rò mủ nhận thấy 54.5% khỏi khi áp dụng bài thuốc từ cải trời và xạ can.
4. Cách dùng – liều lượng
Có thể sử dụng cây cải trời ở dạng sắc, liều dùng từ 10 – 30g/ ngày.
Bài thuốc trị bệnh từ rau cải trời
Rau cải trời thường được dùng để trị bướu cổ, mụn nhọt ngoài da, vết thương chảy máu,…
1. Bài thuốc điều trị viêm tắc tĩnh mạch chi
Chuẩn bị: Huyền sâm, độc hoạt, đương quy, tang ký sinh, thạch hộc, cải trời, ngưu tất, cốt toái bổ mỗi vị 12g, phù bình, kim ngân hoa, thổ phục linh mỗi vị 15g, cam thảo 8g.
Thực hiện: Đem sắc uống, ngày dùng 1 thang và chia thành 2 lần uống.
2. Bài thuốc trị chứng thủy đậu ở trẻ em
Chuẩn bị: Bồ công anh, sài đất, cam thảo nam, thổ phục linh và cải trời mỗi vị 20g.
Thực hiện: Sắc uống ngày dùng 1 thang, đem chia thành 3 lần uống và dùng hết trong ngày.
3. Bài thuốc trị vảy nến và ngân tiêu
Chuẩn bị: Thổ phục linh 40 – 80g, cải trời 80 – 120g.
Thực hiện: Đem sắc với 500ml nước trong vòng 3 giờ còn lại khoảng 300ml. Đem nước sắc chia thành 3 – 4 lần uống.
4. Bài thuốc trị vết thương chảy máu, lở ngứa và mụn nhọt ngoài da
Chuẩn bị: Cải trời 20 – 30g.
Thực hiện: Sắc uống hằng ngày, đồng thời dùng nguyên liệu tươi đem giã nát và đắp ở ngoài.
5. Bài thuốc trị hạch bã đậu, hạch rò mủ, lao hạch
Chuẩn bị: Xạ can 10g và cải trời 20g.
Thực hiện: Sắc uống ngày 1 thang, áp dụng bài thuốc liên tục trong vòng nhiều tháng.
6. Bài thuốc trị viêm âm đạo, bạch đới, chân lở sưng đau và thấp nhiệt
Chuẩn bị: Huyết dụ, dây kim ngân hoa, mộc thông và hy thiêm mỗi vị 15g, cải trời 30g.
Thực hiện: Đem các vị sắc lấy nước uống.
Lưu ý khi dùng rau cải trời chữa bệnh
Sử dụng rau cải trời với liều lượng lớn có thể gây khó thở, đổ nhiều mồ hôi, tim đập nhanh, chóng mặt, giảm thị lực hoặc thậm chí là tử vong.
Tránh sử dụng đồng thời với các loại thuốc an thần như Clonazepam, Lorazepam, Zolpidem, Phenobarbital,…
Tránh nhầm lẫn với vị thuốc hạ khô thảo hay còn gọi là hạ khô thảo bắc.
Rau cải trời là vị thuốc Nam quý được sử dụng trong nhiều món ăn và bài thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên bạn không nên phụ thuộc vào những bài thuốc chữa bệnh từ thảo dược tự nhiên. Thay vào đó cần chủ động phối hợp nhiều phương pháp điều trị để đạt được kết quả tối ưu.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh