Cây bèo đất được biết đến với các tác dụng như trị ho gà, viêm họng, chai chân. Người bệnh có thể dùng toàn thân cây ngâm rượu, sắc uống hay bào chế thành siro để trị bệnh.
Tên gọi khác: Cây cỏ trói gà, địa là, cẩm tỳ là, cỏ tỹ gà, cây mồ côi
Tên khoa học: Drosera burmannii Vahl
Họ: Cây bắt ruồi (Droseraceae)
Mô tả về cây bèo đất
+ Đặc điểm thực vật
Cây bèo đất là một loại thực vật thân thảo có chiều cao dao động từ 3 – 5cm. Thân cây mảnh nhìn tương tự như sợi chỉ. Trên thân có lông tuyến. Các lá dẹp, mọc tỏa ra xung quanh gốc giống như gọng vó. Phía ngọn cuộn hình xoắn ốc. Cuống lá ngắn, nhẵn. Các phiến lá chứa đầy lông tuyến có chiều dài tương đương với bề rộng của lá.
Cây bèo đất thường phát triển ở những khu vực có đất ẩm ướt
Hoa cây bèo đất có cuống dài nằm cách xa lá. Hoa mọc thành chùm dạng nhánh thẳng, có 5 cánh màu trắng hoặc hồng. Loại hoa này thường chỉ nở trong thời gian khá ngắn. Nhụy và noãn hoa nằm ở vị trí cao hơn để dễ dàng thụ phấn.
Quả cây thuộc dạng quả nang. Trong quá chứa nhiều hạt. Các hạt phấn đều chứa 4 bào tử.
+ Phân bố
Cây bèo đất được tìm thấy ở nhiều nước trên thế giới như Ấn Độ, Việt Nam, Trung Quốc và một số quốc gia thuộc khu vực Châu Úc.
Ở nước ta, loại cây này mọc hoang trên các gò đất ẩm, đầm lầy và cả những khu ruộng bạc màu. Cây ưa phát triển ở những nơi có ánh sáng. Cây bèo đất có ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, tập trung chủ yếu ở miền Trung và miền Nam. Miền Trung thì có Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đà Nẵng hay Nghệ An. Miền Nam thì cây mọc ở Bến Tre, Đồng Nai hay Lâm Đồng.
+ Bộ phận sử dụng
Toàn cây bèo đất đều được dùng làm dược liệu chữa bệnh.
+ Thu hái – Sơ chế
Cây bèo đất có khả năng phát triển quanh năm nên được thu hoạch bất cứ lúc nào trong năm. Khi thu hoạch, cây sẽ được nhổ cả rễ, đem rửa sạch tạp chất và phần đất cát bám dính dưới gốc. Cuối cùng phơi khô để làm thuốc.
+ Thành phần hóa học
Cây bèo đất chứa một số thành phần như:
Plumbagon
Lucoza
2 – metyl -5- oxy 1-4 naphtoquinon
Droseron
Glucoza và một số chất khác
Vị thuốc cây bèo đất
+ Tính vị
Cây bèo đất tính mát, vị đắng
+ Quy kinh
Dược liệu đi vào kinh phế
+ Tác dụng dược lý
Cây bèo đất có công dụng trấn kinh, giảm co giật, ức chế cơn ho. Ngoài ra, một số tài liệu có ghi nhận về tác dụng gây xung huyết dưới da của dược liệu này.
Cây bèo đất sử dụng tất cả các bộ phận để chữa bệnh
Chủ trị
Bệnh ho gà
Viêm phế quản
Viêm họng cấp và mãn tính
Chai chân
Co giật
+ Liều dùng
Liều lượng sử dụng cây bèo đất được điều chỉnh tùy theo từng chứng bệnh.
+ Cách sử dụng
Sắc uống
Bào chế thành cao
Ngâm rượu
Điều chế thành siro uống
Bài thuốc chữa bệnh sử dụng cây bèo đất
Trong dân gian có các bài thuốc chữa bệnh từ cây bèo đất như sau:
1. Bài thuốc giảm ho, điều trị bệnh viêm họng ở giai đoạn cấp và mãn tính
Chuẩn bị: 15 – 20g cây bèo đất ( dùng toàn cây ), một ít đường cát trắng hoặc mật ong nguyên chất.
Sắc bèo đất với 500 ml nước, đun sôi kỹ khoảng 10 – 15 phút
Gạn nước sắc, pha thêm chút đường hoặc mật ong vào cho vừa đủ ngọt
Chia uống nhiều lần trong ngày. Cứ cách khoảng 2- 3 tiếng uống 1 lần
Mỗi lần uống 3 ml ( tương đương 1 thìa cà phê) để chữa viêm họng
2. Điều trị bệnh ho gà, trấn kinh
Sắc cô đặc cây bèo đất thành một dạng siro lỏng. Mỗi lần uống 10 giọt x 3 lần/ ngày. Bệnh nghiêm trọng có thể tăng liều khi có sự cho phép của thầy thuốc.
3. Bài thuốc chữa chai chân
Chuẩn bị: Cây bèo đất tươi và rượu trắng 40 độ
Bỏ cả 2 nguyên liệu vào bình thủy tinh. Cứ 1 phần dược liệu thì đổ 3 phần rượu
Để khoảng 15 ngày lấy rượu ra bôi trực tiếp vào vết chai để làm mềm da
Nếu đáp ứng tốt, sau vài ngày mảng chai sẽ bong ra ngoài.
Trên đây là những thông tin về cây bèo đất và cách sử dụng dược liệu chữa bệnh. Trước khi áp dụng cần có sự tham vấn của thầy thuốc để chắc chắn rằng thảo dược này thật sự có tác dụng với tình trạng bệnh của bạn.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh