Củ gai từ lâu đã được sử dụng làm vị thuốc giúp ăn thai và hỗ trợ chăm sóc sức khỏe thai kỳ cho mẹ bầu theo kinh nghiệm dân gian. Ngoài ra, nó còn được sử dụng làm vị thuốc chữa các chứng bệnh như mụn nhọt mưng mủ, phong thấp, tê mỏi chân tay, tiểu dắt… do ứ nhiệt.
Hình ảnh củ gai khi mới đào lên còn nguyên đất cát
Tên gọi khác: Trữ ma căn, tầm ma.
Tên khoa học: Boehmeria nivea (L) Gaud.
Mô tả dược liệu
1. Đặc điểm thực vật
Gai là một loại cây sống lâu năm với chiều cao có thể lên tới khoảng 1,5 – 2m. Lá lớn, có hình tim và mọc so le nhau, chiều dài khoảng 7 – 15cm, rộng khoảng 4 – 8cm. Đáy lá hình tim hoặc hơi tròn, phần mép lá có răng cưa. Mặt dưới lá có phủ 1 lớp lông trắng còn mặt trên thì có màu xanh lục thẫm. Mỗi lá sẽ có 3 gân phát ra từ cuống.
Hoa đơn tính cùng gốc, hoa cái có đài hợp được chia làm 3 răng còn hoa đực có 4 lá đài cùng 4 nhị. Quả bế còn mang đài tồn tại.
2. Bộ phận dùng
Phần rễ củ và lá là 2 bộ phận của cây gai được sử dụng để làm vị thuốc.
3. Phân bố
Nhiều tài liệu ghi nhận cây gai có nguồn gốc từ Ấn Độ. Sau đó di thực và được trồng ở nhiều nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Lào, Triều Tiên, Malaysia… Riêng ở Việt Nam, loại cây này được trồng ở khắp nơi, từ miền Bắc cho tới miền Nam.
4. Thu hái và sơ chế
Đối với củ gai có thể thu hái vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên, mùa thu đông được ho là thích hợp nhất bởi lúc này rễ củ phát triển mạnh, đồng thời có phẩm chất tốt.
Sau khi đào về cần loại bỏ hết rễ con và rửa sạch đất cát. Dược liệu có thể dùng tươi hay thái mỏng rồi phơi hoặc sấy khô để bảo quản dùng dần đều được.
5. Bảo quản
Trong trường hợp dược liệu đã được sơ chế khô cần cho vào túi kín. Bảo quản ở nơi thoáng mát, tránh ẩm mốc.
6. Thành phần hóa học
Phân tích dược liệu củ gai ghi nhận một số thành phần hóa học sau đây:
carbohydrates
vitamin K
selenium
acid chlorogenic
mangan
chlorine
thiamine
chất xơ
chất béo
protein
biotin
Vị thuốc củ gai
1. Tính vị
Dược liệu được ghi nhận là có vị ngọt, tính hàn và không có độc.
2. Quy kinh
Quy vào 3 kinh là Can, Tâm và Bàng quang.
3. Tác dụng dược lý
Theo y học cổ truyền:
Công dụng: lương huyết, chỉ huyết, thanh nhiệt, giải độc và an thai.
Chủ trị: Dùng điều trị xuất huyết do huyết nhiệt, nhiệt độc ung thũng, thai lộc bất an, thai lậu hạ huyết…
Theo y học hiện đại:
Hàm lượng acid chlorogenic trong củ gai có tác dụng tăng cường hiệu lực của adrenalin giúp làm thông tiểu tiện cũng như kích thích sự bài tiết mật.
Đồng thời, dược liệu còn có khả năng ức chế tác dụng của trypsin và pepsin. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu còn ghi nhận khả năng chống vi trùng cùng như tác dụng diệt nấm của củ gai.
Bên cạnh đó, acid chlorogenic còn được cho là có tác dụng chống oxy hóa cao hơn gấp 10 lần vitamin E. Nhờ đó mà có thể ngăn chặn các tình trạng như cao huyết áp, nhồi máu cơ tim hay xơ vữa động mạch.
4. Cách dùng – liều lượng
Củ gai thường được dùng phổ biến nhất ở dạng nước sắc. Ngoài ra còn được dùng trong chế biến nhiều món ăn bổ dưỡng. Liều dùng được khuyến cáo cho mỗi ngày là khoảng 12 – 20g. Tuy nhiên, tùy vào từng trường hợp mà có thể điều chỉnh cho phù hợp.
Cây củ gai là dược liệu được ứng dụng lâm sàng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh
Củ gai tươi – Giúp an thai và chăm sóc sức khỏe thai kỳ
Thai kỳ có thể nói là giai đoạn vô cùng nhạy cảm ở phụ nữ. Lúc này sự thay đổi về tâm sinh lý khiến mẹ bầu gặp phải rất nhiều triệu chứng bất thường. Trong đó, nhiều mẹ bầu còn gặp tình trạng động thai hay dọa sẩy thai.
Kinh nghiệm dân gian cho thấy, việc sử dụng củ gai tươi được cho là có thể đáp ứng trong trường hợp này. Củ gai tươi không độc, có tính hàn sẽ giúp tán ứ, tản nhiệt.
Sử dụng củ gai tươi đúng cách không chỉ giúp mẹ bầu an thai mà còn dưỡng thai được tốt hơn. Bởi trong dược liệu này còn chứa khá nhiều các thành phần dưỡng chất quan trọng.
Dưới đây là một số bài thuốc giúp dưỡng huyết an thai cho mẹ bầu:
Bài thuốc 1: Cần có 30g củ gai tươi. Đem vị thuốc đi sắc chung với 600ml nước đến khi cô lại còn 200ml là đạt. Chia đều thành 3 lần uống mỗi ngày. Bài thuốc này thường phát huy công dụng rõ rệt chỉ sau 1 vài ngày.
Bài thuốc 2: Chuẩn bị 20g củ gai tươi, 10 quả hồng táo cùng 100g gạo nếp. Sắc dược liệu lấy nước, bỏ bã đi rồi thêm gạo nếp và hồng táo vào nấu thành cháo. Khi cháo nhừ thì nêm nếm gia vị vừa ăn, chia làm nhiều lần ăn trong ngày.
Bài thuốc 3: Cần chuẩn bị 30g củ gai tươi, 30g sinh địa cùng với 150g gạo nếp. Hai vị thuốc đem sắc lấy nước bỏ bã rồi cho gạo nếp vào nấu nhừ thành cháo. Nêm nếm gia vị cho vừa miệng rồi chia đều thành nhiều lần ăn trong ngày.
Ngoài ra, còn có thể dùng củ gai tươi để nấu với các loại thực phẩm bổ dưỡng khác. Điển hình như bồ câu, móng giò, gà ác… sẽ không chỉ giúp an thai mà cò tăng cường dưỡng chất cho sự phát triển của thai nhi và sức khỏe của mẹ bầu.
Các bài thuốc trị bệnh từ dược liệu củ gai
Dược liệu củ gai còn được dùng làm vị thuốc trong một số bài thuốc dưới đây:
1. Bài thuốc chữa bệnh sa tử cung
Chuẩn bị: 30g củ gai khô.
Thực hiện: Đem cho vị thuốc vào ấm sắc với 600ml nước trong khoảng 10 phút. Có thể chia lượng thuốc thu được làm nhiều lần uống, dùng 1 thang/ngày. Cần duy trì bài thuốc liên tục trong 3 – 4 ngày.
2. Bài thuốc chữa chứng đau bụng do động thai ở sản phụ
Chuẩn bị: 4g củ gai khô cùng với 4g cành tía tô.
Thực hiện: Các vị thuốc trên cho vào ấm, đổ thêm 400ml nước vào. Đun sôi trên lửa nhỏ đến khi còn 100ml. Dùng uống trong ngày còn ấm. Trường hợp có triệu chứng xuất huyết thì cần cho thêm 10g lá huyết dụ vào bài thuốc.
Củ gai có thể được sơ chế khô để bảo quản dùng dần
3. Bài thuốc chữa đau bụng, ra huyết, dọa sẩy thai ở mẹ bầu
Chuẩn bị: 48g củ gai tươi, 12g tía tô, 12g lá ngải cứu.
Thực hiện: Cho hết vị thuốc vào ấm, thêm 1 thăng nước vào. Đun trên lửa nhỏ khoảng 15 – 20 phút. Dùng nước thuốc khi còn ấm, ngày 1 thang.
4. Bài thuốc ngăn ngừa rụng tóc
Chuẩn bị: Dùng củ gai tươi hay khô với lượng phù hợp.
Thực hiện: Sắc lấy nước uống như uống nước trà hằng ngày.
5. Bài thuốc trị mụn nhọt mưng mủ
Chuẩn bị: Củ gai và rễ vông vang với lượng bằng nhau.
Thực hiện: Đem 2 vị thuốc trên đi rửa sạch rồi giã nát. Sau đó dùng hỗn hợp thuốc đắp trực tiếp lên vùng da bị mụn nhọt. Kiên trì chỉ trong 1 – 2 ngày sẽ thấy mụn bớt mủ, đồng thời giảm sưng đau đáng kể.
6. Bài thuốc chữa tê mỏi tay chân
Chuẩn bị: 15 – 20g củ gai khô.
Thực hiện: Cho vị thuốc vào ấm sắc cùng với 1 lít nước đến khi còn phân nửa. Chia thành nhiều lần uống, dùng 1 thang/ngày.
7. Bài thuốc chữa phong thấp
Chuẩn bị: 50g củ gai cùng với 1 lít rượu.
Thực hiện: Cho củ gai vào bình sành hoặc thủy tinh ngâm với rượu trong 7 ngày. Mỗi lần lấy 10ml uống trực tiếp, tần suất 2 lần/ngày.
8. Bài thuốc chữa chứng tiểu ra nước màu trắng đục
Chuẩn bị: 30g củ gai, 16g cây trinh nữ, 16g đinh lăng, 16g thương nhĩ tử, 20g rau dừa nước cùng 20g thổ phục linh.
Thực hiện: Cho các vị thuốc trên vào ấm sắc cùng 800ml nước trên lửa nhỏ. Tắt bếp khi lượng nước cô lại còn khoảng 200ml. Chia đều thành 2 lần uống và chỉ dùng mỗi ngày 1 thang.
9. Bài thuốc chữa tiểu dắt do nhiệt
Chuẩn bị: 30g củ gai, 30g mã đề cùng 3 nhánh hành tươi.
Thực hiện: Các vị thuốc trên đem đi rửa sạch rồi cho hết vào ấm sắc cùng nửa lít nước. Thu lấy 100ml uống khi còn ấm, ngày dùng 1 thang. Duy trì đều đặn 3 – 5 ngày sẽ thấy triệu chứng giảm rõ rệt.
10. Bài thuốc chữa tiểu tiện đỏ, nóng trong người do ứ nhiệt
Chuẩn bị: 20g củ gai, 10g cát căn, 15g nhân trần và 20g lá cây cối xay.
Thực hiện: Cho các vị thuốc trên vào ấm, đổ thêm 400ml nước vào. Đun kỹ trên lửa nhỏ. Có thể chia làm nhiều lần uống, ngày dùng 1 thang. Cần duy trì liên tục khoảng 5 – 7 ngày.
Lưu ý khi sử dụng củ gai
Củ gai mặc dù có nhiều công dụng tốt nhưng khi sử dụng cần cẩn trọng. Trường hợp không phải bệnh do thực nhiệt thì không nên sử dụng dược liệu này. Củ gai có thể gây ngứa nếu dùng tươi nhưng khi được chế biến chín hay sắc nước thì sẽ không còn ngứa.
Dược liệu củ gai mặc dù không độc nhưng lại có tính hàn. Chính vì thế không nên dùng trong trường hợp hư hàn hay sử dụng trong thời gian dài. Phụ nữ mang thai muốn sử dụng an thai hay dưỡng huyết cũng cần cẩn trọng và dùng đúng liều lượng để tránh gặp tình trạng phản tác dụng.
Những thông tin về dược liệu củ gai tươi mà bài viết tổng hợp chỉ có giá trị tham khảo. Trước khi dùng dược liệu cho bất cứ trường hợp hay mục đích nào, cần trao đổi trước với thầy thuốc để được hướng dẫn cụ thể. Điều này sẽ đảm bảo hiệu quả và độ an toàn, tránh phát sinh tác dụng ngoại ý.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh